Đi chợ nhớ đeo khẩu trang và đừng cuống lên vì dịch bệnh

ANTD.VN - Chẳng hiểu sao lại có tin đồn siêu thị ở đâu đó hết sạch hàng do dân “vét” để tích trữ trong mùa dịch bệnh. Tôi đoán người viết tin không đi chợ, cũng chẳng đi siêu thị. Cũng có hôm siêu thị khan hàng, nhưng ở Hà Nội chẳng mấy khi xảy ra việc đó. Tích trữ hàng vào thời này vô ích cũng như nhiều việc vô ích người ta cuống lên vì dịch.

Chợ vốn là chỗ đông người nên người dân cần đeo khẩu trang để đề phòng dịch bệnh

Là bởi, trừ một số cái khẩu trang trên mặt, chợ vẫn cứ đông… như chợ, cố nhiên. Người ta thấy chẳng thấy thiếu thứ gì sau Tết, trừ cái khẩu trang có thêm trên mặt. Mà khẩu trang đeo không quen, mua mua bán bán khó giao tiếp, nên chẳng phải ai cũng đeo. Nhất là sau khi nghe Bộ Y tế nói chỉ đeo khẩu trang khi cần thiết, không việc gì cứ phải khư khư trên mặt cả ngày, thế là siêu thị nhân viên đeo khẩu trang, chứ chợ dân sinh hỗn loạn mọi nhẽ khẩu trang cũng không phải thứ phổ biến lắm.

Giá cả nói chung cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Chỉ có rau xanh tăng giá, chứ gà, lợn, cá, bò… hôm này hôm kia nhích lên nhích xuống ít nhiều, cơ bản là vẫn bình ổn. Thứ tăng đáng kể duy nhất là khẩu trang y tế và nước sát khuẩn rửa tay. Cũng là chỉ trong giai đoạn thôi. Ba trăm tấn khẩu trang “đi ra” nước ngoài cùng những tin đồn dịch bệnh gieo rắc lo sợ trên mạng khiến nhu cầu khẩu trang và nước sát khuẩn bùng phát. Giờ đã chững lại…

Chợ chính là nơi dân ta bày tỏ nỗi không biết sợ. Rõ rệt hơn bất cứ chỗ nào. Đi chợ cứ như đi vào vùng không dịch. Hoặc quên mất đang có dịch. Chỉ có cô hàng thịt lợn sáng nay âu sầu nói với tôi rằng bán chậm lắm, các nhà hàng đặt rất ít chứ không như trước. Bây giờ nhà hàng vắng khách, người ta ngại đến hàng đến quán, ngại đến chỗ đông người. Nên lượng thịt lợn bán ra mỗi ngày của cô sụt giảm. Chứ nói chung, bà con tiểu thương vẫn hồ hởi như chẳng có chuyện gì, hàng rau, hàng trứng… hết nhanh. Như mọi khi. Chợ sau Tết là chợ hoàn toàn bình thường, Hà Nội chỗ nào cũng vậy.

“Chợ chính là nơi dân ta bày tỏ nỗi không biết sợ. Rõ rệt hơn bất cứ chỗ nào. Đi chợ cứ như đi vào vùng không dịch. Hoặc quên mất đang có dịch… Dân chợ xưa nay vốn không quan tâm đến gì khác ngoài doanh thu. Và bởi thế, nếu nhìn vào chợ, sẽ chẳng thấy ai quan tâm lắm đến dịch. Điều đó đáng để lo, hơn là đáng để vui”.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Ai cũng nói sợ chỗ đông người. Nhưng mà chợ, là chỗ đông người, rất đông đấy, cũng có thấy người ta ngại đâu. Thì ai cũng phải ăn mà. Cứ ngồi lo lắng cũng vẫn đến bữa phải ăn gì đó. Dịch vụ đặt hàng qua mạng, đi chợ online rộ lên, quả có thế. Nhưng nó tránh cho người ta việc giao tiếp đông người thôi, chứ tránh dịch bệnh thì chắc chắn không.

Chẳng có gì bảo đảm nhân viên y tế vận chuyển ngần ấy gói hàng từ khắp nơi, đến khắp nơi như thế, lại giữ vô trùng hoàn toàn được. Cái chuyện lo âu về dịch khép lại nhanh chóng qua chợ mạng. Mua ở đâu không quan trọng, nếu chuyện mua bán không làm người ta thỏa mãn, thỏa mãn mua bán chỉ có mua trực tiếp. Tóm lại chợ mạng tiện thì tiện, chẳng có gì đảm bảo.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Dân chợ xưa nay vốn không quan tâm đến gì khác ngoài doanh thu. Và bởi thế, nếu nhìn vào chợ, sẽ chẳng thấy ai quan tâm lắm đến dịch. Điều đó đáng để lo, hơn là đáng để vui. Cách mà người dân Hà Nội ứng xử với dịch, kể cả dịch nguy hiểm như dịch do virus Corona tên gọi mới là Covid-19 hiện tại cho thấy một thái độ sống gọi bằng tên là “bình chân như vại”, nó có truyền thống xa xưa nếu ai đó đã từng qua các mùa dịch Hà Nội.

Dịch xuất huyết, sởi, cúm gà...; và nếu qua mùa dịch an lành, chỉ có thể cảm tạ để đất Hà Nội luôn an lành. Chẳng ai biết được tình hình dịch bệnh sắp tới còn diễn tiến thế nào, virus Covid-19 là dịch toàn cầu. Chợ bình chân như vại thì vẫn chợ riêng mang bản sắc Hà Nội. Chúng ta vì thế vẫn ngày ngày đi chợ, và dịch còn đấy, thì vẫn ngày ngày âu lo.

Tin đọc nhiều