Đèn đỏ, đèn xanh một thời

ANTD.VN -  Thời Pháp thuộc, ngã tư, ngã ba ở Hà Nội chưa có đèn tín hiệu giao thông. Vào những năm 1950, 1951 xe quân sự của quân đội Pháp phóng bạt mạng khi chạy qua các nút giao thông đông đúc đã gây ra nhiều vụ tai nạn chết người khiến dư luận xã hội phẫn uất. 

Đèn tín hiệu giao thông một thời tại ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu

Để tránh những cuộc biểu tình của dân chúng, năm 1952, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định trong đó có điều khoản về người và phương tiện khi đi qua ngã tư, ngã ba. Theo đó hai hàng đanh được đóng trước ngã  tư. Đanh bằng sắt hình tròn đường kính chừng 15cm nhô lên khỏi mặt  đường chừng 0,5cm. Đanh nọ cách đanh kia một gang tay người  lớn.    

Khi xe ô tô đi qua ngã tư, muốn đi thẳng phải bóp còi; muốn rẽ thì phải bật xi nhan. Với xe đạp và xích lô,  đi thẳng phải giơ tay về phía trước; muốn rẽ thì phải vẫy tay xin đường. Còn người đi bộ sang đường phải đi vào giữa hai hàng đanh. Người điều khiển phương tiện vi phạm bị cảnh binh đi tuần bắt gặp sẽ xử phạt.

Sau tiếp quản Thủ đô, dân số Hà Nội từ 30 vạn đã tăng lên 53 vạn người. Quy định về giao thông trước đó không còn giá trị nhưng quy định mới lại chưa có. Người dân Hà Nội khi qua ngã tư vẫn theo thói quen do luật cũ tạo ra, nhưng những người mới về Hà Nội sinh sống lại chưa biết đã dẫn đến giao thông tại các ngã tư, ngã ba khá lộn xộn.

Để giao thông nền nếp, Công an Hà Nội đã cử chiến sĩ làm công tác hướng dẫn tại nhiều ngã tư. Không có gậy chỉ đường, công cụ duy nhất là cái còi đồng và hai tay. Chiếc còi trang bị cho công an khi đó rất đặc biệt, âm thanh của nó đanh, giòn và vang, đứng cách  xa mấy chục mét cũng nghe thấy. Ngày 3-12-1955, Bộ Giao thông và Bưu điện đã ban hành Nghị định số 348-NĐ gọi là Luật Đi đường bộ, trong đó có điều khoản quy định về tốc độ đi lại trong thành phố.

Ngày 27-5-1957, Bộ Giao thông và Bưu điện lại ra Nghị định bổ sung Luật Đi đường bộ. Dù lúc này Hà Nội vẫn chưa có đèn tín hiệu giao thông nhưng những người soạn thảo Nghị định đã đón đầu sự phát triển của thành phố bổ xung điều 22 quy định về tín hiệu đèn giao thông đô thị với ba mầu: đỏ, xanh và vàng. Cụ thể khi đèn đỏ các phương tiện phải dừng trước hàng đanh, đèn vàng thì các phương tiện đã qua hàng đanh thứ hai được đi tiếp, đèn xanh thì được đi.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Ba năm sau, năm 1960, Hà Nội mới có ba cụm đèn tín hiệu gồm: Ngã năm Cửa Nam, ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài. Đây là  ba cụm đèn  tín hiệu giao thông đầu tiên ở miền  Bắc. Tiếp đó là ở ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú, tuy giao thông không đông đúc nhưng khu vực này có nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài nên phải có đèn tín hiệu cho ra dáng Thủ đô. Tại ngã năm Cửa Nam, đèn tín hiệu bốn mặt treo trên cao giữa tâm ngã tư (phố Phan Bội Châu và Tràng Thi tính là một đường).

Đầu năm 1963, thành phố lắp tiếp hai hệ thống tín hiệu giao thông tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Bà Triệu và ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu. Cả hai ngã tư này đều lắp cụm đèn bốn mặt trên cao. Còn ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu tuy vắng phương tiện nhưng vì đầu phố Bà Triệu có cơ quan ngoại giao của Mặt trận Lào yêu nước nên phải đặt đèn tín hiệu.

Ở các ngã tư có đèn tín hiệu có một bốt điều khiển thủ công. Mỗi khi muốn dừng hướng nào và cho hướng nào được đi, chiến sĩ công an trực phải rất nhanh tay bật các công tắc lắp đặt trong bốt. Vì  không có kính mầu nên để có mầu đỏ, người ta cho  sơn bóng điện mầu đỏ, đèn vàng sơn mầu vàng và đèn xanh thì sơn mầu xanh. 

Dù Hà Nội đã có đèn tín hiệu nhưng đến ngày 10-11-1962, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) mới có Thông tư hướng dẫn. Nếu vượt đèn đỏ, người vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị “phê bình hoặc phạt tiền”, mức phạt thấp nhất là 3 hào, cao nhất là 1 đồng (tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam năm 1958, khi đó giá 1 cân gạo ngoài thị trường là 5 hào).       

Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân, để đảm bảo an toàn tính mạng và vẫn duy trì sản xuất, Nhà nước đã bắt buộc một số cơ quan, nhà máy phải rời thành phố  về nông thôn hay rừng núi, còn người dân nếu không có nhiệm vụ cũng phải đi sơ tán. Thành phố vắng người, thưa phương tiện do vậy đèn tín hiệu ngừng hoạt động. Năm 1968, Việt Nam và Mỹ ngồi vào bàn đàm phán tại Paris nên Mỹ tạm ngừng ném bom từ Thanh Hóa trở ra.

Một số cơ quan được lệnh chuyển về Hà Nội. Cũng không ít gia đình tự ý rời nơi sơ tán về nhà. Thành phố ấm hơi người hơn nhưng đường phố  vẫn vắng, tuy nhiên đèn tín hiệu ở ngã tư vẫn hoạt động. Cùng với tiếng leng keng của tầu điện, đèn tín hiệu giao thông là  biểu  trưng về sức sống dù chiến tranh nhưng cuộc sống ở Thủ đô Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên lúc này đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt  Nam. Hàng ngày từ nhà đến cơ quan ở phố Bà Triệu làm việc ông phải đi qua nhiều ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Và trong đầu ông đã bật ra nét nhạc, rồi bài hát “Từ một ngã tư đường phố” ra đời. Bài hát phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được người dân Hà Nội vui vẻ đón nhận.

Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam, miền Bắc tạm sống trong hòa bình. Lúc này người dân Hà Nội từ nơi sơ tán ùn ùn kéo về, thành phố đông đúc trở lại và đèn tín hiệu giao thông ở các ngã tư lại thực hiện chức năng của mình. Thế nhưng từ năm này đến đầu những năm 1980, điện Hà Nội thường xuyên bị cắt nên đèn tín hiệu cũng phải ngừng hoạt động.    

Ngày nay đi qua các nút giao thông có đèn tín hiệu giao thông ở Hà Nội, ai cũng nghe bài hát “Từ một ngã tư đường phố” phát trên loa. Tiết tấu nhanh, giai điệu rộn ràng, tươi vui của bài hát đã giúp người tham gia giao thông giảm bớt căng thẳng - đó là sáng kiến hay!

Tin đọc nhiều