Chuyện ít biết về hành chính và an ninh ở kinh thành Thăng Long từ thời Vua Lý Công Uẩn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kinh thành Thăng Long từ nhà Lý, Trần đến Hậu Lê theo kiểu “tam trùng thành quách” tức là  3 vòng thành. Trong cùng là Cung thành, đến Hoàng thành và ngoài cùng là Thị thành. Bao quanh 3 vòng thành là đê, cũng là lũy bảo vệ gọi là La thành. Nhưng khu vực Thị do triều đình trực tiếp quản lý hay thuộc đơn vị hành chính nào và an ninh kinh thành ra sao?

Toàn cảnh Hoàng thành nhìn từ Đoan Môn

Từ ty Bình Bạc đến phủ Phụng Thiên

Vua Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009, năm 1010 ông quyết định dời đô từ Hoa Lư ra vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi”, khai sáng kinh đô Thăng Long, xây thành trên nền thành Đại La có từ thế kỷ thứ 9.

Một trong những quyết định chính trị đầu tiên là Lý Công Uẩn đã chia lại đơn vị hành chính của quốc gia Đại Cồ Việt. Ông đổi 10 đạo thời Đinh và Tiền Lê thành 24 lộ. Dù phần Thị do triều đình trực tiếp quản lý nhưng không thấy sử chép quan đứng đầu là ai. Thời Lý, khu vực Thị tuy dân không đông nhưng đã có chợ, có các nghề thủ công như làm giấy, vàng, dệt lụa... Ngay từ triều Lý, phần Thị không chỉ là nơi dân cư sinh sống, buôn bán, sản xuất mà có ý nghĩa cộng sinh với chức năng phục vụ đời sống hàng ngày và triều nghi của vua quan sống trong Cung thành, Hoàng thành. 

Rồi triều Lý suy vi, Trần Thủ Độ dựng nên triều Trần năm 1225. Sau khi củng cố quyền lực, năm 1230 nhà Trần cho định lại các phường bên tả, hữu kinh thành Thăng Long. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 3 năm Canh Dần 1230 định các phường hai bên tả, hữu kinh thành bắt chước đời trước (nhà Lý) chia làm 61 phường”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bằng văn bản thấy nhắc đến số phường của Thăng Long. Cũng trong năm này, nhà Trần đặt ty Bình Bạc là đơn vị hành chính để quản lý an ninh trật tự khu vực Thị của thành Thăng Long.

Đến năm 1265, đổi thành Đại An phủ sứ, sau đổi thành Kinh sư Đại doãn, dù tên khác nhưng cũng vẫn là cơ quan hành chính tư pháp ở kinh đô Thăng Long. Song năm 1394 lại đổi thành Trung đô doãn. Nhà Trần rất coi trọng chức vụ đứng đầu kinh thành nên đã có chế độ tuyển chọn vô cùng kỹ càng. Tiêu chuẩn để được đứng đầu cơ quan cai trị kinh thành là người đó phải trải qua cai trị thực tế ở các lộ, các phủ trong cả nước. Tiếp đó phải đủ lệ khảo duyệt của triều đình thì mới được  làm An phủ, Sứ phủ (tức lộ) Thiên Trường - quê hương của nhà Trần, nơi có cung Thượng Hoàng. Sau đó lại đủ lệ khảo duyệt sẽ được bổ làm Thẩm hình Viện sự rồi mới đưa về làm Kinh sư Đại An phủ sứ (hay Kinh sư Đại doãn).

Nhờ cách tuyển chọn cẩn thận đó mà trong 175 năm tồn tại của nhà Trần đã có nhiều viên quan cai trị Thăng Long có đức, có tài như Trần Thì Kiến làm Kinh sư Đại An phủ sứ năm 1297. Trần Thì Kiến tính cương trực, giỏi dịch lý, có tài sử kiện, không ăn hối lộ và điều hành mọi việc đều dựa quy định của triều đình. Một người đứng đầu Thăng Long từ năm 1341 là Nguyễn Trung Ngạn. Ông đỗ Hoàng Giáp năm 1304 khi mới 16 tuổi. Về sau 2 lần ông được sung chức ở Hữu sản (tức Viện Cơ mật) đời vua Trần Dụ Tông. Nguyễn Trung Ngạn còn là nhà thơ, ông có tập “Giới Hiên thi”. 

Vì vua không minh, quan không liêm nên triều Trần phe phái, hỗn loạn. Năm 1397, sau khi thao túng được mọi quyền bính trong tay, Hồ Quý Ly đã bức vua đến Thanh Hóa, cho đổi Đông Kinh thành Đông Đô. Tháng 6-1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do nhà Hồ lãnh đạo thất bại, Đại Việt trở thành thuộc địa của nhà Minh. Tháng 7-1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu đổi An Nam thành quận Giao Chỉ, đổi kinh thành Đông Đô thành Đông Quan. Trong 20 năm (1407-1427) nước Đại Việt sống trong ách chiếm đóng của giặc Minh.

Kinh đô Thăng Long trở thành đại bản doanh của kẻ xâm lược quản lý Giao Chỉ cho đến khi Lê Lợi đánh tan quân xâm lược năm 1427. Lê Lợi  lên ngôi vua mở ra triều  đại nhà  Lê. Nhà Lê đã đổi tên Đông Quan thành Đông Kinh, chia kinh đô thành 36 phường, ban đầu gọi là Trung đô hay phủ Trung đô sau đổi thành phủ Phụng Thiên. Sách “Dư Địa chí” của Nguyễn Trãi chép: “Thượng kinh là kinh đô có 1 phủ, 2 huyện. Phủ là phủ Phụng Thiên, huyện là Vĩnh Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có 18 phường”. Như vậy Thăng Long là cái tên có tính biểu trưng, còn cụ thể về hành chính, phủ Phụng Thiên (tương ứng với quận Hoàn Kiếm ngày nay) ngang hàng với các thừa tuyên (tức các trấn). 

Đứng đầu phủ Trung Đô là chức Trung Đô Phủ doãn, còn Trung Đô Thiếu doãn chỉ trông coi về các việc dân sự. Dưới Phủ doãn và Thiếu doãn là là 2 viên Huyện úy. Trong 36 phường của phủ Phụng Thiên có khá nhiều  phường làm nông nghiệp như: Yên Hoa (nay là Yên Phụ), Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân), Xã Đàn, Nhược Công (nay là Thành Công), Kim Liên. Các phường buôn bán, sản xuất đan xen với nhau và tập trung chủ yếu ở 2 bờ sông Tô Lịch. Khi Đại Việt bị giặc Thanh xâm chiếm và vua Quang Trung đánh tan quân Thanh thì kinh đô nước Việt lúc này ở Phú Xuân nên Thăng Long không còn là nơi ở của vua, phủ Phụng Thiên do đó cũng không còn. 

Chợ họp ngay ngoài cửa Đông

Những quy định để quản lãnh an ninh, trật tự  ở kinh thành 

Từ triều Lý đến triều Trần, an ninh kinh đô Thăng Long vô cùng nghiêm cẩn, nhưng đến triều Lê thì có nhiều quy định hơn. Nhà Lê lấy 2 viên quan võ cao cấp sung chức Chánh phó đề lĩnh chuyên trách về việc canh phòng, giám sát trong toàn kinh thành. Từ năm 1435 đặt ra lệ cấp giấy “lộ dẫn”. Phàm quân và dân ở các lộ muốn vào kinh đô có việc công, buôn bán hay nha thuộc ở kinh đô có việc đi các lộ đều phải do quan trên cấp phát giấy tờ chứng nhận. Ban đêm các cổng thành đều đóng, ai muốn ra vào phải có thẻ “hành quân phù” thì lính canh mới mở cửa cho đi. 

Năm 1510, vua  Lê Tương Dực đặt chức Đề lãnh ở 4 cửa thành. Sử cũ chép: “Đặt chức Chưởng Đề lãnh, Đồng Đề lãnh và Phó Đề lành đều dùng chức quan trong hàng võ hàm tòng nhất, nhị phẩm để quản lãnh việc quân ở 4 cửa thành. Phàm những việc tuần  phòng, nã bắt kẻ gian, tra hỏi kiện tụng và các việc ngăn cấm hỏa tai, việc cầu cống, đường sá, đều do viên Đề lãnh đảm nhiệm”. 

Tranh vẽ cảnh dẫn giải phạm nhân

Ngay từ đầu nhà Lê, trên mặt thành và ngoài cửa thành, triều đình cho đặt điếm cắt quân canh phòng ngày đêm. Mỗi phường lại lập đội canh tuần làm nhiệm vụ điều tra trong phạm vi từng phường. Việc bảo vệ Hoàng thành và Cung thành được nhà Lê tổ chức vô cùng nghiêm ngặt, phải có sắc chỉ của vua mới được ra vào cửa cấm của 2 vòng thành. Kẻ nào lén mang gươm vào khu vực này hoặc bất cứ đồ gì bằng sắt, đồng vào khu cung cấm đều bị xử tội chết. Lệ tướng sỹ hộ vệ các quan vào chầu vua cũng được quy định chặt chẽ, mọi người phải chờ ở cổng Đoan Môn, khi có trống mới được vào cung thành.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Sử chép, thời kỳ nhà Mạc kinh đô yên bình, không có nạn trộm cắp. Và để đề phòng quân Lê - Trịnh tấn công Thăng Long, năm 1588, nhà Mạc cho đắp lũy bao quanh. Căn cứ trên bản đồ Hà Nội hiện nay, lũy bắt đầu từ Nhật Tân chạy theo phía Tây hồ Tây, qua Bưởi, ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ, La Thành, qua ô Chợ Dừa, Kim Liên, theo Đại Cồ Việt ra ô Cầu Dền tới ô Đống Mác.

Sau khi đuổi nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, nhà Trịnh cho phá lũy vì sợ nhà Mạc quay lại ẩn nấp chống lại. Tuy nhiên khi có cuộc khởi nghĩa chống lại Lê - Trịnh thì năm 1749  chúa Trịnh Doanh lại cho đắp lũy dựa theo lũy từ thời Mạc. Sau này Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn lập ra triều Nguyễn đã chuyển kinh đô  vào  Huế năm 1802, sau đó xây lại thành mới để làm nơi nghỉ ngơi khi tuần giá Bắc Hà nên an ninh không còn nghiêm như thời Thăng Long là kinh đô nữa.   

Tin đọc nhiều