Chuyện xưa bên bờ sông Bùi

ANTD.VN - Kể ra thì trong cuộc đời ngắn ngủi của con người được chứng kiến một vùng đất có đến năm lần thay đổi địa danh mà nó thuộc về cũng là hy hữu. Huyện Chương Mỹ thuộc Hà Nội ngày nay là một vùng đất như vậy. 

Những năm chiến tranh phá hoại lan rộng ra đến Hà Nội, vùng đất Chương Mỹ và cả Hà Tây cũ là nơi sơ tán của rất nhiều dân phố (Ảnh: HỒNG XIÊM)

Sau Cách mạng tháng 8, Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1965, Hà Đông sáp nhập với Sơn Tây gọi là tỉnh Hà Tây. Năm 1975, Hà Tây sáp nhập thêm Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1991, Hòa Bình tách ra, Chương Mỹ lại trở về với Hà Tây như cũ. Và năm 2008, Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, Chương Mỹ trở thành một huyện ngoại thành Hà Nội.

Những năm chiến tranh phá hoại lan rộng khắp miền Bắc, vùng đất Chương Mỹ và cả Hà Tây cũ là nơi sơ tán của rất nhiều dân phố Hà Nội. Người có quê hương bản quán ở vùng này cũng nhiều. Cơ quan đoàn thể sơ tán về đây mượn đất cất nhà cũng không ít. Lũ trẻ chúng tôi đi sơ tán từ đầu năm 1965 về bên kia sông Đuống. Nếu theo đường chim bay chỉ cách nhà Bưu điện Bờ Hồ chừng dăm cây số.

Dĩ nhiên chẳng an toàn nhưng cũng may mắn hơn nhiều thị dân không có quê hương khác để về. Tuy thế lại cũng kém những thị dân mà ở quê hương còn họ hàng gần. Gia đình tôi cùng những họ hàng ruột thịt đều sống ở Hà Nội lâu rồi. Về quê sơ tán chỉ có cách ở nhờ chùa làng. Cũng chỉ được hơn một năm. Máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang vào tháng 6 năm 1966 cách ngôi chùa tôi ở đúng một dòng sông Đuống. Tàn than bên kho xăng bay sang đen kịt vườn chuối ven sông. Lửa đỏ trời suốt mấy ngày không tắt.

Vùng đất nhung nhớ ấy bền chặt trong  ký ức của lũ trẻ sơ tán đã hơn nửa thế kỉ. Lũ trẻ ngày ấy giờ cũng thành ông nội bà ngoại cả rồi. Bỗng nhiên mấy hôm nay truyền thông đưa tin con sông Bùi dâng nước gây ngập úng cả một vùng rộng lớn. Ký ức lại hiện về mồn một như mới hôm qua. Kể cũng lạ lùng. 

Chúng tôi phải chuyển chỗ sơ tán lên cơ quan bố. Một vùng quê yên ả bên bờ con sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ. Ngôi làng thơ mộng có cái tên Đầm Mơ. Ngày ngày anh lớn nhất học lớp 4 dắt theo hai đứa em gái nhỏ lớp 2 và lớp 1 đi bộ hơn 6 cây số ra thị trấn Quảng Bị học trường làng.

Chẳng còn lạ lẫm với nông thôn nhưng vùng đất thần tiên bên bờ con sông Bùi ấy vẫn luôn có những điều mới mẻ. Việc đầu tiên là học đi chân đất. Cả lúc đi học và lúc chơi đều được đi đất. Chuyện chưa từng xảy ra khi sơ tán với ông bà nội về quê. Các cụ tuyệt đối cấm cháu đi đất hình như không chỉ để giữ an toàn sạch sẽ cho bàn chân. Nó còn ngầm như lời răn dạy không được bắt chước thói quen lạc hậu của dân quê. 

Trại sơ tán cơ quan chỉ dành cho trẻ con, phụ huynh làm việc ở mãi trên những hang núi đá thuộc tỉnh Hòa Bình. Chỉ chủ nhật mới thỉnh thoảng xuống thăm. Cuộc sống tập thể lần đầu tiên lũ trẻ được làm quen hóa ra nhàn hạ hơn đi sơ tán theo gia đình rất nhiều. Cơm nước đã có người nấu. Đến giờ vác bát xuống nhà ăn tập trung. Ăn xong rửa đúng cái bát của mình xếp lên giá. Quần áo có hai bộ lành lặn thay đổi trong tuần. Chủ nhật mới mang ra giặt.

Nhà văn Đỗ phấn

Đi học với đám trẻ ở làng vô cùng nhàn hạ. Khoảng cách về kĩ năng tiếp thu bài học của trẻ thành phố với nông thôn hình như cách nhau rất xa. Những đứa học giỏi nhất lớp bao giờ cũng là trẻ sơ tán dù chúng gần như chẳng mấy quan tâm đến việc học. Thời gian cả một buổi chiều trong ngày tha hồ chạy nhảy chơi đùa. Sẵn có con sông Bùi ngay cạnh khu trại, chúng bày trò câu cá quanh năm. Những con cá chày mắt đỏ tươi rói. Cá trôi tròn lẳn thơm lừng rán mỡ lợn. Cá chạch chấu vàng ươm có hàng gai sắc trên lưng. Thỉnh thoảng còn giật được cả những con ba ba bằng cái đĩa to bếp ăn tập thể.

Tháng chín mùa mưa nước lên, dân làng chăng những cái đăng ngang dòng sông vớt cá mòi ngược nước. Những con cá mòi bụng căng tròn toàn trứng được vớt bằng vó tay lên đầy những chiếc thuyền nhỏ neo giữa dòng nước hẹp. Lũ trẻ nông thôn dạy cho cách quấn lá chuối xanh vào cá đem nướng trên bếp củi bắc ngay cạnh bờ sông. Mùi thơm ngào ngạt và thịt cá nướng béo ngậy có thể ăn thỏa thích. Ăn chán lại ngược lên chỗ cây sung già vươn cành ra mặt sông nhảy ùm xuống tắm. Chỉ độ vài tháng là mặt mày chân tay đen nhẻm. Có thể đứng lẫn vào đám trẻ làng mà phụ huynh chẳng thể nhận ra.

Tháng mười chim cuốc kêu inh ỏi khắp các bờ tre quanh làng suốt đêm. Đám trẻ nông thôn dạy chúng tôi đặt bẫy bắt cuốc. Chỉ cần một sợi dây nhỏ thật dai và chiếc ống bơ đi đào giun. Bới một lỗ đất bên bờ ao cho giun vào. Vít tay tre buộc thòng lọng xuống làm cần bẫy. Sáng  ra thăm thể nào cũng bắt được vài con cuốc có bộ lông đen trắng mịn màng. Thịt chim cuốc ngon hơn thịt gà rất nhiều lần.

Tháng mười một chớm rét, từng đàn cồ cộ bay từ trên núi về đậu khắp những thân cây cau trong làng. Chỉ cần một mảnh lưới nhỏ khâu lên vành dây thép thành cái vợt buộc vào sào tre là có thể rong ruổi khắp làng đi bắt cồ cộ. Con vật có hình hài giống con ve nhưng to bằng con chim sẻ này có tiếng kêu rất ngộ. Ồ ồ như con trai dậy thì vỡ tiếng. Đôi cánh mỏng đen thẫm điểm xuyết những chấm đỏ da cam chói sáng mượt như nhung. Đến khi nó chết khô vẫn có thể dùng cơm nguội dán lên tường mà ngắm…

Vùng đất nhung nhớ ấy bền chặt trong  ký ức của lũ trẻ sơ tán đã hơn nửa thế kỉ. Lũ trẻ ngày ấy giờ cũng thành ông nội bà ngoại cả rồi. Bỗng nhiên mấy hôm nay truyền thông đưa tin con sông Bùi dâng nước gây ngập úng cả một vùng rộng lớn. Ký ức lại hiện về mồn một như mới hôm qua. Kể cũng lạ lùng. Nhiều năm tháng sống ở nông thôn như vậy nhưng cho đến hôm nay lũ chúng tôi được hiểu như vẫn chưa từng rời xa Hà Nội một ngày nào. Lan man nhớ…

Tin đọc nhiều