"Bông sen vàng" trên mặt nước hồ Tây

ANTD.VN - Nhìn từ trên phố Yên Phụ xuống, chùa Kim Liên nằm trong rẻo đất bằng phẳng giữa hồ Tây. Và nếu nhìn trong các bức ảnh cũ đen trắng ngày trước, ngôi cổ tự lọt trong một không gian tĩnh lặng êm đềm. Chỉ cần địa thế giữa mênh mang trời nước, chùa Kim Liên đã xứng là một danh thắng cổ tích của đất Kinh kỳ.

Từ huyền sử đến chính sử

Chùa Kim Liên từ xa xưa đã là một thắng cảnh nổi tiếng. Phạm Đình Hổ ca ngợi chùa Kim Liên trong sách “Tang thương ngẫu lục” như sau: “Chùa xoay lưng ra sông Nhị, hồ Tây quanh trước mắt, khói sóng man mác, trời nước một màu, phía bên trái có mấy gò nổi, tháp gạch xây ở trên, khóm trúc, cội tùng phơ phất...”.

Theo dân gian và các truyền thuyết về vùng hồ Tây thì chùa Kim Liên khởi dựng từ thời Lý, chính thờ Công chúa Từ Hoa, con gái Vua Lý Thần Tông. Nếu ta nhớ đến lai lịch Lý Thần Tông thì chú ý ngay đến điều này vì huyền sử cho rằng Lý Thần Tông chính là kiếp sau của thiền sư Từ Đạo Hạnh và vị vua này nổi tiếng là người sùng đạo Phật.

Nhưng theo chính sử thì Vua Lý Thần Tông không có cô công chúa nào tên là Từ Hoa cả. Điều này đặt ra vài giả thuyết. Thứ nhất, theo lệ cũ, nếu nhà vua lấy vợ mà người vợ ấy mắc tội thì con cái không được ghi vào phả hệ. Thứ hai, theo phong tục của dân gian Việt Nam, những người phụ nữ xuất chúng có công với quê hương thường được người dân gọi là “công chúa” dù người ấy có xuất thân thế nào. Chưa rõ, Công chúa Từ Hoa thuộc trường hợp nào nhưng người dân vùng Nghi Tàm tôn vinh bà là tổ nghề nuôi tằm, dệt lụa.

Tổ nghề là người truyền dạy trực tiếp một nghề nào đó và vì vậy có thể tin rằng Công chúa Từ Hoa là một nhân vật có thật và đã từng ở vùng Nghi Tàm. Chùa được xây dựng ngay trên nền cung điện của Công chúa Từ Hoa. Thời Trần chùa mang tên Đống Long, sang thời Lê mang tên Đại Bi, đến năm 1771 đời Lê Cảnh Hưng chùa mới mang tên Kim Liên.

Chùa Kim Liên xưa êm đềm trên mặt nước hồ Tây

Chúa Trịnh Sâm là người có công lớn trong việc xây dựng chùa. Trịnh Sâm đã yêu cầu dỡ chùa Bảo Lâm phía Tây kinh thành để tu bổ chùa Kim Liên, từ đó chùa có vị thế mới và trở thành một danh lam cổ tích của Kinh thành. Việc lấy gỗ của chùa này đem xây chùa khác nhìn qua chỉ là hiện tượng vật lý đơn thuần nhưng  suy ngẫm thì đó là một điều rất chú ý. Không phải ngôi chùa nào cũng có vị thế ngang bằng nhau. Một ngôi chùa có thể bỗng nhiên giảm vị thế, một chùa khác trở lên nguy nga và có vị thế quan trọng hơn. Có thể lý giải điều này vì chùa Kim Liên nằm trên hồ Tây, rất gần với hành cung của Chúa Trịnh và có thể vì thế mà nhà chúa được ưu ái hơn?

Năm 1771, Chúa Trịnh Sâm cho trùng tu, sửa chữa lớn nhưng diện mạo chùa  như hiện nay thì hình thành từ thời Vua Quang Trung. Nguyễn Huệ làm vua một thời gian ngắn nhưng chính sách về tôn giáo của ông rất rõ ràng. Những nơi quá nhiều chùa đều phải giảm bớt nhưng Kim Liên có diện mạo nguy nga thời Tây Sơn thì chứng tỏ chùa được nhà Tây Sơn rất coi trọng.

Kiến trúc gỗ trong chùa Kim Liên được coi là một trong những di tích quý của Hà Nội

Độc đáo hệ thống tượng thờ và tấm bia đá cổ nhất Hà Nội

Chùa Kim Liên có kiến trúc gần giống chùa Thầy. Chùa có kiến trúc hình chữ Tam, gồm 3 chùa: Hạ, Trung và Thượng xây liền nhau. Điều đặc biệt là hướng của 3 ngôi chùa rất độc đáo. Chùa Hạ, chùa Trung quay về hướng tây trong khi chùa Thượng quay về hướng đông. Tôi đến thăm chùa một buổi chiều tĩnh mịch. Ánh hoàng hôn như những chiếc đèn chiếu tự nhiên soi qua ô cửa hình tròn “sắc sắc không không” làm không gian chùa thêm huyền hoặc. Nhìn ngắm hệ thống kiến trúc gỗ trong chùa thì hiểu vì sao chùa được coi là một trong những di tích quý của Hà Nội.

Các cột gỗ ngang dọc từng lớp xếp chồng lên nhau được chạm trổ công phu, hình chạm khắc chủ yếu là hổ phù, rồng cách điệu, lá và hoa sen, mây vờn…Về hệ thống tượng thờ, chùa có  40 pho tượng và có nhiều pho rất đặc biệt. Gây nhiều tranh cãi nhất là pho tượng được cho là Chúa Trịnh Sâm đặt ở chùa Thượng. Đây là pho tượng tạc người đàn ông mặc áo cà sa có 3 chòm râu, tay cầm hốt, đầu đội mũ miện.

Người theo thuyết cho là tượng Trịnh Sâm lý giải rằng. Trịnh Sâm có công xây chùa nên người ta dựng tượng ông ta. Thuyết khác cho rằng đây là chỉ là tượng nhà sư, người từng là nội thị trong phủ chúa. Họ lý giải thêm rằng vì nếu là tượng Trịnh Sâm thì pho tượng phải có kích cỡ lớn hơn để tương xứng với quyền thế của ông ta, nhà chúa không thể đứng dưới mặt đất và  trong trang phục giản dị như thế được. Vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo về pho tượng này nhưng về mặt hình thể, đó là một pho tượng tạc một người đàn ông có khuôn mặt phương phi, quyền quý, nhiều nét thực giống với nguyên mẫu ngoài đời.

Một pho  tượng khá thú vị nữa là tượng hầu nhân ở chùa Hạ. Đó là một tượng gỗ tạc một hầu nhân mặc quần áo ngồi trên một tảng đá. Căn cứ theo hình dạng thì pho tượng này chỉ có thể là “vua khỉ” và dân gian quen gọi là tượng Tôn Ngộ Không. Tại sao tượng Tôn Ngộ Không lại có mặt ở chùa là một câu hỏi chưa có lời giải đáp cụ thể. Pho tượng đã hơi rạn lớp sơn vì thời gian nhưng hầu nhân thì trong một dáng vẻ rất sinh động, đúng tính cách của mình.

Nhà văn Uông Triều

Chùa Kim Liên có lẽ vì liên quan tới hoàng tộc nên kiểu cách gần giống kiến trúc cung đình với toà ngang dãy dọc. Dãy nhà bên phải chùa, hành lang được chống đỡ bằng những cột hình vuông nhưng dãy bên trái là những cột hình tròn. Dãy nhà tổ thì kết hợp cả cột vuông và cột tròn. Đây là một điểm cố ý của người xây chùa, để tạo sự đa dạng hay có một ẩn ý nào khác? Một điểm giá trị nữa của chùa Kim Liên là nơi này sở hữu tấm bia đá cổ nhất ở Hà Nội. Bia đá có niên đại 1445, thời Vua Lê Nhân Tông, dù những chữ trên bia khắc theo thời gian đã mờ gần hết. 

Mái tam quan chùa cũng là một kiến trúc đẹp. Mặc dù mới được dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng tam quan chùa cầu kỳ, tinh tế. Hệ thống mái gỗ hai tầng, chạm nổi những hoa văn hình rồng rất tinh xảo. Vể tổng thể, tam quan chùa như một đài sen nổi trên mặt nước hồ Tây.

Một danh thắng của đất Kinh kỳ, cùng với lịch sử lâu đời hòa cùng không gian thơ mộng và kiến trúc đặc sắc, Kim Liên quả thực là một “bông sen vàng” giữa mặt hồ Tây mênh mang.

Tin đọc nhiều