Chuyện tình

ANTD.VN - Năm 1974 tôi gặp nàng. Người con gái Hà Nội có đầy đủ những phẩm chất lịch lãm kinh kỳ. Phẩm chất ấy thật sự như thế nào rất khó nói. Người thì bảo nó tựa hồ như kiêu ngạo. Đại khái những năm ấy chưa có kỹ thuật y tế biến những thứ linh tinh trở nên đẹp đẽ làm cho đàn bà kiêu ngạo như bây giờ.

Minh họa của Tào Linh

1

Ví như bao bì của bình sữa thiên tạo to hơn bạn đồng lứa chẳng hạn. Ví như cặp mông ngoe nguẩy làm ta nghĩ đến dấu sắc nhiều hơn là dấu hỏi. Hoặc tệ hơn nữa là mông lung nghĩ đến những quà vặt bánh rán, bánh dày. Cái lịch lãm kiêu kỳ Hà Nội của nàng chỉ tôi mới biết. Tôi cũng chắc chắn rằng nàng còn biết hơn tôi. Không có một đàn bà Hà Nội nào lại không kiêu kỳ khi còn trẻ. Nhiều người còn gìn giữ được tính cách ấy cả đến khi đã già. Đừng ai nghĩ rằng một đàn bà Hà Nội niềm nở tiếp chuyện ta là người xuề xòa dễ dãi. Khoảng cách là có thật và luôn được họ giữ vững.

Nàng tên là Hạnh. Cái tên phổ biến ở Hà Nội hình như vào lúc người ta có nhiều bất hạnh. Hoặc giả là lúc ấy chữ “hạnh” theo nghĩa là “đức hạnh” đã suy yếu quá rồi. Không phải đàn bà lúc ấy vô hạnh mà chỉ là dưới cái nhìn mới thì chuyện tiết hạnh đã trở thành trò cười. Các nhà văn hiện thực phê phán chẳng đã từng nhắc đến tấm bằng “Tiết hạnh khả phong” vài mươi năm trước phong cho những cô Tư Hồng hoặc bà Phó Đoan đấy thôi.

Dưới cái tên Hạnh như thế chỉ là một cô bé 16 tuổi. Cái tuổi nếu như bây giờ vẫn còn phải có bố mẹ đưa đến trường. Nhưng vào năm 1974 toàn bộ thiếu nữ Hà Nội đều được coi là trưởng thành khi bước qua tuổi 16. Nàng tuổi Kỷ Hợi. “Con lợn” sinh ra đúng vào lúc đất nước đang rộn ràng lên án đám văn nghệ sĩ có nhiều tư tưởng lệch lạc. Tôi biết chắc rằng nàng duy nhất là người chẳng có tội tình gì lúc ấy. Đơn giản vì như thanh niên bây giờ hay mắng nhau “tuổi nào mà…”.

Nhưng bố nàng không phải là người như vậy. Ông là một thanh niên tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp và sớm nhận ra những bất cập của thời thế. Ông cũng lên tiếng về những bất cập ấy như một trí thức thông thường. Thực ra những điều ông nói không bằng một phần nhỏ những điều bố tôi đã nói và in thành sách. Hạnh là một cô gái mới lớn có đầy đắm say và quyết liệt.

Tôi quen nàng ở một lớp học vẽ buổi tối trên Hàng Buồm. Lớp học vẽ dành cho công nhân. Hạnh là công nhân ở một xưởng thêu trong thành phố. Không hẳn là công nhân mà chỉ là xã viên hợp tác xã Tinh Hoa. Xã viên hợp tác xã làm việc hệt như công nhân nhưng chẳng bao giờ là công nhân. Điều đó được phân biệt rất rõ ràng trong chế độ tem phiếu ở thành phố. Thịt 3 lạng và gạo 13 cân một tháng như dân thường mà thôi.

Hạnh đi học vẽ. Truyền thống gia đình của nàng là chữ nghĩa mách bảo nàng cần phải nhanh chóng rời khỏi môi trường thợ thuyền. Thế nhưng chuyện ấy không dễ nữa. Khi đã cầm cây kim thêu như một thợ thuyền chính cống vài năm thì bắt đầu lại là việc khó khăn vô cùng. Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên đến lớp nàng khá lúng túng khi cầm chiếc bút chì vạch những nét đầu tiên theo ý mình. Học trò hơn vài tháng nhập học như tôi dễ dàng nhận ra cái lúng túng mà mình từng trải qua. Và dĩ nhiên chẳng cứ gì tôi, thanh niên Hà Nội lúc ấy không dễ gì bỏ qua một cơ hội mười mươi. 

2

Thời nông nổi ấy dĩ nhiên yêu nhau chỉ là để dẫn đến hôn nhân. Nàng vạch ra những chân trời đông đúc cho đến tận bây giờ, tôi mỗi lần nghĩ đến vẫn sởn gai ốc. Đại khái những là cơm nước giặt giũ để phần em. Anh chỉ phải lo chen hàng mua gạo, muối, dầu, thịt, cá, đậu phụ. Khẳng định luôn là chen hàng. Xếp hàng thứ tự là chắc chắn thất bại. Con cái chúng mình sinh ra phải biết ít nhất hai ngoại ngữ từ khi chưa đến trường.

Dù tôi và nàng ngay đến tiếng Việt cũng chưa lấy gì làm chắc chắn. Ngay từ lúc ấy tôi đã gờn gợn về một gia đình đông đàn dài lũ. Tôi nhớ đến ổ gà mái đẻ ngày sơ tán. Những lứa đầu tôi còn nhớ và đặt tên cho từng gà con. Về sau thôi. Vì hết tên chứ chẳng phải vì tôi không còn yêu quý lũ gà như trước nữa…

Lớp học vẽ quần chúng có vài công nhân ở các xí nghiệp trong thành phố. Những người có tài kẻ khẩu hiệu và bảng tin thi đua nhà máy đã nổi tiếng trong phong trào. Họ là những học viên nghiêm túc và rất ý thức về vai trò lãnh đạo của mình trong lớp học. Tôi chỉ là học sinh phổ thông chân trắng. Cuộc đua chen đến bên nàng không hề dễ. Tôi nhớ những anh Tuấn, anh Hùng lúc ấy đã là quản đốc phân xưởng.

Các anh đi học vẽ như một cách ban ơn cho lớp vẽ quần chúng này. Không có học viên như các anh chắc chắn thành phố chẳng cần phải đầu tư một số tiền không nhỏ cho lớp học. Nhưng ngần ấy lợi thế của các anh đã chẳng làm nàng mảy may xúc động. Hình như dấu vết của một nền giáo dục gia đình chữ nghĩa vẫn còn đậm đặc trong nàng.

Nàng là một thiếu nữ có tầm vóc khá khiêm tốn. Tôi không để ý chuyện đó cho đến một hôm đưa nàng ra Công viên Thống Nhất. Trăng suông nhờ nhợ sáng. Những năm tháng đói khổ tôi đã quên hẳn trên đầu mình mỗi tháng vẫn còn có ánh trăng. Người người cắm cúi mà đi trong ánh đèn vàng đẫm phố. Hôm ấy cố tình tìm trăng. Chỉ thấy một vùng sáng mơ hồ tháng bảy thờ ơ nhẫn nại trên ngọn những cây bạch đàn phía Vân Hồ. Tiếng những con cò tranh chỗ trên vòm cây bên đảo Hòa Bình chỉ còn thoi thóp an phận. Tôi đứng dựa lưng vào gốc cây.

Nàng vòng tay bám chặt lên cổ tôi nồng nàn vũ bão. Chẳng biết chiếc quần lụa cạp chun của nàng tụt xuống từ bao giờ. Thô ráp chiếc quần lót khâu tay chà xát giữa hai đùi tôi nóng rẫy… Nhịp thở phào cuối cùng của tôi mách bảo sức nặng toàn thân nàng đã nằm gọn trên hai đùi tôi căng cứng. Hai chân nàng đã không hề chạm đất từ lúc nào chẳng biết… 

Nhưng tôi và nàng chắc chắn chẳng thể dẫn đến hôn nhân. Tôi biết thế nhưng nàng không biết thế. Hoặc giả như cố tình không biết cũng là. Tuổi trẻ tôi giận dỗi với hôn nhân. Tôi nhìn thấy những cuộc hôn nhân quanh mình đầy thất vọng. Người ta đều là những người tử tế. Chỉ kém tử tế khi hôn nhân tan vỡ. Chẳng hiểu sao đang là hai người tử tế sau khi ly hôn lại trở thành hai kẻ đầy rẫy những thói hư tật xấu.

Hay hôn nhân chính là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thói hư? Tôi từng theo bố đến thăm vài người bạn chiến khu của ông. Lạ nhất ở chỗ họ có những cuộc hôn nhân không bằng lặng dù rằng khởi đầu là những mối tình đã được đưa vào sách giáo khoa. Bão tố không chỉ đến với hai người khi còn là vợ chồng. Cơn bão ấy dai dẳng đến hết đời.

Nàng trẻ trung, nóng bỏng. Nhưng hoàn toàn không phải là một đàn bà đẹp. Cái cuồng nhiệt đắm say không thể khỏa lấp được những chiều cao, cân nặng và đường nét trên gương mặt. Một nét môi đắm đuối chẳng làm nên nhan sắc. Một bầu ngực non tơ chưa định hình chẳng hứa hẹn điều gì. Một trí tuệ chỉ dành cho những suy đoán về “tình yêu” ngày tan vỡ. Nàng tin rằng tình yêu là thứ không thể tan vỡ vì những tham vọng bình thường. Cũng đúng thôi.

Chỉ tiếc tôi hay bất kì một ai đó cũng chưa bao giờ có một định nghĩa chắc chắn cho tình yêu. Tôi lâm vào tình trạng thất vọng triền miên về mọi nhẽ. Dĩ nhiên nàng cũng thất vọng về tôi không kém. Nàng những tưởng tôi là con một ai đó, có một tương lai vững chắc nào đó mà không phải. Cái nền nếp giáo dục của tôi hoàn toàn không như nàng tưởng. Bố mẹ tôi không bao giờ nghĩ rằng phải có những gì dành cho tương lai con cái. Ông bà cũng là những người tự lập. Thực ra hai cụ cũng là nạn nhân. Những nạn nhân mà nhìn vẻ ngoài giống như thủ phạm.

Tôi đau đớn nhận ra rằng, giữa tôi và nàng cho đến những ngày cuối hai đứa chỉ còn gắn kết với nhau bởi tình dục. Nàng không thể vắng tôi một ngày. Thực ra là nửa ngày. Buổi sáng gặp nhau ở nhà nàng. Nhà tôi đông anh chị em thì không thể và cũng chẳng tiện. Chiều xuống nhấp nhỏm kéo nhau ra bờ đê sông Hồng. Bờ đê ngày ấy là một cái nhà nghỉ không biên giới.

Chúng tôi nghỉ lại bên những bụi hoa cúc vạn thọ. Sau lưng là khóm dứa dại xanh um. Bên hàng rào thửa ruộng trồng đậu đen chệch choạc bóng chiều. Bên bờ ruộng vừa thu hoạch cây vừng còn miên man khói đồng tím ngắt. Trên những cồn cát ven sông thắm đỏ phù sa. Trên thân thể nàng ngày một căng nhức xuân thì. Tôi không còn bị bất kì ngoại cảnh nào chi phối nữa. Ở đâu thì cũng vẫn tiếng thở hổn hển êm dịu của nàng mà thôi.

3

Chúng tôi cùng thi đỗ vào những trường mỹ thuật lừng danh trong thành phố. Cùng thi với chúng tôi là các bác công nhân ở lớp học vẽ buổi tối. Họ là những người trưởng thành nên chuẩn bị cho kì thi hết sức chi tiết. Từ chiếc que đo bằng thép thẳng tưng được mài sáng bóng ở phân xưởng cho đến cái quả dọi chuyên nghiệp bằng đồng tiện tròn vo. Từ chiếc bảng gỗ dán vuông vắn cho đến hộp bút chì ngăn nắp xếp theo số thứ tự từ mềm đến cứng. Những cục tẩy ngày thường đen nhẻm trên lớp học buổi tối đã được mài gọt sạch sẽ tinh tươm.

Hộp bột màu sơn xanh buộc sợi dây chun chắc chắn. Vài bác còn mang theo cả những thước dài và com-pa rất lạ lẫm tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Và cũng chẳng biết dùng chúng vào việc gì. Tôi cũng chuẩn bị cho nàng bộ đồ nghề thi cử đầy đủ hết mức có thể. Những chiếc bút chì được tôi tự tay nắn nót gọt nhọn.

Kiếm miếng mút cắt vừa vặn đặt vào bên trong nắp hộp màu để đề phòng nếu có bị rơi màu cũng không thể tràn sang nhau. Chỉ còn một việc khiến tôi không an tâm nhưng chẳng có cách nào giúp nàng được. Nàng thi vào một trường khác tôi dĩ nhiên không thể hỏi tôi trong lúc làm bài. Thói quen này mới được hình thành ở nàng nhưng tỏ ra hiển nhiên thường nhật. Vài buổi học vắng tôi thường kết quả là dưới trung bình.

Về phần mình, tôi gần như chẳng chuẩn bị gì cả. Sát giờ thi chạy ra sân sau chỗ vại nước gạo chung của cả xóm vớ chiếc chổi tre người lấy nước gạo vừa mang đến hôm qua. Rút một nan chổi sạch sẽ làm que đo. Nhặt một hòn sỏi trong chậu cây của bố buộc vào đấy một sợi chỉ. Thế là có chiếc quả dọi. Bút chì có hai cái dắt trên túi áo cùng với một lưỡi dao cạo râu cùn. Hộp bột màu nhem nhuốc giập vỡ phải khư khư cầm trên tay. Chỉ nghiêng một chút là màu tràn ra ngoài. Chiếc bảng vẽ bằng bìa được tôi tha lôi khắp mọi xó xỉnh trong thành phố để vẽ phong cảnh giờ cũng đã mòn vẹt các góc. 

Kì thi 5 ngày mệt nhoài nhưng kết thúc êm ả. Nàng đùa, ta phải có một tuần trăng mật anh nhỉ? Tôi ậm ờ, tất nhiên rồi! Tuần trăng mật chỉ diễn ra vào buổi tối. Ban ngày tôi và nàng đều phải đi làm kiếm tiền. Có chăng khác trước chỉ ở chỗ tối đến không phải đi học vẽ như trước nữa. Chợt nhiên tôi thấy cuộc đời quá buồn tẻ. Hay sắp bắt đầu một cuộc đời như thế cũng là. Ban ngày hì hụi làm đủ thứ việc chỉ để tối đến cầm bàn tay nóng bỏng của nàng đi dưới những vòm lá đen kịt trong công viên.

Chẳng có gì để ngắm nhìn và cũng không trò chuyện. Hóa ra câu chuyện giữa hai người hết sức sơ sài. Nếu như khái niệm “tìm hiểu” ngày ấy gần như là bắt buộc cho đôi lứa thì chúng tôi đã vượt qua nó từ lâu rồi. Nhà ở phố hiểu gốc gác về gia đình nhau chẳng có gì khó khăn cả. Thậm chí các bậc phụ huynh còn có thể là chỗ quen thuộc. Tôi và nàng đều là những người đơn giản. Để hiểu về nhau không cần đến một tháng. Biết hết những thói quen ứng xử của nhau hóa ra lại chẳng phải là điều cần thiết. Nó chỉ góp phần tiêu diệt nốt những hào hứng lạ lẫm ban đầu.

Tôi thuộc lòng cả quãng đường đi trong công viên và những chỗ cần dừng lại. Những chiếc ghế đá nham nhở sứt mẻ và những gốc cây nhãn già chẳng bao giờ có quả. Chúng tôi làm tình một cách máy móc. Như chiếc đồng hồ đến đúng 12h là hai kim chập lại làm một. Vài phút sau đó rời nhau ra bải hoải vô hồn cũng như hai chiếc kim đồng hồ mà thôi.

4

Ngày nhập học đã đến. Lớp của tôi chỉ vẻn vẹn có 13 người. Dù còn thiếu 2 người trong chỉ tiêu của Nhà nước nhưng trường quyết định không lấy thêm cho đủ số. Những bác công nhân thi cùng tôi hầu hết đều trượt cả. Vài người được xét vớt vào học các lớp tại chức 3 tháng một năm. Chẳng riêng tôi mà hình như chính cả xã hội cũng đều phải thầm cảm ơn nền giáo dục lúc ấy đã không biến những bác công nhân mực thước trở thành vài nghệ sĩ lêu lổng như bây giờ. 

Nàng cũng vào một lớp chỉ có độ hai chục người. Ở trường khác. Tôi có vài người bạn hồi học phổ thông cũng học trường ấy từ trước rồi. Lần đầu tiên có dịp đứng xa nàng để nhìn ngắm những ứng xử của nàng qua câu chuyện bạn bè kể lại. Nó chẳng hề như hiểu biết của tôi. Dưới mắt họ thì nàng là một cô gái khá đỏng đảnh khó gần. Sức học gần như đội sổ nhưng tác phong luôn tỏ ra đàn chị. Chẳng biết tôi có đóng góp phần nào làm nên tính cách ấy hay không. Lũ bạn nhìn tôi vô cùng ái ngại. Tất nhiên sau cánh cổng trường mỹ thuật thì một bóng hồng cũng là rất hiếm hoi. Họ có quyền kiêu kỳ hãnh diện. Và dĩ nhiên đám đàn ông luôn là những con thiêu thân tiềm năng.

Nàng nhanh chóng có một bạn tình ngay ở trong lớp học của mình. Họ không hề giấu giếm. Thật ngạc nhiên là tôi cũng không mảy may luyến tiếc. Chúng tôi đã chẳng có đủ thời gian để nói dù chỉ một lời chia tay. Chẳng sao cả. Tại sao ta phải nói lên cái điều đã hiển nhiên xảy ra? Thành phố đông đảo mấy triệu dân cũng góp phần làm cho người ta nhanh chóng chìm vào quên lãng. Dù ở khá gần nhà nhau nhưng đã chẳng bao giờ tôi còn gặp lại nàng.

Chỉ nhìn thấy thôi cũng không. Kỳ lạ là chỉ vài tháng trước hầu như ngày nào chúng tôi cũng nhìn thấy nhau. Thậm chí còn biết rõ lúc ấy người kia đang ở chỗ nào trong thành phố. Nhưng tiếp theo là khoảng thời gian yên tĩnh không ngờ kéo dài gần nửa thế kỉ rồi. Nếu bây giờ ai đó hỏi tôi chuyện tình như thế có gọi là đẹp không. Tôi sẵn sàng trả lời không chút do dự: rất đẹp, bởi vì nó ngắn! Tính tổng cộng cả những nhớ nhung, hờn dỗi và chờ đợi cũng chỉ vỏn vẹn có 7 tháng và 12 ngày.

Tin đọc nhiều