Chặt đào: Cái đẹp hữu hạn quá!

ANTD.VN - Quê tôi ở vùng đồi núi. Đến Tết, mọi người chỉ cần ra vườn chặt cành đào đem vào nhà trưng là xong. Thiên nhiên thật độ lượng, năm nào cũng vậy, chẳng nhà nào ở cái thị xã ấy thiếu cành đào.

Đào rừng được chuyển về xuôi bán giờ đây chủ yếu là đào do bà con gây trồng 

Mãi đến năm cuối cấp II, tôi mới biết thế nào là bích đào. Cái sắc đỏ đậm của cánh đào chưa nở hé ra giữa những khe nụ với tôi lúc đó không chỉ đẹp cuốn hút mà còn là biểu trưng cho sự quyền quý. Vì chỉ gia đình quan chức, giàu có mới có người đem bích đào từ Hà Nội về biếu.

Sau này sống ở Thủ đô, đào kép, đào bích ê hề lại thấy quý đào phai. Nhất là cành nào dáng đẹp và cổ thụ một chút - như đem cả trời xuân vào nhà. Âu cũng là cái tật đứng núi này trông núi nọ của con người. Đã gọi là thú chơi mà ai cũng có cả lại thành nhàm. Trong nhà phải có những thứ hiếm hoi mà ai cũng thèm muốn mới tạm yên lòng.

Hẳn đó cũng là tâm lý chung của người thành phố nên những năm gần đây, khi phần đã có của ăn của để, một số người đi tìm đào phai, đào tự nhiên để trưng thay cho đào vườn độc thế khum khum nhàm chán. Đâm ra những người yêu thiên nhiên cây cối cảm thấy nao lòng mỗi khi Xuân sang, chứng kiến những đoàn xe tải chở đào về từ miền núi.

Chỉ biết rằng một góc nhà nào đó bỗng nhiên đẹp lên đồng nghĩa với một góc vườn khác bị xấu đi. Cái đẹp hữu hạn quá, người này được thì có thể nhiều người khác mất.

Trong mắt người thành phố thì cứ đào phai, cánh đơn, cành lá nguều ngào vô tổ chức được quy vào đào rừng hết. Họ tưởng tượng ra những vạt đào rừng bị tàn phá không thương tiếc để phục vụ cho thú chơi vô độ của người thành thị. Nhưng phần nhiều trong số đó cũng là đào bà con trồng được. 

Cơ mà đồ rằng số những người nói không với đào rừng (nhưng lại nhầm đào trồng là đào rừng) cũng sẽ không đủ nhiều để ảnh hưởng đến việc làm ăn của dân buôn đào hay xa xôi hơn là kế sinh nhai trồng đào của bà con miền núi. Mặt khác sự tăng trưởng của ngành kinh doanh đào núi này, hơn ai hết có các… nhiếp ảnh gia chứng thực. Cuối năm, tôi nhận được nhiều lời phàn nàn của họ khi trở lại nơi chụp ảnh xưa chứng kiến những khu rừng/vườn đào vợi đi trông thấy. 

Đỉnh điểm là bức ảnh làm bằng của anh Nguyễn Quang Tuấn - người “nghiện” Hà Giang, năm nào cũng phải lên đó ở chừng một quý mới chịu. Mỏm đá ở bản Lao Xa, Đồng Văn, Hà Giang đã giúp nhiều nhiếp ảnh gia trên cả nước có được những bức ảnh mùa xuân đẹp với sắc đào thắm đỏ tương phản nền đá nhám đen. Mùa xuân nay, toàn bộ sắc đỏ mất hết. Chỉ những vạt hoa cải bị giẫm nát là ở lại.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà

Anh Tuấn kể: “Nơi đây đã từng là cảnh xuân đẹp nhất ở Lao Xa, Đồng Văn hội đủ các yếu tố địa chất, kiến trúc và hoa. Vậy mà hôm qua, thú chơi của một số người lắm tiền đã tàn phá nó như thế này!”. Anh cho hay, những người từ dưới xuôi lên đã nhổ cả gốc đào trong vườn đem đi. Thuận mua vừa bán, chả ai nói được. Đào cũng không phải giống cây quý hiếm cần được bảo vệ gì. 

Chỉ biết rằng một góc nhà nào đó bỗng nhiên đẹp lên đồng nghĩa với một góc vườn khác bị xấu đi. Cái đẹp hữu hạn quá, người này được thì có thể nhiều người khác mất. Trong khi thiên nhiên vốn độ lượng đủ đầy cơ mà? Thì vẫn thế. Cho đến khi con người phát minh ra tiền. Cho nên tôi không thấy thú vị gì khi đọc tin những cây đào mai được bán mua tiền tỉ. Những con số khủng ấy e rằng cũng liên quan tới chỉ số cây xanh trên đầu người đấy. Cái gì càng hiếm thì bị đội giá càng cao thôi. Ở một số nơi, người ta còn bán được cả oxy cơ mà. 

Âu nó cũng là cách nghĩ, cách chơi của cả một dân tộc. Trong khi người Việt muốn bưng cả thiên nhiên vào nhà thì người Nhật dường như coi thiên nhiên đã là nhà. Lễ hội Hanami hàng năm là dịp người Nhật tìm đến bên cả ngàn gốc anh đào trổ hoa để ăn uống, vui chơi. Chắc phải quý các bạn Việt lắm thì họ mới nỡ chặt vài cành anh đào sang cho chúng ta ngắm, trong khi chờ những cây họ tặng chúng ta kịp lớn và trổ hoa.

Thiên nhiên luôn bao dung với điều kiện con người phải biết đủ và biết quý những gì mình có. Sau khi sâm cầm, le le cho đến cò vạc nơi hồ đầm Hà Nội trước đây bị săn bắt cho bằng hết, nay người ta lại đem thiên nga về thả chơi. Tất nhiên chim ngoại đồng nghĩa với tiền triệu, đâm ra lại phải cử người canh gác cả ngày lẫn đêm.

Chưa biết thiên nga được “thuần dưỡng” thế nào để thích nghi với khí hậu cũng như với việc bị biến thành chim cảnh, nhưng dường như văn hóa (thiên về “ẩm thực”) của người Việt chưa thích hợp để dung dưỡng giống chim này. Chắc rằng hết Tết, chim quý nếu chưa mất lại được đem cất đi thôi. Cùng lúc bao nhiêu đào quất từ phòng khách đi thẳng ra bãi rác.

Tin đọc nhiều