Dịch chuyển ly tâm

ANTD.VN - Hai năm trước, bạn tôi mua một căn hộ cao cấp ở nội thành, lấy làm đắc ý lắm! Đến chơi nhà, anh dẫn tôi ra ban công nhìn thành phố rực rỡ ánh đèn, tự hào ra mặt. Gần đây, anh ấy bảo: “Tôi chuyển ra ngoại thành rồi, ông ạ!”.

Dịch chuyển ly tâm ảnh 1Người dân thành phố đang có xu hướng sống ở ngoại ô khi phố phường ngày càng chật hẹp

“Chuyển ra ngoài này mới mấy tháng mà tôi thấy khác hẳn. Đỡ xấu tính hẳn đi, không còn hằn học vì chen lấn trong thang máy, vô ý nơi hầm gửi xe, không còn ấm ức vì vừa ra cửa đã tắc đường…”, bạn tôi hồ hởi khoe cho thuê nhà trong phố, rồi ra ngoại ô thuê chỉ mất nửa số tiền, “Không hiểu vì sao mà người ta cứ chen nhau vào nội đô để ở?”.

Sống ở trung tâm thành phố dĩ nhiên có rất nhiều thứ hay ho, tiện lợi. Đi làm gần hơn, vì công ăn việc làm ở trung tâm bao giờ cũng nhiều hơn, dịch vụ đa dạng hơn, tiếp cận dễ dàng hơn… Cảm giác về sự gần gũi, tiện lợi khiến người ta lựa chọn ở gần trung tâm nhất có thể. Nhưng đó chỉ là cảm giác, bởi sự gần gụi đó rất tương đối. 

Dịch vụ chất lượng cao nhưng cơ sở vật chất chật chội, quá tải thì chất lượng ấy sẽ không còn cao nữa. Cự ly gần nhưng thiếu không gian hoạt động cho phương tiện, sẽ không còn gần nữa.

Cái sự ngại ra ngoại ô là một cảm giác rất không chính xác, dựa trên những định kiến của một thời đã xa, khi thành phố chỉ có duy nhất một cây cầu bắc qua sông, khi chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển chính.

Tôi ở ngoại ô mấy năm rồi. Thời gian đầu cũng buồn vì bạn bè phần lớn ở trong thành phố, nhưng rồi mỗi năm lại thấy có thêm những người quen về ở gần mình hơn. Đã bắt đầu có một xu hướng dịch chuyển ly tâm, khi phố phường ngày càng thêm chật hẹp. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho chính thành phố.

Đã bắt đầu có một xu hướng dịch chuyển ly tâm, khi phố phường ngày càng thêm chật hẹp. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho chính thành phố.

Khi người dân thành phố dịch chuyển ly tâm, kéo giãn mật độ cư dân ra ngoại ô, các loại hình dịch vụ cũng sẽ dịch chuyển theo. Sự thay đổi thấy rõ nhất sẽ là mạng lưới xe buýt ngoại thành, như cách mà người dân Hà Nội đã quen với hình ảnh những chiếc xe buýt màu xanh của khu đô thị  Ecopark ngày ngày đưa cư dân đi, về.

Khi những khu dân cư lớn được hình thành ngày một nhiều hơn ở ngoại ô, nhu cầu đi lại tăng, bàn tay vô hình của thị trường sẽ khởi động, và những tuyến xe buýt sẽ được đầu tư mà không cần sự trợ giá của chính quyền đô thị. Thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân sẽ được hình thành, và giao thông đô thị sẽ theo đó mà cải thiện khi phương tiện cá nhân tự động hạn chế. Sống ở ngoại ô, bởi thế, không chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân, mà cần phải trở thành lựa chọn của thành phố.

Dịch chuyển ly tâm ảnh 2Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Sự lựa chọn của thành phố nhằm tạo nên xu hướng sống ở ngoại ô được thể hiện như thế nào? Đó là những chính sách cụ thể nhằm tạo động lực cho người dân lựa chọn sống ở ngoại ô. Là những ưu đãi cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng xa trung tâm thành phố, là các cam kết về hạ tầng, dịch vụ, và đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng.

Để  trở thành nơi đáng sống không phải chỉ nhờ nhiều cây xanh, mà còn nhờ các cơ sở giáo dục được xây dựng đồng bộ, và đặc biệt là xe buýt. Nhưng ngoại ô hay những vùng lân cận Thủ đô Hà Nội không chỉ có  Ecopark, và để người dân chọn sống ở ngoại ô, cần có nhiều khu đô thị đồng bộ như thế. Mỗi một khu đô thị được đầu tư đồng bộ về hạ tầng dịch vụ là một cơ hội để cuộc sống ở thành phố này bớt đi sự bức bối. Điều đó, cần một tầm nhìn của chính quyền đô thị, coi việc dịch chuyển cư dân ra ngoại ô là một chính sách.

Tin đọc nhiều