Bình an có giá bao nhiêu?

ANTD.VN - Ngày trước, tôi luôn có một cảm giác rất kỳ lạ, thấy mình như đang sống giữa những thế giới song song khi đồng thời thấy mọi người rủ nhau lên chùa dâng sao giải hạn, rồi lại thấy mọi người thở dài nói chuyện khi chứng kiến cảnh tắc đường vì dâng sao.

Bình an có giá bao nhiêu? ảnh 1Hàng nghìn người ngồi giữa lòng đường, lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh- Hà Nội. Ảnh: LAM THANH

Ban đầu, tôi không thể hiểu vì sao lại có sự mâu thuẫn đó. Nhưng rồi, có lần tôi đã từng theo bạn bè vào chùa Hương dâng sao giải hạn. Năm đó, tôi không nhớ là mình gặp sao gì, hình như sao gì cũng có hạn thì phải. Tôi vào chùa, thuần túy vì ham vui, như tham dự một cuộc đi chơi nhân ngày rộng tháng dài. 

Ngồi giữa sân Thiên Trù đêm xuân sương lạnh là hàng ngàn con người với vẻ mặt đầy nhẫn nại nghe một ông thầy đọc những cái tên, những dòng địa chỉ ê a. Sau mỗi câu, lại có người đứng dậy, hỉ hả vì đã trút đi được lo âu. Lúc đó tôi chợt nhận ra, người ta đi dâng sao giải hạn không phải vì tất cả đều tin vào quyền phép của các thầy chùa. Họ chỉ kiếm tìm một cảm giác về sự bình an thông qua một nghi thức tôn giáo mà thôi, một nghi thức dễ dàng, thuận tiện. Nếu việc dâng sao giải hạn trở nên khó khăn và tốn kém, tôi tin rằng sẽ chỉ còn rất ít người đi. 

Rất nhiều người quen của tôi vẫn lên chùa dâng sao giải hạn hàng năm, dù bản thân họ biết rằng nghi thức tôn giáo đó vốn không phải xuất phát từ đạo Phật, bản thân họ cũng không phải Phật tử. Nhưng điều đó có hề chi khi người ta coi đó mang lại sự vui vẻ, như đi hội đầu năm ở bất cứ ngôi làng nào họ biết, như đến nhà thờ chen nhau đêm Noel dù không biết đến một dòng kinh? Chẳng phải vẫn có từ lợi lạc hay sao? Chẳng phải khởi thủy niềm tin của mọi tôn giáo đều là sự hám lợi của con người hay sao? Chẳng phải những cư dân vùng đầm lầy nhiệt đới thờ thần rắn, ngư dân duyên hải thờ cá voi đều với mong muốn được chở che, được nương nhờ, ưu ái hay sao?

Những giá trị lợi ích khác nhau của con người trên thế gian tạo ra những niềm tin tôn giáo khác nhau. “Người cao sang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường” giá trị sống của một cộng đồng sẽ quyết định bộ mặt của tôn giáo mà họ theo đuổi.

Chúng ta đang mơ ước điều gì? Nếu chúng ta tin tưởng vào Phật giáo, hay Thiên chúa, chúng ta tìm tới chùa chiền, tới nhà thờ để bày tỏ điều mong ước của mình qua những lời cầu khấn. Những lời cầu khấn đó có thể đến tai đức Phật, đức Chúa, hoặc không. Nhưng nó sẽ đến tai những thầy tu trong vai trò cầu nối, những người được cho là có sứ mệnh phổ biến tôn giáo tới chúng sinh.

Nếu những điều chúng ta cầu khấn là sự an lạc của tâm hồn, các thầy tu sẽ cố gắng để chúng ta nhìn thấy điều đó. Nếu chúng ta muốn được giải tỏa âu lo về vận hạn, các thầy tu sẽ dâng sao giải hạn. Vậy thôi!

Chúng ta muốn gì thông qua những lời cầu khấn, các thầy tu sẽ cố gắng đáp ứng mong muốn đó của chúng ta trong khả năng của họ, như một cách để hoằng dương đạo pháp. Chúng ta muốn gặp được những sự lành mà không cần ở hiền, chúng ta muốn hái quả ngọt mà không cần phải gieo nhân tốt thì chúng ta phải bỏ tiền ra mua. Rất may, ở thời hiện tại này, một số chùa đã cung cấp dịch vụ đó, và giá của một lần dâng sao giải hạn cho mỗi người hình như cũng chỉ bằng một tấm vé xem phim. 

Dâng sao giải hạn, vì thế, đơn giản là mua một cảm giác bình an cho cả nhà với giá vài trăm nghìn. Và vì rẻ nên cảm giác bình an ấy thật giả thế nào cũng không phải vấn đề gì quá lớn!

Dâng sao giải hạn, vì thế, đơn giản là mua một cảm giác bình an với giá vài trăm nghìn. Và vì rẻ nên cảm giác bình an ấy thật giả thế nào cũng không phải vấn đề gì quá lớn!