Đừng trách "Quái vật Momo"...

ANTD.VN - Bỏ mặc con với điện thoại di động (hay nói trúng hơn là với internet), đó là lời buộc tội của thời đại mà hầu hết các phụ huynh khi bị cáo buộc đều chỉ biết im lặng cúi đầu.

Đừng trách "Quái vật Momo"... ảnh 1Trẻ em ngày nay nếu không có biện pháp hạn chế thì rất dễ u mê trong thế giới internet

1/3 lượng người sử dụng internet là trẻ em (16 tuổi trở xuống) và theo điều tra của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) thì cứ mỗi 0,5 giây lại có 1 trẻ em tiếp cận với     internet lần đầu tiên. Đó là một guồng máy thực sự mà ai cũng biết rằng nó hoạt động như thế nào.

Năm 1969, tiền thân của internet ra đời như một phương thức truyền tin trong diện hẹp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ còn thế giới vẫn mải mê đọc sách. Nửa thế kỷ sau, năm 2019,  không còn ai có thể ngăn được hàng trăm triệu người đắm chìm trong không gian mạng mỗi ngày nữa.

Năm ngoái, một bộ phận cổ đông của hãng Apple đã yêu cầu hãng phải có biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng điện thoại thông minh quá mức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Động thái này xuất phát từ thực trạng thiếu niên Mỹ bắt đầu được cha mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh từ năm 10 tuổi và dành trung bình 4,5 giờ một ngày cho smartphone (không bao gồm thời gian nhắn tin và đàm thoại). 78% thanh thiếu niên phải kiểm tra điện thoại của họ ít nhất một lần mỗi giờ, một nửa số thiếu niên thừa nhận mình “nghiện” điện thoại. 

Khác với thanh thiếu niên 2 thập kỷ trước nghiện video games, thanh thiếu niên hiện nay nghiện vào mạng xã hội để tương tác và giải trí. Các mạng xã hội thông dụng hàng đầu thế giới cũng chiếm top quan tâm của giới trẻ Việt Nam gồm Facebook, Youtube, Instagram, Tik Tok... Đó là những kho nội dung vô tận của thế giới mà sức hấp dẫn của nó không ai có thể cưỡng lại được.

Thực ra, đó là một dạng “há miệng mắc quai”, khi mà rất nhiều phụ huynh chính là những con nghiện điện thoại loại nặng, với thời gian cắm mặt vào điện thoại trung bình 8 tiếng/ngày, từ khi thức dậy cho đến tận lúc chìm vào giấc ngủ. Tự hạn chế mình với chiếc điện thoại di động và các phần mềm, thế giới của chúng ta cực rộng nhưng cũng cực hẹp. Rộng đến mức, đi ra đường để mua đồ ăn thì mệt hơn nhiều là gọi dịch vụ mang đến tận nhà. Và hẹp đến mức, những ngày tháng dài trôi qua vun vút chỉ vài mét từ ghế salon vào đến giường ngủ là xong (miễn phải có wifi).

Năm ngoái, một cậu bé 9 tuổi ở Trung Quốc đã gây chấn động mạng xã hội nước này, khi bài tập làm văn viết thư cho người thân của cậu được cô giáo công bố. “Bố ơi, con muốn nói với bố điều này” - tiêu đề bức thư - kể về một ông bố ngày nào đi làm về cũng cắm mặt vào điện thoại và thờ ơ với tất cả mọi điều xung quanh, kể cả con trai mình. Cảm thấy nhớ bố dù vẫn có bố mỗi ngày, cậu bé viết “Bố à, điều con mong mỏi không phải là một ngôi nhà đầy đồ ăn ngon, có điện thoại đắt tiền hay đồ chơi công nghệ cao. Điều con muốn chỉ là bố có thể đặt chiếc điện thoại xuống và chơi với con. Đó hẳn sẽ là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời con. Bố à, chỉ cần bố rời xa màn hình điện thoại, con sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình. Con rất yêu bố, bố của con’’.

Hẳn nhiên, những ông bố bà mẹ Việt Nam có thể cũng giật mình khi đọc bức thư của cậu bé Trung Quốc này. Ai đã là người đầu tiên đã dúi vào tay bọn trẻ chiếc điện thoại, cái ipad, hay chiếc điều khiển tivi? 

Thế nhưng, thật tức cười mỗi khi ai đó phát hiện được thứ gì đó độc hại trên mạng, thì vội vã lu loa lên. Vậy là cả một làn sóng phẫn nộ, chửi bới, lo lắng, than vãn... đổ cho mạng xã hội, cho internet, đang đầu độc và cướp mất bọn trẻ. 

Đừng trách "Quái vật Momo"... ảnh 2Nhà báo Phạm Gia Hiền

“Quái vật đầu gà Momo” là con ngáo ộp mới nhất gây náo loạn, đến từ Youtube, trong khi bọn trẻ bây giờ tiếp cận Youtube từ khi còn ăn bột. Nếu bạn đọc là một phụ huynh có con nhỏ, hãy thử về nhà hỏi con của mình có biết Vanh Leg là ai không, có biết Đỗ Duy Nam hát bài gì không? Có thể đó là những cái tên hoàn toàn xa lạ với anh chị, nhưng mỗi clip ca nhạc của 2 ca sĩ Youtube này up lên, đạt hàng chục, hàng trăm triệu lượt xem. Và đại đa số lượt xem đó là từ trẻ em. 

Thời của truyền hình đã qua rất nhanh, bây giờ là thời của mạng xã hội, của Youtube. Về cơ bản, tư duy tiếp nhận nội dung một chiều và cố định kiểu truyền hình truyền thống đã không còn chỗ đứng. Bây giờ, Youtube, Facebook... là những đài truyền hình, những tờ báo lớn nhất thế giới - nơi mà, người xem chìm nghỉm trong lượng nội dung vô tận.

Vì lượt xem, người ta có thể làm mọi thứ. Ở những mạng chia sẻ video như Tik Tok (chủ yếu dành cho người Trung Quốc), những chủ tài khoản có thể kiếm tiền thưởng từ người xem. Vì thế, họ làm đủ trò tạo sự chú ý, không loại trừ cả những thứ bệnh hoạn, thậm chí tự hủy hoại. Tuần trước, một người đàn ông Trung Quốc đã tử vong sau khi liên tục suốt 1 tháng uống hàng trăm lít bia, rượu, dầu ăn và cả dấm để mua vui cho người xem Tik Tok. 

Cho nên, vấn đề không nằm ở cung hay ở cầu. Tác giả của trò thử thách Cá voi xanh (khuyến khích thanh thiếu niên tự cắt tay), hay Quái vật Momo (yêu cầu trẻ em tự làm đau mình, thậm chí có thể hiểu là tự sát), suy cho cùng cũng là những nạn nhân của một phương thức kết nối đã không còn giới hạn. Còn bọn trẻ, thì ngay khi u mê trong thế giới internet, bản thân chúng đã là những nạn nhân của sự cô đơn.

Những thế hệ 7X, 8X đã may mắn lớn lên không lệ thuộc vào internet, và định hình nhân cách với những kết nối thực của xã hội con người. Nhưng điều đó cũng không tránh cho họ được cảnh suy thoái chỉ trong vài năm bằng internet, 4G, wifi. 

Vậy thì, trách làm gì bọn trẻ đương đại, những quả trứng được ấp bằng sức nóng của sạc di động? Nghĩ thế, có khi lại thấy “Quái vật Momo” là một thiên thần mang sứ mệnh tỉnh thức...

Năm ngoái, một cậu bé 9 tuổi ở Trung Quốc đã gây chấn động mạng xã hội nước này khi viết thư cho bố. “Điều con muốn chỉ là bố có thể đặt chiếc điện thoại xuống và chơi với con. Đó hẳn sẽ là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời con. Bố à, chỉ cần bố rời xa màn hình điện thoại, con sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình. Con rất yêu bố, bố của con’’. Hẳn nhiên, những ông bố bà mẹ Việt Nam có thể cũng giật mình khi đọc bức thư của cậu bé Trung Quốc này. Ai đã là người đầu tiên đã dúi vào tay bọn trẻ chiếc điện thoại, cái ipad, hay chiếc điều khiển tivi?

Tin đọc nhiều