Đổi mới ở "Xó bếp"

ANTD.VN - Ngày 23 tháng Chạp là Tết “ông Công ông Táo”, mọi  nhà  làm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời. Theo tâm thức dân gian, từ ngày này cho đến đêm 30 thì vũ trụ vô chủ tâm linh, bếp cũng không có ai cai quản. Sau Giao thừa, nhà nhà bê mâm có con gà, miếng thịt sống, đĩa muối, con dao... ra ngoài sân cúng chào đón ông Táo mới xuống trần thế làm chủ bếp. 

Những đổi thay bắt đầu từ xó bếp

Ngày  xưa, các nhà còn thay ông đầu rau cũ bằng ông đầu rau mới. Cái bếp có ý nghĩa trong tâm thức dân gian nhưng với người Việt là “Dĩ thực vi thiên” (cái ăn bằng trời), không thể ăn gạo sống, cái bếp thật quan trọng. Bếp thôn quê thường lợp bằng rạ, thứ vật liệu dễ cháy nên bao giờ người ta cũng  làm bếp riêng, xa chỗ ở, nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì nhà vẫn còn. Nhưng bếp thị thành thì khác, vì nhà ống nên bếp thường ở  trong cùng.

Người thị thành không ăn trong bếp như người thôn quê, có chỗ riêng, kín đáo để hàng xóm không biết mình ăn gì và như thế cũng khó biết nhà mình giàu hay nghèo, điều đó phản ánh tính sĩ của cư dân thị thành, “bụng  đói  ra đường vẫn ngậm cái tăm”. Bố trí bếp của mọi gia đình khá giống nhau, thường có hai chỗ đun đặt cạnh nhau để đun hai nồi, mỗi chỗ có 3 ông đầu  rau nặn bằng đất sét. Có chỗ để củi. Bên cạnh là chạn tre đựng bát đĩa, để chai tương, chai mắm, hũ muối... 

Dân gian ví con trai lấy vợ ở rể như “chó nằm gầm chạn”, gầm chạn chật chội, không cựa quậy được, trên có thức ăn mà chẳng dám đụng; mất tự do, không có quyền hành. Xó bếp không chỉ là nơi nấu nướng, nó còn lưu giữ mùi vị, mùi bếp nhà giàu khác, nhà nghèo khác. Thời Nho, “Sỹ, Nông” đứng đầu, “Công, Thương” đứng sau thì mùi bếp chắc đơn điệu nghèo nàn.  

Tây vào, bếp thị thành  thay đổi, thay thế 3 ông đầu rau là kiềng ba chân đúc bằng gang, có khi bằng sắt, “vững như kiềng ba chân”. Cái niêu đất kho cá, nồi đồng dưới to trên bé nấu cơm dần thay bằng nồi gang, nồi nhôm, đáy và miệng bằng nhau; sanh đồng để rán thay bằng chảo nhôm.

Cháy cơm nấu nồi gang thì nhất trở lên, nó không đen, vàng ươm và giòn. Gang giòn nhưng không mòn như nồi đồng, vì thế trên phố dần mất tiếng rao “ai hàn nồi đây”. “Lành làm gáo, vỡ làm môi”, cái môi làm bằng sọ quả dừa vỡ thay bằng cái thìa kim loại, nó phù hợp với tâm lý tiểu nông “ăn chắc mặc bền”. 

Chạn  tre  thay bằng gỗ, được cải tiến, ngăn trên có lưới mắt nhỏ vây ba phía ngăn ruồi, cũng là thoáng đãng để thức ăn không ôi thiu. Dân phố không gọi là chạn, mà gọi theo tiếng Tây: gác măng giê.

Mùi bếp cũng thay đổi. Chỉ cái mâm vẫn thế, nhà khá giả dùng mâm đồng, nhà nghèo dùng mâm gỗ. Mâm cũng là biểu tượng trời tròn như bánh giầy nhưng nó còn tượng trưng cho sự quây quần, sum họp, thêm bát nước mắm ở giữa là thêm tính cộng đồng, tinh thần cộng cảm.  

Ở quê đun rơm rạ, Hà Nội đun than hoa. Cái đun Hà Nội thời bao cấp phụ thuộc vào Nhà nước bán cho cái gì. Thập niên 60 bán củi, mùn cưa; nhà nhà bỏ kiềng 3 chân mua lò. Vì mùn cưa khô, rời rạc nên đóng lò là cả một nghệ thuật, cái chai làm lõi phải lật ngược đặt sao cho chính giữa lò, sau đó lèn mùn cưa xung quanh, khi mùn cưa lên đến miệng phải nhẹ tay  rút cái chai, mạnh quá mùn cưa sẽ sụp xuống mà nhẹ thì không rút được chai. 

Thập niên 70, Nhà nước bán dầu hỏa, lại quẳng lò mùn cưa vào xó mua bếp dầu, đun dầu thích hơn, hết dầu chỉ việc đổ vào bếp nhưng vất vả  nhất là thay bấc, tay đen xì hôi hám, rửa mấy lần xà phòng vẫn không hết vết nhọ.

Có thời kỳ than không xuất khẩu được, Nhà nước bán than, lại đắp lò. Nhóm bếp than không dễ tí nào, cho dưới đáy tí củi, mồi dầu hỏa, có khi phải thêm miếng cao su. Nhưng ủ lò mới  khó, phải căn làm sao để sáng sớm hôm sau chọc lò than vẫn cháy. 

Sau năm 1975, một số vật dụng nội trợ bằng nhựa, nhôm từ Sài Gòn ào ra, người  Hà Nội thay rá tre, rổ tre, làn mây đi chợ  bằng rá nhôm, rổ nhựa, làn nhựa. Gạo mậu dịch vừa hôi, vừa lắm thóc nhiều sạn, “ăn cơm lừa thóc” mới thấy giá trị của rá tre, người vo gạo dùng hai bàn tay vỗ vỗ vào thành cho ráo nước rồi xóc để tìm thóc và sạn, âm thanh bồm bộp biểu hiện sự vất vả song cũng vui tai.

Các bà nội trợ thay đổi vì đồ nhôm, nhựa nhẹ hơn, bền hơn, rẻ và văn minh hơn, phù hợp với tâm lý tiểu nông “ăn chắc, mặc bền”. Rổ, rá giờ chỉ còn lại trong bảo tàng nhưng thành ngữ “rổ rá cạp lại” chưa mất, không có câu nào hay hơn thay thế. 

Cũng trước 1975, các gia đình Hà Nội vẫn đồ xôi bằng chõ, chõ làm bằng đất nung, khi chõ nhôm từ Sài Gòn ra, các bà thay luôn, cho nhẹ lại không sợ vỡ như chõ đất.

Thời bao cấp, 4 chân gác măng giê nhà nào cũng có 4 cái bát đổ đầy nước lã để chặn kiến bò lên, có cao lương mỹ vị gì đâu mà bò lên, hóa ra cơ chế làm kiến cũng đói. Với người “ăn từ xó bếp ăn ra” không phải vì tham ăn mà vì họ đói. Mùi bếp thời bao cấp nhàn nhạt pha với khen khét của xì dầu, thum thủm của nước mắm. 

Đằng đẵng qua nhiều thế kỷ, văn minh như kinh đô cũng vẫn phải có đôi đũa cả để xới cơm. Đũa cả làm bằng tre, to bản. Cả chỉ lớn nhất, to nhất, quan trọng nhất, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.

Tết Nguyên đán còn gọi là Tết cả, đàn ông lớn trong gia đình gọi là bác cả, ý kiến của bác cả là ý kiến cuối cùng, mọi người chỉ có nghe theo. Thời ăn gạo mậu dịch, nấu khéo đến mấy cơm vẫn rời rạc vì gạo không còn nhựa, vậy mà vẫn dùng đũa cả và mỗi lần xới chỉ được một ít, vục cho nhanh bị mắng là ăn tục. 

Có đũa cả phải có đũa con. Đũa con được ca dao, thành ngữ dùng nhiều. Để mắng người ăn nói lung tung, không phân biệt hay dở tốt xấu thì “đừng vơ đũa cả nắm”; cơ quan bầu lao động tiến tiến thì “so bó đũa chọn cột cờ”; đũa để gắp được so với “vợ dại không hại bằng đũa vênh”. Cô gái cao ngổng lấy anh chồng lùn tịt thiên hạ ví von “như đôi đũa lệch so sao cho bằng”, dân gian hóm hỉnh mà cũng rất  thực dụng. 

Nồi cơm điện xuất hiện, kèm theo cái  thìa nhựa, thế là đũa cả ra đi không kèn không trống. Bàn ăn, ghế tựa xuất hiện, ngồi ăn đàng hoàng hơn thì cái mâm và cái chiếu của nhiều nhà tạm cất vào một xó, chỉ dùng vào dịp lễ Tết.

Và bây giờ, nếu ai lâu không vào bếp sẽ bị lạc hậu, chưa chắc luộc được quả trứng vì không biết điều chỉnh bếp hồng ngoại thế nào, lấy nồi nào. Xưa đun rơm, cháy vèo vèo nên người đun phải luôn tay cho rơm vào bếp mà “Đang khi lửa réo cơm sôi/Con còn kêu khóc chồng đòi tòm tem”, bây giờ thì cứ vô tư đi. Không có gì đổi mới nhanh bằng “xó bếp”.  

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Tin đọc nhiều