Điều gì khiến Hà Nội đáng sống?

ANTD.VN - Hà Nội chuyển mình. Mọi người dân đều tham gia vào quá trình đô thị hóa theo một cách riêng, tưởng chừng lộn xộn, nhưng sự lộn xộn lại có giá trị với rất nhiều người!

Sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại khiến Hà Nội trở nên đặc biệt - Ảnh: LAM THANH

Điều gì khiến Hà Nội đáng sống? Đó là câu hỏi nhiều người quan tâm và đó cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm vừa diễn ra ở Hà Nội với sự tham gia của các diễn giả PGS.TS Phạm Thúy Loan (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia), KTS Hoàng Thúc Hào, Chu Kim Đức và Aaron Vansintjan (nghiên cứu sinh Đại học London).

Lắng nghe những câu chuyện nhỏ

Aaron Vansintjan, một nghiên cứu sinh tại trường Đại học London và nghiên cứu viên ngắn hạn tại CIAT-Asia, với nền tảng kiến thức về địa lý đô thị và nghiên cứu thực phẩm đã dành 6 tháng đi quanh Hà Nội tìm hiểu những điều mới lạ. Anh cùng các sinh viên trường Đại học Xây dựng thực hiện hơn 60 bản khảo sát ở Nhật Tân, lập bản đồ bằng lời và hàng nghìn tấm ảnh. Aaron đi bộ cùng người dân, chở họ trên những đoạn đường và lắng nghe câu chuyện nhỏ trong đời sống của họ. Nhờ vậy, anh nhận ra vấn đề của họ là gì, thấu hiểu cách người dân tham gia vào đời sống đô thị.

“Khi nói về dân cư Tây Hồ, người ta thường nghĩ đó là những người giàu nhưng không hoàn toàn như vậy, nếu để ý kỹ vẫn có những người yếu thế sống giữa những người giàu” - Aaron cho biết. Trong những câu chuyện về những người yếu thế thích ứng với đô thị hóa, điển hình là câu chuyện về một cặp vợ chồng già. Sau “Cải cách ruộng đất” dù cố gắng nhưng họ không xin được cấp nhà, bởi họ không có tiền mua đất.

Theo thời gian, giá đất tăng nhưng họ không thể hưởng lợi từ đó, dường như họ bị gạt ra ngoài lề thị trường bất động sản sôi động. Sống tạm bợ trong một khu đất mà 10 năm trước là khu đổ rác xây dựng, cặp vợ chồng ra sức thu dọn, biến thành khu vườn rau sạch. Họ tận dụng khoảng không cho mình và cho láng giềng để tự trồng rau như một cách kết nối, tham gia vào đời sống cộng đồng.

Mô hình “kiến trúc hạnh phúc”

20 năm trước, thành phố tự bền vững được. Thực phẩm được trồng xung quanh Hà Nội, chế biến ở các làng xung quanh Hà Nội. Hiện nay trong bối cảnh lớn hơn, Việt Nam tăng xuất và nhập khẩu thực phẩm. Trước bối cảnh thực phẩm toàn cầu nhiều cạnh tranh, người nông dân ít được sự bảo hộ. Tuy đây là một thay đổi nhỏ, nhưng nó lại tác động phần lớn vào những thay đổi lớn hơn.

Bên cạnh các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhiều người dân vẫn tiếp tục sử dụng những nguồn thực phẩm từ chợ truyền thống và những gánh hàng rong nhỏ lẻ. Đồng thời, các đô thị mới mọc lên như nấm ngay sát những ngôi làng. Truyền thống lẫn hiện đại đan xen, sự đa dạng này khiến Hà Nội trở nên đặc biệt, hình thành và khuyến khích nhiều lối sống khác nhau. Tưởng chừng đây là sự lộn xộn, song sự lộn xộn này lại có giá trị với rất nhiều người.

Hà Nội là một thành phố mà mọi người giàu, nghèo có thể tham gia không gian công cộng cùng nhau, họ xây dựng các vườn công cộng để trồng rau. Chỉ khác biệt là người nghèo làm vườn trong các thùng xốp, vật dụng thô sơ lưu động,  tạm thời hơn. KTS. Hoàng Thúc Hào, giảng viên tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội mong muốn có thể đưa ra các mô hình “kiến trúc hạnh phúc”, coi đó là một sự “ngạc nhiên bền vững” khi xây dựng kiến trúc - quy hoạch - cho những nhóm yếu thế để họ có một đời sống tốt đẹp, ổn định hơn.

Sống sao cho xứng đáng với Hà Nội?

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho rằng: “Quy hoạch là để kiến tạo cộng đồng”. Hà Nội đang thay đổi rất nhanh. Điều này mang đến một cơ hội để chúng ta khám phá những cách sống mới, có cân nhắc đến những yếu tố văn hóa và tập quán, nhưng cũng làm sao để thành phố là của mọi người, dù họ giàu hay nghèo”.

Tham gia buổi tọa đàm “Điều gì khiến Hà Nội đáng sống”, KTS Chu Kim Đức, đồng sáng lập nhóm Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong thành phố, một tổ chức tìm kiếm các giải pháp để xây sân chơi cho trẻ em, bày tỏ niềm khát khao tiếp tục tiếp cận không gian công cộng như một quyền mà mọi công dân đều được hưởng, cho dù tuổi tác, tầng lớp hay khả năng vận động của họ ra sao.

Suốt 3 năm qua, Think Playgrounds đã xây dựng thành công hơn 40 sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. Tham gia cuộc tọa đàm, nhiều người đồng quan điểm: “Thay vì hỏi điều gì khiến Hà Nội đáng sống, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với thành phố của mình”. Mỗi người sẽ có những hành động, định hướng khác nhau để xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố giàu bản sắc văn hóa để gắn bó.

Tin đọc nhiều