Giai phố mặc gì?

ANTD.VN - Đây là một câu hỏi không dễ, nhưng cũng không hẳn là quá khó. Bởi nước Việt từ ngàn xưa cho tới nay hiếm khi dư dật, sinh hoạt của mọi người dân đều kiệm cần vất vả. 

Giai phố mặc gì? ảnh 1Hà Nội thế kỷ 19, đàn ông mặc áo dài xen lẫn đồ Tây

Sách “Lĩnh Nam trích quái” của Trần Thế Pháp chép: “Hồi quốc sơ dân ta lấy vỏ cây làm áo, bện cỏ ống làm chiếu”. Không có nguồn sử liệu gì ghi truyền đích xác dân ta biết dệt vải dệt lụa từ hồi nào. Chính vì thế, ngay cả y phục của phụ nữ cũng không quá cầu kỳ phức tạp.

Không kể trang phục cung đình ở những đô hội lớn, mà sang trọng diêm dúa đa phần theo người Tàu, thì nhìn chung trang phục dân gian đơn giản, khá ổn định về kiểu dáng và hình thức.

Vào thời Lý Trần, lúc chủ quyền quốc gia bắt đầu xác định, thì áo cổ tròn là kiểu áo phổ biến cho cả đàn ông và đàn bà. Thời kỳ này, áo tứ thân được may bằng bốn khổ vải thô, hai vạt song song buông dài xuống phía dưới. Màu sắc bình dị, lấy từ nhựa củ nâu ở rừng. Nhuộm ít thì là màu nâu non, nhuộm nhiều thì như màu gụ sẫm. 

Bước sang thời Lê, kiểu chung vẫn là áo “giao lĩnh”, hay còn gọi là “tràng vạt”. Đại loại, cổ áo bắt chéo trước ngực, giống như áo tràng của các nhà sư vẫn đang dùng thời nay. Có điều, nói đến áo hay quần cũng là chuyện xa xỉ ở kinh kỳ. Bởi ở những vùng nông thôn vất vả, y phục đấy đàn ông chỉ dám “diện” vào những ngày lễ tết hoặc có việc hiếu hỷ. Còn đâu, do thời tiết nóng bức và công việc đồng áng bùn nhơ nước đọng, nên trong một thời gian rất dài, đàn ông Việt thường ở trần và đóng khố.

Mùa đông rét mướt, bất đắc dĩ mặc thêm quần, nhưng lội đồng thì xắn cao cho khỏi ướt và lấm. Ngày mưa có trùm bên ngoài một áo buồm bằng cỏ lác hay áo tơi bằng lá gồi. Minh họa tiêu biểu cho thời trang nam ở giai đoạn lịch sử này thì chẳng có gì cảm động bằng phong cách ăn mặc của Chử Đồng Tử, một trong bốn vị thần bất tử của người Việt. Nhà Chử nghèo tới mức, hai bố con phải chung nhau một cái khố. Bố mất, ông Chử nhường nốt, nên lúc mò cua bắt ốc ông thường “nuy”.

Tấm lòng hiếu hạnh của ông, luôn được các thế hệ kế tiếp trân trọng, coi là một trong vài phẩm chất ưu tú nhất đã làm lên sinh lực Việt. Vậy mà không hiểu sao tới giờ, trong vô số mẫu quốc phục đương đại, các nhà tạo mẫu lừng danh không rõ giới tính ở ta, chưa thấy ai đề xuất tôn vinh “khố”.

Cuộc cách mạng trong cách mặc đại chúng của nam thị dân Việt, từ áo the khăn xếp thịnh hành triều Nguyễn tới “sơ mi” “com lê”, có thể lấy mốc bằng công cuộc thực dân của người Pháp. Trong cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861”, Trung úy hải quân Léopold Pallu kinh ngạc “Hầu hết đàn ông chỉ dùng một miếng vải rộng buộc bằng dây lưng quấn quanh bụng gọi là cain-chian (cái chăn). Họ ham chơi, khi làm được tiền là xài ngay. Họ không thích và không có khả năng về thương mại. Họ ham mê cờ bạc cao độ. Thoáng là đã thua sạch chỉ còn cain-chian ở trên người”. Quả là một nhận xét thú vị.

Ngay cả đám đại gia dư tiền bây giờ, trong cách ăn cách mặc vẫn hằn đậm cái chất nhàn nhạt tầm thường “công chức”

Tất nhiên với bản tính tuy hấp tấp nhưng không quá vội vã, trang phục của đám đàn ông chậm rãi thay đổi. Đầu tiên là ở những đô thị lớn, nơi manh nha ra cái gọi là giới công chức mang hơi hướng văn minh Tây. Họ được dân gian nửa suồng sã nửa trân trọng gọi là ông Thông, ông Phán. Họ biết ngay ngắn đi giầy Tây, đội mũ Tây và dung tục mặc “vét”.  Và cho đến nay, hình ảnh những ông phán đại loại vẫn phẳng phiu như vậy. Ngay cả đám đại gia dư tiền bây giờ, trong cách ăn cách mặc vẫn hằn đậm cái chất nhàn nhạt tầm thường “công chức”. 

Rồi đến hồi đỉnh điểm của bao cấp, không cần phải là cán bộ hay công nhân viên chức, xúc động thay, hầu như trên mọi con phố ai ai cũng mặc gần giống như nhau. Đa phần là màu sẫm. Sáng hơn một tý là màu xanh “công nhân”.

Và sáng nhất là màu áo trắng của bọn học trò, cho dù cái màu trắng ngây thơ có bị thường nhật vất vả nhuộm ngả sang màu cháo lòng. Thiết kế may cắt thì nhất loạt, áo sơ mi nữ khác áo sơ mi nam nhờ hai vệt “chiết ly” ngực.

Quần Âu cũng vậy, nam nữ chỉ khác nhau ở cái cửa quần (thường là cài khuy, thỉnh thoảng mới có phéc mơ tuya), còn đâu già trẻ lớn bé mặc giống y sì nhau tuốt tuột. Anh chị em mặc lẫn được của nhau. Con trai mặc lại quần của bố, con gái mặc lại áo của mẹ. Có những loại quần áo được may bằng vải tốt, kiểu như “ka ki” Liên Xô hay “ga ba đin” Trung Quốc thì đến đời cháu vẫn có thể dùng.

Tuy có thăng có trầm, thời trang nam của đàn ông Việt, nhất là ở những thị dân, luôn mang tính cách của thời đại, của dân tộc. Nó nửa ngoại nửa nội, nửa như sang lại nửa như hèn. Có phải vậy chăng mà giờ đây ở phố, nếu chỉ nhìn vào quần áo bên ngoài, thường rất khó đoán đâu là ông đâu là thằng, đâu là tiểu nhân, quân tử.

Tin đọc nhiều