Chút thoáng buồn khi trăng thu vào phố

ANTD.VN - Với riêng tôi khi đã qua hai phần ba cuộc đời, mỗi khi phố phường nhộn nhạo báo rằm Trung thu sắp về bằng những quầy bánh dẻo, bánh nướng, với phố hàng Mã muôn sắc đồ chơi thì tôi lại nhớ về đêm rằm đã qua dư sáu mươi năm...

Trong tứ tiết của một năm đất trời thì mùa thu hiển nhiên là mùa đẹp nhất trong năm. Không phải bỗng nhiên mà các văn nghệ sĩ có những tuyệt phẩm về thu làm đắm say lòng người. Văn Cao có “Buồn tàn thu”; Đoàn Chuẩn có “Thu quyến rũ”; Lưu Trọng Lư có “Tiếng thu”; Levitan có họa phẩm lừng danh “Mùa thu vàng”...

Với tôi mùa thu về bắt đầu bằng sợi gió heo may. Bắt đầu là sự lay động như mơ hồ trên lông đuôi con vịt đang quặp mỏ dưới bụi trúc đang run run khóm lá chớm nhuốm sắc vàng. Là sự rung rung trên đôi cánh mỏng tang của chú chuồn chuồn ớt mải rập rờn trên bông hoa cải vàng nơi góc vườn. Là cánh diều lững lờ nhàn tảng lặng ghim vào bầu trời chiều xanh biếc... Thu lãng đãng, rón rén với những bước đi nhẹ nhàng trong không gian như sự giả quên lãng, e ấp của gái chớm dậy thì để rồi ghi dấu mùa thật đậm nét, thật nồng nàn với vành trăng vằng vặc, trong trẻo đính vào trời đêm Trung thu. Trong màu của trái hồng mịn màng, nũng nịu, mời gọi như trên má cô gái mười tám. Trong màu xanh ngọc của hạt cốm nằm e ấp dưới đôi thúng lót lá sen già, được quẩy bằng chiếc đòn gánh cong hai đầu của cô gái làng Vòng vô tư đưa thu vào phố...

Dư âm Trung thu hòa bình đầu tiên

Với riêng tôi khi đã qua hai phần ba cuộc đời, mỗi khi phố phường nhộn nhạo báo rằm Trung thu sắp về bằng những quầy bánh dẻo, bánh nướng, với phố hàng Mã muôn sắc đồ chơi thì tôi lại nhớ về đêm rằm đã qua dư sáu mươi năm...

Đó là rằm Trung thu đầu tiên, khi bố tôi theo đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô. Chả cứ trẻ con mừng vui mà cả người lớn từ những vị tráng niên đến ông già bà lão đều nôn nao đón chờ. Sao không nôn nao, sao không đón chờ đêm rằm Trung thu không còn tiếng súng cầm canh chốc chốc lại vàng lên từ bốt đồn Tây. Mẹ ôm chặt tôi nín thở nghe tiếng giầy đinh của lính Tây đi ba tui nghiến xạo xạo trên đường làng, ánh đèn pin loang loáng lia rọi ngõ ngách, xó vườn. Rằm Trung thu đầu tiên chỉ có vành trăng tròn xoe, chiếu sáng xuống làng quê thanh bình đầy ắp tiếng trẻ cười vui phá cỗ trông trăng, cụ già vuốt râu ngắm đàn con cháu sum vầy trong hòa bình, an lạc.    

Nơi cơ quan bố tôi đóng đầu tiên là bốt Công an Hàng Trống. Năm đầu về lại Hà Nội, công việc bố tôi thực bộn bề, nhà tôi lại ở trên Chèm cách nơi bố tôi làm tròn 12 cây số. Khi trẻ con làng bắt đầu rộn rịp Tết Trung thu hòa bình đầu tiên thì mẹ tôi biết bố tôi bận việc khó về nên đã an ủi đón đầu tôi đúng ngọ hôm rằm: “Bố con mới từ chiến khu về công việc bù đầu. Nhưng không sao bố đã dặn mẹ sắm sửa Trung thu đầy đủ để con cùng bạn bè phá cỗ đêm rằm rồi”. Không dè, buổi chiều xâm xâm rằm. Bố tôi đột ngột về. Người bế xốc tôi rồi mớ xà cột công tác bằng da lấy ra chiếc bánh dẻo trắng muốt hình con cá, cùng chiếc tàu bay bằng gỗ sơn xanh.

Bố cười rất tươi bảo tôi: “Tối nay bận việc ngoài bốt, nên bố tranh thủ về sớm mua quà cho con. Mẹ đã mua bưởi, mua hồng, có cả ông Nghè giấy, thêm bánh, máy bay của bố con chơi vui vẻ, cùng bạn bè phá cỗ trông trăng”... Hơn sáu mươi năm trôi qua, cho đến nay dư vị miếng bánh dẻo hình đuôi cá vẫn ngọt trong môi. Màu vàng pha tía của chiếc tán che đầu tiến sĩ giấy vẫn in hằn trong óc. Tiếng lộc cộc của bánh xe chiếc máy bay gỗ lướt trên đường đầy sỏi và đá răm cùng tiếng hò reo của đám bạn lau nhau dưới ánh trăng vời vợi vẫn vang lên trong tôi...

Quá nửa thế kỷ đã trôi qua, mùa thu và rằm Trung thu năm nào cũng trở về. Bố tôi người đàn ông Hà Nội trọn đời làm một viên công an mẫn cán đã khuất bóng trên thế gian này dư 30 thu. Vậy mà dư âm rằm Trung thu hòa bình đầu tiên vẫn vương vấn đâu đây... 

Nao nao buồn vầng trăng thu nay

Giờ nhìn đàn cháu nội vào độ tuổi đáng ra phải háo hức chờ rằm Trung thu, nôn nao đợi giây phút trông trăng, phá cỗ… Vậy mà sắp đến tối rằm rồi, vẫn thấy chúng thản nhiên không mong đợi, khao khát niềm vui thơ trẻ trong đêm Trung thu  mà tôi chạnh buồn. Phải chăng những giờ học chính khóa, những buổi học thêm nặng nề chiếm trọn thời gian con trẻ làm các cháu tôi quá mệt mỏi đã giết chết niềm vui thơ ngây trước mâm cỗ rằm giữa thu?

Phải chăng sự no đủ, thừa thãi của bánh kẹo, đồ chơi tràn ngập phố phường, ngày thường cũng như ngày thu... đã làm chúng không còn ước ao. Phải chăng Tết Trung thu của con trẻ đang trở thành Tết của người lớn biến miếng bánh, trái hồng của tuổi thơ thành những món quà biếu xén, chạy chọt, đền ơn. Chiếc bánh dẻo, bánh nướng đơn sơ hình mặt trăng, hình cá chép với nhân thập cẩm ăn vào thoang thoảng vị lá chanh vườn là ao ước của thế hệ chúng tôi giờ đây trở thành thứ độn cho những chai rượu vài triệu đồng, bộ cốc pha lê vô duyên nằm chật ních bên cạnh những chiếc bánh nướng, bánh dẻo trong chất đầy thứ nhân có giá bằng vài ngày lương người lao động. Nào nhân lạp xưởng, nhân vây cá mập, vi cá thu... Món quà của tuổi thơ thời nay trở nên già nua, cằn cỗi trong món đồ biếu xén đầy tính toán của người lớn.

Với riêng tôi khi đã qua hai phần ba cuộc đời, mỗi khi phố phường nhộn nhạo báo rằm Trung thu sắp về bằng những quầy bánh dẻo, bánh nướng, với phố hàng Mã muôn sắc đồ chơi thì tôi lại nhớ về đêm rằm đã qua dư sáu mươi năm...

Về quê trong ngày rằm lại càng buồn thêm. Làng đã lên phường, ao chuôm giờ đã lấp kín, tre pheo ngan ngát một thời ôm trọn bốn phía làng tôi giờ đã đẵn sạch. Còn đâu hình mặt trăng xanh trong đà đưa bên ngọn tre gù lưng in vào khoảng nước giữa những súng bèo tấm xanh mướt. Nhà bê tông cao lênh khênh xếp hộp thay cho nhà mái tranh, mái ngói ấm cũng nằm dưới rặng nhãn, cây ổi, cây na quê. Đường bê tông thay cho đường gạch chôn nghiêng. Con mương đầy ắp nước viền theo đê làng giờ cạn khô, đầy rác. Vẫn biết, cuộc đời đang tiến lên, xã hội đang thay đổi nên cảnh vật cũng theo đó mà dâu bể khôn lường. Nhưng rằm Trung thu cho con trẻ có lẽ nào đang mất dần vẻ hồn nhiên, thơ ngây như những bụi tre, mặt ao làng tôi đang bị chặt trụi, lấp dần...

Thời tôi còn thơ dại, rằm Trung thu về dân làng tôi còn thi nhau gói bánh nếp, bánh khoai, bánh gai, bánh khúc, nấu chè kho. Nhưng giờ đây, những vườn chuối trong làng đã vĩnh viễn không còn. Những hàng rào nhà nọ xen nhà kia sum suê những bụi lá gai làm bánh. Giờ nhà nào nhà nấy kin mít tường gạch, cắm chông sắt. Bờ ruộng một thời vào tháng 8 lá khúc mọc xanh rì, mỡ màng..., nay thuốc trừ cỏ làm mất đi tất cả.

Đến chè kho lừng đặc sản làng Chèm một thời người ta đánh bột đậu xanh ngào đường bằng động tác chèo đò ngang dọc, giờ người ta cho tất vào máy. Miếng chè kho làng tôi giờ đâu còn sự mịn màng, dẻo quánh trong miệng.

Ngay đến cốm làng Vòng lừng danh toàn cõi đến độ đến tận Paris - Thủ đô hoa lệ của nước Pháp mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đất cảng còn bâng khuâng nhớ: “Vẫn biết lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai là lá sen?” (Ca từ của ca khúc “Paris có gì lạ không em”). Vậy mà nay, đưa vốc cốm lên miệng còn nghi ngại “không rõ màu xanh này có thực màu của hạt nếp cái đương thì hay là màu của phẩm hóa chất đây”.

Trăng Trung thu vẫn vằng vặc trên không trung mênh mông. Trăng gợi nhớ thao thiết vành trăng Trung thu đầu tiên khi bố tôi về tiếp quản Thủ đô, và cũng làm tôi chợt nao nao buồn khi Trung thu đận này đâu còn thuần là Trung thu dành cho con trẻ thơ ngây...

(Sắp rằm Trung thu Đinh Dậu)

Tin đọc nhiều