Có một người Hà Nội đến Hoàng Sa cách đây 200 năm

ANTD.VN - Danh thần triều Nguyễn Lý Văn Phức (1785-1849), tự Lân Chi, hiệu Khắc Trai và Tô Xuyên là một nhà thơ. Ông sinh ở làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức  (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Có một người Hà Nội đến Hoàng Sa cách đây 200 năm ảnh 1Phố Lý Văn Phức ở quận Ba Đình, Hà Nội

Vì gia cảnh, năm 23 tuổi Lý Văn Phức mới đi thi và mãi đến năm 34 tuổi, ông mới đỗ cử nhân. Năm 1820, Lý Văn Phức được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu, sung Sử quán. Sau đó, ông lần lượt trải qua các chức vụ khác nhau. Năm 1829, đang làm công việc Hộ chính, ông phạm lỗi bị triều đình kết án, nhưng được nhà vua ân xá.

Năm 1830, ông được cử đi Tiểu Tây Dương (vùng Kolkata, Bengal, Ấn Độ) để lấy công chuộc tội. Năm 1831, nhân có Giám sinh Trần Khải, Tri huyện Lý Chấn Thanh và hơn 40 người Trung Quốc đi biển bị bão, thuyền dạt vào hải phận Việt Nam. Vua Minh Mạng sai Lý Văn Phức đưa những người bị nạn ấy về nước.

Sau khi đưa những người này về đến nơi, thấy ở cửa công quán có dòng chữ: “Việt Nam quốc di sứ công quán” ông không chịu vào, đồng thời phân phải trái với quan huyện doãn ở đây. Cuối cùng, viên quan này phải sai người chữa lại là “Việt Nam quốc sứ quan công quán”, ông mới chịu vào. Không chỉ vậy, Lý Văn Phức còn viết ngay bài “Biện di luận” dán lên cổng quán, được nhiều người đến xem. 

Năm 1832, ông được cử đi công cán Lữ Tống (Philippines). Trong cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện có đoạn viết về chuyến đi Philippines năm 1832 của Lý Văn Phức.

Ông đã ghi cảm tưởng của mình khi tận mắt nhìn thấy bãi cát vàng mênh mông trong lời tựa bài thơ “Vọng kiến vạn lý Trường Sa (Hoàng  Sa)”: “Vạn lý Trường Sa là một dải cát từ bể nổi lên, phía Tây tiếp dương phận trấn Quảng Ngãi, phía Đông giáp dương phận nước Lữ Tống, phía Bắc tiếp dương phận các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến.

Dằng dặc kéo ngang, không thể lượng đo được. Ấy là chỗ rất hiểm đệ nhất có tiếng từ xưa đến nay. Tàu thuyền qua đó, thường thường kiêng dè sự không thấy nó. Ấy vì chân bãi cát ra rất xa. Một khi lầm thì không thể trở lại. Ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1832), thuyền rời Quảng Ngãi, đã vào hải phận trấn Bình Định.

Trù tính là không lầm, một đường thẳng vo, lấy hướng kim Mão - Ất (Đông, hơi xế Nam) mà tiến. Không dè gió trái, nước xiết, con thuyền không tiến. Thình lình trưa hôm sau, ngóng trông thấy nó. Sắc cát lờ mờ, khắp chân trời đều trắng. Tất cả người trên thuyền, trong lòng bừng bừng, nước mắt rưng rưng.

Trên thuyền, ngoảnh hỏi người cầm lái là một tay lão luyện tây dương, nói rằng: lấy thước Đạc Thiên mà đo thì may thuyền chưa phạm vào chân bãi cát, còn chuyển buồm kịp. Bèn lấy hướng Kim Dậu (Tây). May nhờ phúc lớn của triều đình, về đến cửa bể Thái Cần mà tạm đỗ. Cuối cùng không việc gì”.

Có một người Hà Nội đến Hoàng Sa cách đây 200 năm ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Vì từng đi biển nhiều, lại đã từng đến Hoàng Sa nên Lý Văn Phức được tin tưởng giao đọc duyệt bản tâu của Bộ Công xem có gì không đúng. Trong châu bản triều Nguyễn ngày 21-6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có trình tâu Vua Minh Mạng của Bộ Công về đoàn đi khảo sát Hoàng Sa.

"Bộ Công tâu: Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thường, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của Bộ Thần (đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa) đã trở về. Bộ Thần đã hỏi qua, các viện đó trình bày lần này (đoàn khảo sát) đã đến được 25 đảo thuộc vùng thứ ba (trong đó hàng năm [các đoàn] lần lượt đến được 12 hòn đảo, chưa từng đến được hòn đảo thứ 13). Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được vùng thứ ba, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm (cử thuyền) đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ Thần thẩm tra kỹ và cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình…”.

Không chỉ được giao đọc duyệt bản tâu, Lý Văn Phức còn vâng mệnh truyền dụ. Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) chép: “Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh truyền dụ: Trước đây đã phái thủy sư, giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay (đoàn) đã trở về. Trừ viên thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do Kinh phái đi về quá hạn, viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn ra, còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn, riêng viên giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái trước là đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ suất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng  thành Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa. Tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nhưng nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ giám thành, đợi sau tủy việc sai phái để cho viên đó chuộc lỗi cũ…”.

Lý Văn Phức mất năm 1849, khi tại chức. Tên ông đã được đặt cho một con phố ở Hà Nội.

Tin đọc nhiều