Chuyện về những cổng phố, cổng làng của Hà Nội

ANTD.VN - Phố hiện có nhiều cổng làng cổ nhất Hà Nội là phố Thụy Khuê, còn làng hiện còn những chiếc cổng  đẹp và cổ là làng Vẽ (nay thuộc phường  Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm). Ở các huyện ngoại thành cũng còn khá nhiều cổng làng hơn trăm tuổi, nhưng chúng có từ  bao giờ và tại sao lại có cổng làng, cổng phố?

Cổng Xanh là một cổng khác của làng An Thọ, số 514 Thụy Khuê

1. Thời Hậu Lê, Thăng Long chỉ có 2 huyện và 36 phường. Nhưng khi lên nắm quyền, nhà Nguyễn đã chuyển kinh đô vào Huế, hạ cấp Thăng Long xuống Bắc thành, thay chữ Thăng Long với nghĩa rồng bay bằng nghĩa thịnh vượng. Đến triều Minh Mạng (1820-1841), ông vua này thực hiện cải cách địa giới hành chính đưa 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận vốn là đất thành Thăng Long xưa vào tỉnh Hà Nội. Sau đó, triều đình lại lập thêm phường, xã, nên số phường, xã ở Thăng Long tăng lên đáng kể. Vì không còn là kinh đô nên an ninh trật tự không còn như trước. 

Thời vua Tự Đức (1847-1883), gian tặc hoành hành nên các gia đình trong phố đều ăn cơm sớm rồi đóng cửa hàng khi mặt trời sắp lặn, họ giấu tiền bạc vào chỗ kín đáo. Nhiều nhà còn mua cả chông, chà, để rắc trên mái nhà ngăn trộm trèo từ nhà này sang nhà  khác. Không chỉ vậy, trộm còn có trò đào tường, khoét vách khiến dân chúng lo sợ nên hào mục nhiều phường, phố, làng… đã họp bàn nhau rồi quyết định xây cổng bằng gạch có cửa gỗ chắc chắn.

Khi đêm xuống thì các làng đóng cổng, hào mục cắt cử trai đinh cầm gậy gỗ gác đến sáng. Vì thế, thời Tự Đức, khu vực “36 phố phường” rất nhiều phố có cổng ngăn giữa phố nọ với phố kia,  trong đó phải kể đến cổng phố Hàng Ngang. Phố này khi đó chủ yếu là người Minh Hương làm nghề buôn bán nên khá giàu có. Để ngăn chặn trộm cướp ban đêm, người dân làm cổng ngang phố nên  mới có tên Hàng Ngang như bây giờ. 

2. Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 sau đó chiếm Hà Nội thì cổng phố Hàng Ngang vẫn còn. Ngày 11-5-1884, Pháp ký hòa ước với nhà Thanh bảo hộ Bắc Kỳ thì quân Cờ Đen buộc phải về Trung Quốc, đồng thời thực dân Pháp cũng siết chặt an ninh nên Hà Nội không còn tình trạng trộm cướp vào ban đêm. Khi chiếc xe tay đầu tiên ra đời vào năm 1886, vì cổng phố quá nhỏ nên xe tay chở con trai Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ bị lật, vì thế chính quyền thành phố đã cho phá bỏ các cổng phố để xe tay đi lại dễ dàng. Từ đó khu vực “36 phố phường”  không  còn cổng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Những chiếc cổng làng, cổng phố, ban đầu công năng chỉ là để chống trộm cướp. Nhưng theo thời gian, nó trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng khi bắt đầu xuất hiện những chợ nhỏ dành cho người bán hàng ăn vặt, bán nước chè… hay người dân thường đợi để đón đưa người thân. Khi bước qua cổng vào làng, khách lạ có cảm giác đi vào một mảnh đất có chủ với một không gian văn hóa riêng, kèm theo đó là những hương ước và tập quán riêng. Điều đó  khiến khách phải tự mình điều chỉnh hành vi và phải có nghĩa vụ tìm hiểu để hành xử cho hài hòa, thích ứng. 

Nói chung, làng bao giờ cũng có hai cổng. Lối vào đầu làng gọi là cổng tiền, vừa là ranh giới với làng khác, nhưng cũng là nơi phân chia ranh giới giữa đất thổ cư và đất canh tác. Lối ra cuối làng gọi là cổng hậu, cũng là ranh giới với làng khác hoặc nghĩa địa. Cổng tiền thành nơi đi lại, làm việc của người sống. Cổng hậu dành để tiễn đưa người chết, hoặc tống cổ những người bị phạt vạ ra khỏi làng.

Các cổng đều xây bằng gạch chỉ cuốn tò vò, trên có mái che, hai bên thường trạm khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm. Thường đó là chữ của vua ban tặng hay của ông đồ có tiếng trong vùng mang ý nghĩa ngợi ca hoặc răn dạy. Cũng có khi là câu đối đúc kết những tinh hoa của làng. Năm tháng qua đi, đời người nối tiếp đời người, mưa gió bào mòn, những con chữ có thể mờ phai, mất nét, nhưng lòng người vẫn hằn sâu. Chẳng hạn như câu đối ở cổng làng Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã bị xóa bỏ nhưng vẫn còn trong trí nhớ của những người cao tuổi: 

Đống Vũ phồn đa, hứa đắc thiên khai thái vận

Môn lư cao đại, khả dung tứ mã an xa

(Bậc lương đống nhiều, giúp trời mở mang vận nước

Cổng làng cao lớn, để cho ân sủng đưa về)

Cổng làng Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm

3. Sau năm 1954, nhiều cổng làng ở nội và ngoại thành Hà Nội bị phá bỏ. Chẳng phải cổng làng là tàn dư của chế độ phong kiến mà do an ninh trật tự trong chế độ mới được đảm bảo. Mặt khác, nhiều cổng làng chật hẹp khiến xe bò, xe cải tiến ra vào khó khăn. Lại có làng nghề thủ công cần có đường rộng cho ô tô chở nguyên vật liệu và sản phẩm ra vào nên phải phá cổng. Tính đến cuối năm 2013, không kể các cổng làng do sáp nhập Hà Tây vào thì Hà Nội chỉ còn 98 cổng. Trong nội thành, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất. Hay một đoạn phố chưa đầy 1km tính từ đền Voi Phục  đến dưới chợ Bưởi đã có hơn 10 cổng.

Dù cổng làng không phải là di tích văn hóa, nhưng nó là chứng tích về sự phát triển của Hà Nội qua các giai đoạn. Bên cạnh đó, cổng làng cũng còn có giá trị cộng đồng, do vậy nó xứng đáng được bảo tồn. Có điều đáng tiếc là nhiều năm nay, không ít xã ven đô do điều chỉnh quy hoạch từ xã trở thành phường nên đã không bảo tồn được chiếc cổng làng của chính mình.