Đất Thăng Long - Hà Nội thời nào cũng có thầy thuốc giỏi

ANTD.VN - Lần đầu tiên người Hà Nội được khám và chữa bệnh theo y học phương Tây là năm 1888. Thấy nhiều người nghèo bị bệnh không có tiền cắt  thuốc của các lương y nên bà phước Félicie Vacheron (hay còn gọi là xơ Antoine), người từng làm y tá trong đội quân viễn chinh Pháp, đã mở phòng khám nhỏ trên phần đất bỏ hoang của phố Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Chỉ trong một thời gian ngắn cơ sở đã trở nên chật trội vì có quá đông người nghèo đến khám chữa bệnh, vì thế nhiều bác sỹ người Pháp đã đến hỗ trợ bà.

Trước đó, người Việt mỗi khi ốm đau, bệnh tật đều chữa bằng các bài thuốc dân gian theo kiểu y học phương Đông như châm cứu, hoặc các bài thuốc của người Trung Quốc (thuốc Bắc). Có nhiều trường hợp người bị bệnh chữa mãi không khỏi nên đã chữa theo kiểu mê tín, tức là mời thầy cúng về nhà làm lễ. Xưa đất rộng nên trong vườn các gia đình đều trồng những cây thuốc Nam để trị các chứng ho, sốt, cảm cúm…

Hà Nội có 2 làng chuyên trồng các cây thuốc để cung cấp cho các thầy lang là làng Đại Yên (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) và làng Xuân La (nay thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ). Không chỉ bán thuốc nguyên liệu, dân 2 làng này bằng kinh nghiệm gia truyền, chỉ cần nghe kể triệu chứng là họ cũng có thể cắt thuốc cho người bệnh được, tất nhiên chỉ là những bệnh thông thường.

Đất Thăng Long - Hà Nội thời nào cũng có thầy thuốc giỏi ảnh 1Phố Lãn Ông vẫn giữ được nghề thuốc truyền thống

Ngày đó, vườn thuốc của làng Đại Yên lớn và nổi tiếng hơn làng Xuân La. Theo thần tích, nghề thuốc Nam ở Đại Yên có từ thời Lý, tổ nghề là công chúa Ngọc Hoa. Cũng theo thần tích, bà từng chữa bệnh cho quân sĩ của danh tướng Lý Thường Kiệt. Sau này bà tới vùng đất ở phía Tây kinh thành Thăng Long dạy dân nghề trồng cây thuốc. Thần tích này là có cơ sở vì Đại Yên là làng cổ hình thành từ thời Lý. Bằng chứng rõ ràng nhất là trong thế kỷ 20, hầu như nhà nào ở Đại Yên cũng có một vườn cây thuốc Nam.

Nhiều người Hà Nội và các tỉnh thường đến Đại Yên mua các loại lá thuốc như: hương nhu, lá bưởi, lá cúc tần, lá khổ sâm... nhất là các loại lá để giải cảm. Họ được chính người dân trong làng hướng dẫn cho cách chữa những loại bệnh đơn giản. Ngoài ra, làng này còn trồng nhiều loại cây thuốc chỉ lấy thân, rễ, hay lá để chữa bệnh xương khớp, ho, viêm họng... Thuốc Nam từ làng còn được đưa đi khắp các chợ nội thành như: chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Bè và cả phố thuốc Lãn Ông, Cửa Bắc. Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu dân chúng mà các cây thuốc Nam ở Đại Yên còn cung cấp cho nhiều cửa hàng thuốc, Viện Y học cổ truyền dân tộc, Trường đại học Dược... 

Với làng Xuân La, tuy không phải cả làng trồng thuốc Nam, nhưng làng cũng có rất nhiều gia đình có nghề gia truyền trồng cây dược liệu. Thậm chí, những cây thuốc của họ còn được đưa đi khắp vùng, sang cả đất Phúc Yên bên kia sông Hồng.

Từ thế kỷ 17, ở Thăng Long đã có nhiều gia đình tập hợp lại thành phường bán thuốc, và vì chỉ chuyên bán thuốc của người Trung Quốc nên mới có tên là phố Thuốc Bắc. Trước thế kỷ 20, phố Thuốc Bắc chuyên bán các vị thuốc đưa từ Trung Quốc sang, nhưng chưa qua chế biến. Khách hàng chủ yếu là thầy lang các tỉnh và các hiệu thuốc ở Hà Nội mua về để chế thành các bài thuốc chữa bệnh. Phố này ban đầu chỉ dài có mấy chục mét, sau này chính quyền ghép thêm nhiều phố ngắn lại mới thành dài như bây giờ.

Cắt ngang phố Thuốc Bắc là phố Lãn Ông, những người bán hàng trên phố này vừa bắt mạch, kê đơn, vừa bán thuốc. Đây là một trong những con phố hiếm hoi của Hà Nội xưa qua nhiều thế kỷ mà vẫn giữ được nghề truyền thống. Phố Lãn Ông ban đầu có tên là Phúc Kiến, vì hầu hết dân bán thuốc ở phố này là từ Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư sang. Cho đến năm 1949 thì tên Phúc Kiến mới được đổi thành Lãn Ông, một danh y của Việt Nam.

Đất Thăng Long - Hà Nội thời nào cũng có thầy thuốc giỏi ảnh 2Một vườn thuốc Nam hiếm hoi còn sót lại của làng Đại Yên

Đất Thăng Long - Hà Nội thời nào cũng có những thầy thuốc giỏi. Và một trong số đó phải kể đến là Nguyễn Hữu Đạo người làng Cổ Nhuế. Ông là quan Thái y chuyên trông nom việc chữa bệnh cho binh tướng nhà Lê và từng có công chữa khỏi bệnh cho vợ vua Lê Hiển Tông. Sau này khi ông về hưu trí, vua Lê Hiển Tông đã đến thăm và tặng bài thơ bằng chữ Hán. Bài thơ được khắc trên gỗ hiện vẫn còn ở nhà thờ họ, nguyên văn như sau:

Xa tiền sở trí lạc mao ghê

Tục đoạn sinh ca điểu lộng đề

Đại phụ xuân thâm hoa đần tịch 

Tiền hồ phong tống nguyệt đồng tê

Giang sơn thắng khí quy long nhãn 

Châu khổn nhàn du sách mã đề 

Nhất tự thiên môn bồi cổ hậu

Hương phiêu quế thụ ảnh sao đê

Dịch nghĩa:

Xe của vua đến nhà chơi

Có đoàn âm nhạc đi hộ tống

Vua nay tuổi đã cao nên cần thuốc bổ 

Vị thuốc tiền hồ chữa khỏi bệnh rất nhanh

Phong cảnh nơi này rất là đẹp

Gặp lúc nhàn rỗi về thăm không quản khó nhọc

Ông đã chữa cho vua khỏi bệnh

Tiếng tăm của ông còn mãi về sau

Cái hay của bài thơ này là mỗi câu là một vị thuốc như: xa tiền, đại phụ, tiền hồ, long nhãn, mã đề, thiên môn, quế thụ. Tương truyền, Nguyễn Hữu Đạo có viết “Gia thư hợp ký” truyền lại cho con cháu nghề thuốc, nhưng tiếc là nay không còn.

Ngày nay chữa bệnh theo Tây y dù phổ biến nhưng chữa bệnh theo Đông y vẫn tồn tại vì nó có cơ sở khoa học vững chắc. Phố thuốc Đông Nam dược Lãn Ông thì vẫn còn, chỉ tiếc là làng thuốc lá Xuân La chỉ còn trong ký ức và những vườn thuốc  Đại Yên chỉ còn lại dăm nhà. Nhưng câu chuyện về đất Thăng Long Hà Nội thời nào cũng có thầy thuốc giỏi, thì vẫn đang được viết tiếp thời nay.

Tin đọc nhiều