Cây xanh hơi thở, bầu trời, máu thịt người Hà Nội

ANTD.VN - Tôi cứ tự hỏi thứ gì làm nên vẻ riêng biệt của Hà Nội. Hà Nội là một đô thị lớn mà vẫn không quá ồn ã, náo nhiệt. Đó là vì những cây xanh, nếu thành phố này không có những cây xanh thì có thể nó sẽ thành một đô thị khô cằn và chán ngắt, chỉ có những khối bê tông cao tầng và xe cộ đông đúc. 

Một Hà thành trù phú cây xanh nhất nước

Hà Nội có một vẻ thanh lịch dịu hiền, một chút mộng mơ lãng mạn mà phần lớn là do cây xanh mang lại. Và khi đi quanh hồ Gươm tôi đã tự hỏi, điều gì đã khiến cho cái hồ này trở lên thơ mộng quyến rũ? Vì lịch sử nghìn năm, vì câu chuyện rùa vàng, vì vị trí trung tâm? Tất nhiên rồi và một điều quan trọng ít ai để ý, đó là vì một quần thể cây xanh đa dạng, phong phú đã làm cho chiếc hồ thêm huyền thoại, quyến rũ.

Hà Nội có nhiều cây xanh, có lẽ là thành phố có nhiều cây xanh nhất nước. Cây xanh có nhiều nhưng tập trung vào một số loại cây đáng chú ý. Đặc trưng nhất cho cây xanh Hà Nội có lẽ là loài sấu. Sấu được trồng nhiều trong thành phố, dù có thể không phải là loài cây có số lượng nhiều nhất nhưng khó có thể hình dung được Hà Nội sẽ ra sao, nếu thiếu những hàng sấu cổ thụ xanh rì cho bóng mát quanh năm.

Những cây sấu lớn nhất của Hà Nội nằm chủ yếu trên những con đường chính và ở khu trung tâm. Nổi tiếng nhất có lẽ là hàng sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng, nơi những cây sấu đầu tiên được người Pháp trồng. Hàng sấu trên phố Phan Đình Phùng đã trở thành kiểu mẫu mực cho cây xanh Hà Nội, tán lá dày xanh mướt, thân cây dai chắc, ít gẫy và mỗi độ cuối mùa hè, khi sấu bắt đầu thay lá thì cả con phố là một khung cảnh đầy lãng mạn như trong các bộ  phim tình yêu thi vị.

Ngoài phố Phan Đình Phùng ra thì sấu còn được trồng trên phố Trần Phú, Trần Hưng Đạo và nhiều nơi khác, tuy vẻ kiêu kì ở những con phố đó thì chưa bằng hàng sấu Phan Đình Phùng nhưng cũng đủ mang một vẻ đặc trưng quyến rũ của đường phố Hà Nội.

Sau sấu đến xà cừ. Dù loài cây này không mấy lãng mạn nhưng được trồng ở Hà Nội khá nhiều. Những cây xà cừ đầu tiên cũng được người Pháp trồng, nhưng sau thấy không thật phù hợp với đường phố Hà Nội vì nhiều dễ ngang, thân cây quá lớn nên đã tạm dừng lại.

Sau năm 1954 không hiểu sao xà cừ được trồng trở lại và nếu tính đến những cây có thân to nhất thì có lẽ không loài nào vượt được xà cừ. Tuy không làm nên vẻ lãng mạn như sấu hay cơm nguội, xà cừ đã có mặt từ lâu ở nhiều tuyến phố lớn và mang bóng mát cùng cảnh quan dịu mát cho đô thị. Những hàng xà cừ nổi tiếng nhất có thể kể đến phố Hoàng Diệu, đường Láng, Bưởi, Hoàng Hoa Thám…

Một loại cây cũng thuộc vào loại nổi tiếng của Hà Nội dù số lượng không nhiều và được trồng ở phạm vi khá hẹp, chủ yếu ở phố Lò Đúc là cây sao đen. Gọi là sao đen vì loài cây này có vẻ sù sì và đen tuyền rất dễ nhận ra khi đứng cạnh các loài cây khác. Cây sao đen có vẻ cường tráng, vâm váp của một loài thân gỗ lớn.

Những cây sao đen ở phố Lò Đúc cao cả mấy chục mét, vượt cả những nhà cao tầng chênh vênh. Thân cây thẳng, đen trùi trũi, ít cành ngang và nói thật khi đứng ở dưới gốc cây mà nhìn lên thì cũng thấy một cảm giác hơi rờn rợn vì độ cao và dáng lừng lững, thẳng đuột của những thân cây cỡ lớn.

Một loài cây chưa thật nổi tiếng ở Hà Nội nhưng đã được trồng nhiều và cho bóng mát tốt là phượng vĩ. Xưa kia phố Lý Thường Kiệt nổi tiểng bởi những cây cơm nguội, mà danh tiếng một phần đến từ bài hát của Trịnh Công Sơn thì bây giờ trên phố Lý Thường Kiệt, cơm nguội (sếu) chỉ còn có vài cây. Thay thế những cây cơm nguội ấy là loài phượng vỹ và muồng được trồng suốt phố.

Vào mùa hè nóng nực, những cây phượng ấy ra hoa đỏ thắm cũng làm xốn xang không ít người, nhất là lứa tuổi học trò. Phượng cũng được trồng nhiều trên đường Thanh Niên, bên bờ sông Tô Lịch đoạn gần với đường Bưởi, những cây hoa mộng mơ đặc trưng cho tuổi học trò ấy đã làm dịu mát phần nào con sông nổi tiếng một thời đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Một loài cây cũng làm cho phố phường thêm thơ mộng vào mỗi mùa hè là những cây điệp vàng. Điệp được trồng nhiều trên các phố Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, đường bờ Hồ Tây… và mỗi khi loài cây này nở hoa vàng rực, phố phường đông kịt xe cộ dường như cũng dịu mát đi được đôi phần.

Một loài cây nữa, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần làm nên sự đặc sắc của cây xanh Hà Nội, đó là những cây sưa cho hoa trắng muốt. Cứ mỗi độ tháng ba, trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Huy Liệu hay trong công viên Bách Thảo, Thống Nhất… những cây sưa lại nở những  bông hoa li ti, trắng muốt đến nao lòng. Đặc biệt một phân chi của loài là sưa đỏ có giá trị kinh tế cao cũng được trồng nhiều ở Hà Nội.

Nổi tiếng nhất có lẽ là quần thể sưa đỏ trên núi Sưa trong công viên Bách Thảo; nhưng mà cũng thương những cây sưa này, vì giá trị kinh tế quá lớn mà người ta phải quấn dây thép gai để bảo vệ và những cây sưa đỏ nhỏ hơn trồng rải rác trên các phố cũng luôn phải canh chừng cẩn mật vì sợ kẻ gian chặt trộm.

Còn một thứ cây nữa của đường phố Hà Nội mà sự yêu ghét gần ngang bằng nhau, đó là cây hoa sữa. Người thích hoa sữa vì màu hoa trắng đục như sữa và hương thơm nồng nàn của nó; người không ưa loài cây này cũng vì cái mùi hoa quá đậm đặc của nó, nhất là vào ban đêm, khi hoa sữa đồng loạt tỏa hương. Cây hoa sữa được trồng nhiều ven hồ Thiền Quang, phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, Trần Duy Hưng…

Nhà văn Uông Triều

Một phần máu thịt người Hà Nội

Cây xanh ở Hà Nội thì rất nhiều, kể mãi không hết. Theo thống kê sơ bộ thì ở thời điểm hiện tại thành phố có khoảng gần 80.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật, trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Nhưng có lẽ hai nơi tập trung nhiều cây xanh và nổi tiếng nhất là vườn Bách Thảo và hồ Gươm.

Vườn Bách Thảo thì có lịch sử trên cả trăm năm, nơi quy tụ rất nhiều loài cây vùng nhiệt đới và khắp mọi nơi đưa về. Có thể tìm thấy những loài cây đặc chủng lâu đời trong công viên như muồng, đa, si, gụ mật, giáng hương… cùng những cây nhập ngoại từ châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, châu Á như tếch, bao báp, xà cừ, rầu rái…

Nói đến cây xanh, không thể không nhắc đến quần thể cây xanh quanh hồ Gươm. Vì vị trí địa lý, lịch sử đặc biệt của mình, cây xanh hồ Gươm dường như cũng thơ mộng và được nhiều người chú ý hơn. Quanh hồ Gươm là một quần thể cây đặc hữu của Hà Nội: sấu, xà cừ, phượng vĩ, đa, si, liễu, muồng, cơm nguội, chẹo, bàng, bằng lăng… Trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến cây gạo trên phố Đinh Tiên Hoàng, cây lộc vừng đại thụ, cây mõ chĩa cành ra mặt hồ… 

Cái điều lạ lùng ở đây có thể kể đến cây gạo bên bờ Hồ, ít ai ngờ rằng loài cây điển hình cho nông thôn Việt Nam lại được trồng ở khu trung tâm thành phố và ở nơi linh thiêng bậc nhất. Tháng ba hoa gạo nở đỏ rực, cũng là lúc cây lộc vừng thay lá vàng rực; mùa xuân hoa mõ tím phất phơ, bằng lăng, phượng vĩ thì đợi mùa hè ra hoa, cơm nguội thay lá cuối thu... Quanh hồ Gươm gần như lúc nào cũng đầy đủ màu sắc, dư vị của hoa lá, cây xanh.

Cây xanh có vị trí thế nào với Hà Nội? Tôi không nói quá rằng nếu không có cây xanh thì Hà Nội chỉ còn một nửa vẻ đẹp của mình; cho nên mỗi khi có sự thay đổi, dịch chuyển cây xanh ở thành phố này thì người ta đều quan tâm chú ý lắm. Âu cũng phải thôi vì cây xanh đã trở thành một phần máu thịt cuộc sống của người Hà Nội, không có cây xanh thì Hà Nội sẽ cứng nhắc, nóng bức, ngột ngạt biết bao. Cây xanh Hà Nội, đó là hơi thở, là bầu trời và không gian sống và phát triển…

Tin đọc nhiều