Chữa trị hay trừng phạt những người "bị giời hành"?

ANTD.VN - Hôm trước, tình cờ tôi đọc được trong group (nhóm) cư dân nơi tôi sống câu chuyện của một phụ nữ. Chị bức xúc vì buổi sáng chạy bộ trong vườn hoa ngang qua một ông lão và nhận ra ông lão nhìn chị với ánh mắt không bình thường và lẩm bẩm gì đó có vẻ rất thô tục. 

Chữa trị hay trừng phạt những người "bị giời hành"? ảnh 1Những người biến thái tình dục cần được quản lý, chữa trị hơn là kỳ thị xa lánh họ (Ảnh minh họa) 

Chị kể lại câu chuyện như một cách để cảnh báo cộng đồng cẩn trọng trước những kẻ biến thái. Câu chuyện chỉ thế thôi, nhưng tôi kinh hãi khi đọc những “comment” (bình luận) bên dưới. Rất nhiều người tỏ ra hung dữ với những dự định bạo lực đối với ông lão đó, thậm chí có người còn đề nghị lập một nhóm săn, bẫy những kẻ biến thái như ông lão để trừng phạt. 

Có thể, sự hung dữ ấy chỉ dừng lại ở những dòng “comment”, nhưng cũng có thể nó sẽ trở thành những hành động cụ thể. Tôi không biết, sự hung dữ ấy là biểu hiện của nỗi sợ thực sự hay là nỗi căm ghét được thổi phồng. Bởi, những kẻ biến thái, phô dâm, khẩu dâm không phải bây giờ mới xuất hiện. 

Chừng 30 năm trước, những ai thường đi lại trên phố Bà Triệu (Hà Nội) hẳn không ít lần bắt gặp một người đàn ông đi xe đạp song song những phụ nữ đi một mình rồi bất ngờ vạch bộ phận sinh dục ra… khoe và cười sung sướng khi thấy người phụ nữ đó tỏ ra hoảng hốt. Các nữ đồng nghiệp của tôi khi gặp cảnh đó, ban đầu thì giật mình hoảng sợ, sau đó họ vờ dọa lại và gã đàn ông biến thái đó hốt hoảng bỏ chạy. Có người coi đó là một trò vui, và khoái trí kể lại, có người thì chép miệng, cảm thương “khổ thân, ông ý bị giời hành”.

Trong khu tập thể tôi ở hồi bé có một người phụ nữ tâm thần và bị câm. Thường thì chị hiền lành, đi tha thẩn trong khu tập thể, thấy náo nhiệt thì đứng lại xem và ú ớ như thể hỏi nhưng không ai đáp lời. Thỉnh thoảng, chị trở nên hung dữ, thường đuổi theo những đứa trẻ trai, vừa đuổi vừa tự tụt quần, xé áo khiến lũ trẻ khóc thét lên vì sợ. Có lần không may, gặp đứa trẻ lớn hơn, nó vác gạch đá ném chị. Hôm đó, tôi thấy chị ngồi bên góc tường với cái đầu đầy máu, ú ớ kêu, rồi có một người lớn đi đến, băng bó, dắt về nhà. Tôi về kể chuyện đó với mẹ, mẹ tôi bảo: “Người ta bị bệnh thế, đừng đánh mà phải tội”. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp chị câm ấy ú ớ trên đường, nhưng không thấy chị ấy bị đánh đập xua đuổi nữa, có lẽ những bà mẹ trong khu tập thể cũng dạy con giống như mẹ tôi.   

Những người biến thái tình dục có rất nhiều dạng thức khác nhau, nhưng đa phần là bệnh, như người xưa nói là “bị giời hành”. Tôi nghĩ họ cần được quản lý, chữa trị hơn là bị tấn công, đánh đập. 

Nhưng, tôi không hiểu vì sao những người lớn ở thế hệ bố mẹ tôi thì luôn nhìn những con người bất hạnh ấy với con mắt cảm thông như những người “bị giời hành” mà những người lớn bây giờ lại không thể nhìn họ với con mắt như thế? Họ thường bị nhìn như những tên tội phạm đáng chết.

Những năm gần đây, với sự trợ giúp của mạng xã hội, rất nhiều người biến thái tình dục bị phát hiện ở khắp nơi. Nhưng tôi chưa thấy ai đề cập đến việc cần phải chữa trị cho những con người đó, luôn là phải xử lý, thậm chí là đòi hỏi phải xử nặng, xử nghiêm hơn cả phạm vi điều chỉnh của luật pháp. 

Phải chăng, sự hung dữ của con người, với sự hỗ trợ của truyền thông mạng xã hội, khiến cho không ai, kể cả những người hiểu biết về căn bệnh của những con người bất hạnh ấy, cũng không dám lên tiếng để kêu gọi cộng đồng ứng xử với họ như những người có bệnh cần được chữa trị thay cho trừng phạt? 

“Những người biến thái tình dục có rất nhiều dạng thức khác nhau, nhưng đa phần là bệnh, như người xưa nói là “bị giời hành”. Tôi nghĩ họ cần được quản lý, chữa trị hơn là bị tấn công, đánh đập. Nhưng, tôi không hiểu vì sao những người lớn ở thế hệ bố mẹ tôi thì luôn nhìn những con người bất hạnh ấy với con mắt cảm thông như những người “bị giời hành” mà những người lớn bây giờ lại không thể nhìn họ với con mắt như thế? Họ thường bị nhìn như những tên tội phạm đáng chết”.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến