Có một Hà Nội kẻ

ANTD.VN - Kinh đô Thăng Long chia làm 3 khu vực rõ ràng: khu vực Hoàng thành là nơi vua ở và là nơi bàn chuyện quốc gia đại sự; khu vực kinh thành là nơi dân cư sinh sống và buôn bán, sản xuất hàng thủ công; khu ven kinh đô là các làng làm nghề thủ công liên quan đến nông nghiệp hay sản xuất rau, chăn nuôi cung cấp cho kinh đô. Khu vực này còn được gọi là kẻ.

Có một Hà Nội kẻ ảnh 1Độc đáo Lễ hội bơi Đăm ở phường Tây Tựu (Hà Nội) góp phần gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Lâu nay, khi nói và viết về Hà Nội, nhiều người thường ưu tiên khu vực kinh thành, nơi có nhiều phường nghề và các phố buôn bán, nói cách khác là quan tâm đến “Hà Nội Hàng” - tức là các phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Xưa các phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng nhiều hơn con số 53 hiện nay. Nguyên nhân là do chính quyền các thời kỳ thay đổi địa giới  hành chính, sáp nhập, đổi tên. Hà Nội Hàng không chỉ là vùng đất lịch sử mà còn  thấm đẫm văn hóa thị dân, nơi tiếp nhận văn hóa nước ngoài để rồi loại bỏ cái không phù hợp lấy cái tinh túy và Hà Nội hóa. 

Tuy nhiên, làm nên một Hà Nội không chỉ có Hà Nội Hàng mà còn có một Hà Nội kẻ. Kẻ là từ cổ chỉ một vùng đất, một làng ven thành Thăng Long xưa. Ví dụ như kẻ Láng thì chỉ có làng Láng nhưng kẻ Bưởi lại có rất nhiều làng như: Bái Ân, Yên Thái, Trích Sài, Nghĩa Đô… Các kẻ - làng xưa vừa sản xuất nông nghiệp lại vừa có nghề thủ công đã đi vào ca dao về Hà Nội.

“Kẻ Mơ cất rượu men vàng

Kẻ Vọng dệt gối, chăn tằm kẻ Mui

Kẻ Giả thì bán bùi nhùi

Kẻ Lê bán phấn cho người tốt da

Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà

Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang

Kẻ Lủ thì bán bỏng rang

Trên Ô hàng Đậu lắm hàng nhiều thay”. 

Hay

“Con gái kẻ Cót buôn xề

Con trai kẻ Nghè dệt cửi kéo hoa

An Phú nấu kẹo mạch nha

Kẻ Vòng làm cốm để mà tiến vua”.

Và 

“Đi đâu ai chẳng biết ta

Ta là kẻ Láng chuyên nghề trồng rau”. 

Đặc biệt lại có câu thành ngữ không nói về nghề mà đúc kết về đặc điểm của kẻ - làng ấy như: “Đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ”. Kẻ Giàn (sau năm 1954 sáp nhập với Xuân Đỉnh, nay thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) xưa đất ruộng rộng mênh mông. Còn kẻ Vẽ (nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) có các dòng họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng đời vua nào cũng có người đỗ đạt cao trong các kỳ thi và làm nhiều chức quan trong các triều đại phong kiến. Nếu tính các kẻ vùng ven Thăng Long thì có tới vài chục kẻ bao bọc Hoàng thành và Thăng Long Hàng. 

Năm 1831, Vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính, lập tỉnh Hà Nội và Thăng Long xưa chỉ còn gói lại trong 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Nhiều kẻ - làng ven kinh thành Thăng Long xưa cũng xáo trộn, có nơi giữ nguyên nhưng có làng bị sáp nhập vào xã khác, tuy nhiên các làng vẫn giữ nghề thủ công. Ở kẻ Bưởi, Yên Thái vẫn làm giấy, Bái Ân vẫn dệt lụa, kẻ Lủ vẫn làm kẹo, Định Công vẫn làm kéo vàng bạc… Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Để bảo đảm an ninh cho quân nhân Pháp đóng trong thành, người Pháp làm việc trong bộ máy hành chính ở thành phố nhượng địa, chính phủ bảo hộ đã lập một vành đai an ninh bảo vệ bao gồm các làng quanh nội đô. Sau khi phong trào Cần Vương lắng xuống, các nghĩa sĩ yêu nước không gây bất an cho an ninh nội đô, chính phủ bảo hộ đã  chuyển vùng đệm này thành ngoại ô vào năm 1915. 

Cuộc sống của người dân ngoại ô thay đổi, nhiều làng không còn nghề xưa nhưng lại sinh ra các nghề mới phù hợp với xã hội. Ví dụ như dân làng Vọng chuyển sang làm nghề sơn vôi, dân làng Mơ vẫn làm đậu nhưng không còn nấu rượu vì bị chính quyền cấm. Nghề làm giấy ở Yên Thái hay dệt lụa ở Bái Ân cũng thu hẹp vì giấy và lụa được nhập từ nước ngoài vào nên các sản phẩm này không cạnh tranh được về giá. Năm 1942, vùng ngoại ô sát ngay nội đô thuộc tỉnh Hà Đông được Chính phủ bảo hộ chuyển thành Đại lý Hoàn Long có đại diện hành chính nằm ở Thái Hà. Tên gọi thay đổi nhưng văn hóa các kẻ - làng không thay đổi. 

Bắt đầu thập niên 90 thế kỷ XX, các làng ven đô đã có nhiều thay đổi. Khu vực nội đô trở nên chật chội nên nhiều người đã mua đất ven đô xây nhà. Nhưng quá trình đô thị hóa ở những vùng này diễn ra nhanh chóng khi xuất hiện các dự án xây dựng các khu đô thị mới. Đất ruộng, ao hồ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Và nhà cao tầng dãy nọ nối dãy kia mọc lên. Đất ruộng không còn ruộng. Nhiều gia đình đã bán một phần để xây nhà cao tầng. Kết quả làng truyền thống gần như không còn. Tuy nhiên các làng dù trở thành phường vẫn cố gắng giữ văn hóa truyền thống. Các truyền thuyết vốn làm nên tâm thức Hà Nội vẫn được trân trọng. 

Nếu lễ hội ở khu vực nội đô chủ yếu là nhớ ơn công đức tổ nghề và bị đô thị hóa cho phù hợp thì lễ hội ở các kẻ - làng rất phong phú, từ lễ thành hoàng làng đến các hội đua thuyền, đấu vật. Một số lễ hội liên vùng vẫn được tổ chức vào mùa xuân. Tính chất lễ hội vẫn theo phong tục truyền thống không bị đô thị hóa nên đây chính là văn hóa nguyên thủy của Hà Nội. Điều đó góp phần gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội.