Duyệt binh, diễu binh ở kinh đô và Thủ đô

ANTD.VN - Trong âm mưu chiếm toàn bộ Bắc Kỳ, năm 1882, thực dân Pháp cho quân đánh thành Hà Nội lần thứ hai và chiếm được thành. Nhưng năm 1883, quân Pháp mới chiếm hết  Hà Nội. Ngay sau khi chiếm Hà Nội, Pháp đã lên kế hoạch biến Hà Nội là thành phố thuộc nước Pháp. Sau nhiều sức ép, năm 1888, vua Đồng Khánh đã ký chỉ dụ cắt đất cho Pháp thành lập thành phố Hà Nội. Kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14-7-1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký quyết định tổ chức duyệt binh lần đầu tại Hà Nội. Ẩn sau cái cớ kỷ niệm Quốc khánh Pháp, mục đích của cuộc duyệt binh này là thị uy dân thuộc địa bản xứ khi thực dân Pháp khoe các loại vũ khí. Thực ra đây không phải là lần duyệt binh đầu tiên ở Việt Nam.

Duyệt binh, diễu binh ở kinh đô và Thủ đô ảnh 1Khối nữ Công an nhân dân duyệt binh chào mừng Quốc khánh 2-9-1975

Ngược dòng lịch sử, Việt Nam đã từng có những cuộc duyệt binh, diễu binh lớn. Thời nhà Trần, đề phòng nguy cơ chiếm thành Thăng Long của kẻ thù từ phương Bắc và quân Chiêm thành từ phía Nam bằng đường thủy nên triều đình chú trọng xây dựng thủy binh. Theo “Đại Việt sử ký”, tại bến Đông Bộ Đầu (tương ứng khu vực đầu phố Hàng Than) trên sông Hồng thường xuyên diễn ra luyện tập thủy binh. Kết thúc mỗi đợt luyện tập, triều đình đã tổ chức duyệt thủy binh để kiểm tra khả năng chiến đấu cũng như phô diễn sức mạnh. Lễ duyệt thủy binh có vua và các quan đại thần tham dự. Bên bờ sông còn có rất đông dân chúng Thăng Long đứng xem, họ hô hào cổ xúy vang động cả khúc sông Hồng. 

Năm 1428, sau khi đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi cũng đã tổ chức duyệt thủy binh. Từng đội thuyền chở quân xuất phát từ bến Bồ Đề (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên) chia làm nhiều ngả tiến về thành. Họ đội nón, tay cầm giáo mác trong tư thế chiến đấu. Sau khi diễu qua lễ đài cho vua duyệt, đội thủy binh diễu hành trên sông Hồng. Tiếng trống ngũ liên, tiếng chiêng khua vang vọng vào trong thành khiến dân chúng náo nức. Thời vua Lê chúa Trịnh, nhà chúa xây lầu Ngũ Long (tương ứng với khu vực Bưu điện Hà Nội hiện nay) để nghỉ ngơi và cũng là nơi ngồi xem duyệt thủy binh trên hồ Lục Thủy (một phần là  hồ Hoàn Kiếm hiện nay). Khi nhà Nguyễn đánh đổ  nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và chuyển kinh đô vào Huế thì duyệt binh, diễu binh không diễn ra ở Thăng Long nữa. 

Duyệt binh, diễu binh ở kinh đô và Thủ đô ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Năm 1954, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève rút quân khỏi Đông Dương. Không lâu sau đó, ngày 1-1-1955, lễ diễu binh, diễu hành đón Bác Hồ và Trung ương Đảng từ Việt Bắc trở về được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lễ diễu binh, diễu hành đầu tiên của chế độ mới ở miền Bắc. Tham gia cuộc biểu dương ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết có các chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị từ chiến khu trở về trong quân phục màu xanh cỏ úa, đầu đội mũ kê pi vai đeo súng trường khiến người dân Hà Nội bất ngờ và ngỡ ngàng vì trước đó họ chỉ được nghe tin lan truyền về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc vải. Hôm đó, các cửa hàng cửa hiệu ở các phố đóng cửa, đàn ông mặc áo sơ mi, quần ka ki, đầu chải bi giăng tin bóng loáng, còn phụ nữ thì  rất nhiều người mặc áo dài tràn ra phố tươi cười vẫy chào khi đoàn quân diễu qua. Cảm xúc thiêng liêng, hạnh phúc ngập tràn các con phố, ngõ nhỏ và lan về vùng ngoại thành trong cơn gió se lạnh mùa đông.

Từ năm 1954 cho đến ngày đất nước thống nhất, tại Hà Nội diễn ra mấy cuộc duyệt binh và diễu binh nhưng lần duyệt binh lớn có quy mô hoàng tráng với đủ các quân binh chủng và dân quân tự vệ tham gia là lễ duyệt binh kỷ niệm 25 thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1970 với chủ đề “Mừng 25 năm đất nước nở hoa”. Tại sân bay Bạch Mai, một trong những điểm tập luyện của các bô lão dân quân Thanh Hóa và nữ dân quân bên khẩu 12ly7 lúc nào cũng có người dân đứng xem. Điều  đáng nói là lễ duyệt binh ngày 2-9-1970 diễn ra khi không quân Mỹ vẫn ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào. Không chỉ người Hà Nội, người dân các tỉnh vô cùng háo hức, họ đi xe khách, xe đạp và cả cuốc bộ về Hà Nội xem duyệt binh. Dù Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp và Đài Truyền thanh Hà Nội tiếp sóng nhưng ai cũng muốn được nhìn tận mắt đoàn quân uy nghiêm. Các tuyến phố mà đoàn quân đi qua đông nghẹt người, nhất là ngã ba Hùng Vương - Nguyễn Thái Học nơi các đoàn duyệt binh chia làm hai ngả để đi qua các phố. 

Một lễ duyệt binh và diễu binh lớn nhất thế kỷ XX là lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh 2-9-1975, cũng là ngày mừng non sông đất nước liền một dải. Đặc biệt lễ duyệt binh này diễn ra đúng vào dịp khánh thành lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham gia duyệt binh có đầy đủ quân binh chủng với các loại vũ khí, khí tài. Trên trời máy bay chiến đấu bay qua bay lại chào mừng mấy vòng. Thêm vào đó có tầng lớp trí thức, công nhân Thủ đô tham gia diễu hành đã biến lễ duyệt binh thành ngày hội non sông. Với người dân Hà Nội thì niềm vui nhân đôi vì không chỉ là nơi diễn ra duyệt binh, diễu binh mà ngành thương nghiệp còn bán thêm thịt, cá, nước mắm ngoài tiêu chuẩn để nhân dân liên hoan.     

Vì là kinh đô và Thủ đô nên duyệt binh, diễu binh thường diễn ra tại Thăng Long - Hà Nội. Sau năm 1986, năm đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, để tiết kiệm ngân sách, nhà nước cũng hạn chế tổ chức duyệt binh và diễu binh. Cho đến hết thế kỷ XX gần như không có cuộc duyệt binh nào. 

Sang thế kỷ XXI, diễu binh và diễu hành ở Thủ đô Hà Nội được tổ chức vào những dịp kỷ niệm trọng đại như: 60 năm Quốc khánh 2-9-2005, 70 năm Quốc khánh 2-9-2015 và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội 10-10-2010.

Tin đọc nhiều