Câu chuyện trống canh và những chiếc đồng hồ của thành Thăng Long

ANTD.VN - Ngày xưa, khi chưa có đồng hồ, thời gian trong một ngày được tính dựa theo chu trình của mặt trời. Kể từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn được chia thành 12 canh giờ…

Câu chuyện trống canh và những chiếc đồng hồ của thành Thăng Long ảnh 1Cột đồng hồ Hà Nội xưa

1. Canh Tý bắt đầu từ 23h - 1h. Khoảng thời gian nằm giữa (24h) được gọi là chính Tý. Tiếp theo là canh Sửu (1h - 3h), canh Dần (3h - 5h), canh Mão (5h - 7h), canh Thìn (7h - 9h), canh Tỵ (9h - 11h), canh Ngọ từ (11h - 1h), 12h trưa gọi là chính Ngọ, cứ thế cho tới cuối cùng là canh Hợi (21h - 23h). 

Một canh giờ có 12 khắc (1 khắc tương đương 10 phút). Song khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm thì từ canh Tuất (19h - 21h) người ta có thể gọi bằng cái tên khác là canh 1, canh 2 (21h - 23h), canh 3 (23h - 1h), canh 4 (1h - 3h) và canh 5 (3h - 5h). 

Ban đêm, nếu ở các vùng quê vào tuần trăng thì căn cứ vào trăng và tiếng gà gáy là có thể định được giờ. Nhưng những ngày mưa thì đành bó tay. Ở Thăng Long lại khác, có đồng hồ, có trống canh báo giờ. Từ triều Lý, Trần đến Lê, Nguyễn trong hoàng cung đã có đồng hồ nước, đồng hồ cát và đồng hồ mặt trời. Hương Cống Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 - ?), làm quan triều Tây Sơn có bài thơ về trống canh thành Thăng Long bằng chữ Hán: 

Cùng tiếng trời thu pháo trúc xuân

Mênh mang chẳng giống trống lầu canh

Vang hòa chiêng mõ giờ cung cấm

Tan tác gió sương rõ khắc đêm

Tiếng vượt thanh cao kinh tổ nhạn

Âm vang sông Nhị vọng ngư thuyền

Canh tàn gợi chút niềm quê cũ

Lặng đón vầng đông ánh sáng lên

Nguyễn Công Trứ cũng từng nói đến một người Việt chế ra chiếc đồng hồ có dây cót bằng tre, nghĩa là gần như đồng hồ của phương Tây, nhưng có lẽ không ổn vì đồng hồ đâu phải đồ chơi. Dù nhiều chức quan trong triều đã có đồng hồ riêng, nhưng triều đình vẫn duy trì trống canh để các quan vào chầu đúng giờ và dân chúng trong thành biết giờ giấc. Ngoài ra, đồng hồ còn sử dụng cho việc thi hành án tử hình. Trong các bản án chém đầu kẻ phạm tội trọng đều ghi rõ chém vào giờ gì, khắc gì. Vì thế tại nơi thi hành án, quan hành khiển bao giờ cũng cho khiêng ra chiếc đồng hồ. Cứ đúng giờ là trảm. Sở dĩ người xưa phải làm như vậy vì sợ rằng, trảm tội phạm vào giờ xấu thì hắn sẽ thành ma quấy nhiễu người sống. Đồng hồ còn được đặt trước nha môn để dân biết mấy giờ, mấy khắc sẽ được vào đệ đơn trình quan.

2. Sau khi lên ngôi, năm 1802 Nguyễn Ánh chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Huế, hạ cấp Thăng Long xuống Bắc thành rồi sai phá thành cũ xây thành mới nhỏ hơn và cho làm một chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ này chế tạo theo kiểu đồng hồ Hồi giáo mà trước đó quan lại thời Hậu Lê đã dùng nhưng to hơn. Vị trí đặt đồng hồ trông ra đường Nguyễn Tri Phương hiện nay. Lối vào gọi là cổng đồng hồ, có lính canh bên ngoài. Khi gáo đồng rơi xuống đáy bể người trực canh báo cho lính đánh trống biết là canh mấy. Nhưng trống ngày và đêm khác nhau. Canh 1 đánh 1 hồi, canh 2 đánh 2 hồi, canh 5 đánh 5 hồi. Nhưng đến canh Mão lại chỉ đánh 1 tiếng, canh Thìn đánh 2 tiếng và canh Dậu (chuẩn bị chuyển sang canh 1) đánh 7 tiếng. 

Năm 1933, báo Tiếng Dân có bài viết về thân phận lính đánh trống canh xưa: “Người gác đồng hồ do đêm trước nhà có giỗ uống quá chén nên đêm sau trực ngủ quên. Nửa đêm nghe tiếng trống canh giật mình tỉnh dậy vội chạy đến chỗ anh đánh trống hỏi han thì mới vỡ lẽ do làm nghề này quá lâu nên cứ đúng canh 1 người anh ta giật 1 hồi, canh 2 giật 2 hồi, canh 3 giật 3 hồi. Đêm ấy, anh ta thấy người giật, nhưng lại không thấy lính báo giờ chạy sang nên đoán ngủ quên, thế là cứ đánh”.

3. Giữa đồng hồ và truyền giáo chẳng có gì liên quan với nhau, thế nhưng ở đất Thăng Long, đồng hồ giúp các nhà truyền giáo thực hiện được sứ mệnh của họ. Chuyện là đầu thế kỷ XVII, sau mấy năm dọc ngang ở Đàng Trong, giáo sỹ Alexandre de Rhodes (1591-1660) - một trong những người ngoại quốc góp phần sáng tạo ra chữ Việt ngày nay - quyết định ra Đàng Ngoài truyền giáo. Tháng 3-1627, ông được chúa Trịnh Tráng (con trai cả của Trịnh Tùng) khi đó đang mang quân đi đánh Đàng Trong gọi đến gặp ở Ninh Bình. Đánh nhau trở về, ngày 2-6-1627, Trịnh Tráng cho gọi Alexandre de Rhodes vào thành Thăng Long, cho phép ông được giảng đạo. 

Chỉ một khoảng thời gian ngắn, từ Giáng sinh năm 1827 đến lễ Phục sinh (tháng 4) năm 1628 đã có 500 người dân được rửa tội và 20 nhà thờ được xây dựng. Lo ngại trước thành công đó, triều đình quyết định trục xuất Alexandre de Rhodes và đoàn truyền giáo. Tuy nhiên, đoàn truyền giáo  tìm cách lần lữa, họ  ra khỏi Thăng Long sống quanh quẩn ở Phố Hiến và các tỉnh lân cận mà không trở vào Đàng Trong. Họ biết nhiều quan trong triều dùng đồng hồ cát, và khi đồng hồ cát có vấn đề thì họ đành phải chờ thợ triều đình đến sửa. Nhưng thợ thì ít trong khi có quá nhiều đồng hồ hỏng. Các nhà truyền giáo đã học cách làm và sửa loại đồng hồ này vì nó không quá khó. Họ đề xuất lên triều đình và được chấp thuận. Mỗi lần vào thành chữa chỉ mất từ 5 đến 6 tiếng, nhưng họ kéo dài công việc đến 10 - 12 ngày. Trong thời gian đó, họ kiếm cớ đi gặp con chiên và giảng đạo.

Đêm ngày 24 rạng ngày 25-4-1882, trước lúc quân Pháp bắn đại bác đánh thành Hà Nội, dân vẫn còn nghe trống canh. Khi thực dân Pháp chiếm thành, biến thành nơi đóng quân, thì nhiều công trình bị phá bỏ, trong đó có chiếc đồng hồ một thời gian dài gắn bó với người dân Thăng Long.

Tin đọc nhiều