Chuyện học và dạy học ở Hà Nội xưa

ANTD.VN - Trong gần 800 năm là kinh đô, Hà Nội không chỉ là  trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm giáo dục lớn nhất nước. Khi Pháp xâm chiếm và Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương (1902) thì đô thị này gần như trở thành trung tâm đào tạo - giáo dục của cả vùng Đông Nam Á.

Chuyện học và dạy học ở Hà Nội xưa ảnh 1Các kỳ thi diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trường công xen lẫn trường tư 

Trước khi vua Lý Công Uẩn lập ra nước Đại Việt, việc dạy và học diễn ra ở các chùa. Các sư đi khắp nơi tìm những đứa trẻ khôi ngô, dĩnh ngộ đưa về dạy chữ Hán và dưỡng dục nhân cách để giới thiệu làm quan trong triều hoặc hoằng pháp. Bản thân vua Lý Công Uẩn hồi nhỏ cũng đã được nhà sư  Từ Đạo Hạnh dạy dỗ. 

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu (được xây năm 1070). Đây được coi là trường công đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý. Dù thời Lý, Phật giáo là quốc đạo nhưng Nho giáo cũng đã ảnh hưởng trong việc trị nước. Bằng chứng là thời Lý đã mở kỳ thi Nho đầu tiên  để tìm người làm quan giúp vua.

Đến triều Trần, vua Trần Thái Tông đã đổi Quốc Tử Giám thành “Quốc học viện”, cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân nhưng có sức học xuất sắc. Tháng 9 năm đó, vua  xuống chiếu cho các Nho sĩ trong nước đến “Quốc học viện” giảng Tứ thư, Ngũ kinh và cử Phạm Ứng Thần giữ chức Thượng thư kiêm Đề điệu Quốc tử viện trông nom công việc học tập tại Quốc Tử Giám.

Vì trường công nên học trò không mất tiền học, nhà nước nuôi ăn, lo cho chỗ ở, vì thế “Quốc học viện” cũng có thể coi là trường nội trú đầu tiên của giáo dục Việt Nam. Cùng với trường công, Thăng Long là nơi duy nhất có trường tư. Đó là trường Huỳnh Cung của nhà giáo Chu Văn An (1292-1370) mở tại quê ông ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Rồi ông được mời làm quan Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám. Trước đám hư quan, ông dâng “thất trảm sớ”, nhưng vua Trần Dụ Tông không nghe nên ông treo mũ từ quan về quê tiếp tục dạy học. 

Chuyện học và dạy học ở Hà Nội xưa ảnh 2Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Đến thời Hậu Lê, triều đình mở nhiều khoa thi, người đỗ đạt được làm quan nên phong trào học hành lan rộng khắp xã hội. Nếu ở vùng quê là các lớp do thầy đồ dạy chữ Hán thì tại kinh đô Thăng Long, trường tư lớn hơn và thầy dạy là các nhà Nho nổi tiếng. Với các gia đình giàu có, họ còn đón cả những nhà Nho có uy tín về dạy cho con cái.

Trong cuốn “Chuyện bên dòng sông Tô” của Nguyễn Công Chí (thực chất là gia phả dòng họ Nguyễn Đình ở làng Duyên Thái, huyện Thanh Trì, từng sống ở phố Hàng Ngang từ thời Lê) viết rằng, cuối thế kỷ 18 gia đình này đã mời Phạm Đình Hổ từ quê ra dạy cho mấy người con. Tại đây, Phạm Đình Hổ có điều kiện đọc hết số sách trong thư viện của gia chủ và có cơ hội giao tiếp với quan chức trong triều đình để sau đó ông viết cuốn “Vũ Trung tùy bút” - cuốn sách được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá  là rất giá trị.

Quanh khu vực Văn Miếu, nhiều nhà Nho mở trường, thu hút rất đông học sinh các tỉnh về học. Họ trọ quanh vùng, hàng ngày ăn cơm hàng nên xuất hiện phố Hàng Cơm. Câu nói “cơm niêu nước lọ” cũng xuất phát từ đây do nhiều học trò nghèo không có tiền ăn cơm hàng nên phải tự nấu.

Đến nửa đầu thế kỷ 19, số trường tư ở Hà Nội ngày càng nhiều, tập trung ở khu vực quanh hồ Gươm. Đó là các trường của các danh nho như: Lê Đình Diên, Vũ Tông Phan, Nguyễn Siêu… Học trò theo học rất đông vì ngoài văn chương, các trò còn học được đạo làm người, khí chất sỹ phu của các thầy.  

Nói chung, trong một trường có rất nhiều lớp với các trình độ khác nhau, và trong một lớp dù là đồng môn nhưng không đồng niên. Xưa các nhà Nho dạy từ Tam tự kinh, rồi nâng lên Tứ thư, Ngũ kinh… Đến thế kỷ 19, sách dạy trò vẫn bám vào sách Trung Quốc, nhưng nhiều nhà Nho đã ý thức dân tộc và tự soạn sách riêng. Cứ mỗi lần đến kỳ thi Hương, học trò vào đền Ngọc Sơn lễ bái chật cứng.

Sự chuyển đổi từ Nho học sang Quốc học

Khi Pháp chiếm Hà Nội và nơi đây trở thành thành phố nhượng địa thì giáo dục đã thay đổi. Nếu năm 1886, Hà Nội chỉ có 1 trường tiểu học dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thì sang năm 1887 đã có 9 trường trong hệ thống trường tiểu học Pháp - Việt dành cho nam, 4 trường cho nữ. Đến năm 1900 Hà Nội có tới 15 trường bao gồm các cấp học phổ thông và trường nghề, không chỉ cho người Việt mà cho cả người Âu sống ở thành phố này. 

Vì mục đích giáo dục không còn là thi để làm quan, mục tiêu của chính phủ  Pháp là nâng cao trí thức, văn hóa nên ngày 6-11-1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ban hành nghị định áp dụng cho Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Theo đó, chương trình giáo dục Pháp - Việt chia thành 3 khối gồm: Ấu học, Tiểu học và Trung học. Trong Trung học lại chia thành 2 cấp gồm ban Cao đẳng Tiểu học và Tú tài. Nội dung giảng dạy hoàn toàn khác xa với giáo dục Nho học vốn coi trọng học văn.

Chương trình giáo dục Pháp - Việt có nhiều môn mới là: Toán học, Vật lý, Văn chương, Địa dư… Môn Giáo dục thể chất cũng được đưa vào nội dung giảng dạy nên trường nào cũng có bàn bóng bàn, sân bóng rổ. Nghị định cũng quy định, năm học bắt đầu từ tháng 9 và nghỉ hè vào cuối tháng 5, giữa 2 kỳ học có nghỉ hè.

Trong năm học còn có kỳ nghỉ từ Giáng sinh kéo dài đến hết Tết Dương lịch. Học trò cũng được nghỉ Tết Nguyên đán và lễ Phật Đản. Trong nghị định có điều khoản, trẻ con 7 tuổi nam hay nữ bắt buộc phải đến trường, nếu nhà nào không cho con đi học sẽ bị xử phạt. 

Chuyện học và dạy học ở Hà Nội xưa ảnh 3Một lớp học vùng ven Hà Nội (1909)

Để giảm ngân sách cho giáo dục, chính quyền cho phép cá nhân được ở trường tư. Tính đến năm 1912, Hà Nội có 24 trường tư với 739 học sinh. Nếu giáo viên dạy tại các trường công chủ yếu là người Pháp và số ít người Việt thì tại trường tư, giáo viên phần lớn là người Việt.

Vì sân trường phải có bóng mát cho học sinh vui chơi vào ngày nắng nên chính quyền bắt buộc các trường công phải trồng cây xanh. Và cây được chọn là cây phượng, lý do vì cây phượng nhanh lớn, tán rộng, hoa đẹp, không có nhựa gây độc hại. Song, điều quan trọng nhất là khi năm học kết thúc cũng là thời điểm hoa phượng nở rộ, vì thế cây phượng gắn liền với trường học và tuổi học trò.

Năm 1917, chương trình học chính Pháp - Việt được thiết lập trên toàn cõi Đông Dương nhằm xóa bỏ nền giáo dục cũ và thống nhất giáo dục bản xứ. Đây có thể coi là lần thay đổi thứ 2 về giáo dục. Một trong những thay đổi quan trọng là có rất nhiều bộ sách giáo khoa và tác giả của bộ sách này có thể tự xuất bản. Tuy nhiên sách đưa vào hệ thống giảng dạy do Nha học chính Đông Dương lựa chọn và Toàn quyền Đông Dương ra quyết định công nhận.

Các sách còn lại vẫn bán bình thường được coi là tham khảo. Có những cuốn sách tuy không đưa vào chương trình giảng dạy nhưng được bán rất chạy vì cha mẹ học sinh thấy hữu ích. Ví dụ như các cuốn sách của tác giả Henri Le Bris gồm những bài bổ ích về kiến thức phổ thông, địa lý, lịch sử, hành chính. Hay các cuốn sách luân lý do nhà Nho Trần Trọng Kim biên soạn.

Cho đến năm 1954, Hà Nội có rất nhiều trường tư nổi tiếng như trường Trí Tri của cụ Nguyễn Văn Tố, trường Hàng Cót, trường Thăng Long với các giáo sư nổi tiếng như Phạm Văn Đồng, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp…

Tin đọc nhiều