Bến Nứa một thời

ANTD.VN - Khoảng năm 1919,1920 thế kỷ trước, 4 chiếc xe buýt hiệu General Motors (của Mỹ) xuất hiện tại Hà Nội. 

Bến Nứa nằm cách chân cầu Long Biên khoảng 100m kéo dài đến đầu phố Hàng Than, một chiều giáp với mặt phố Yên Phụ, còn chiều kia bám sát vào chân đê sông Hồng

Đây là những chiếc xe buýt đầu tiên ở Hà Nội. Xe có hai hàng ghế băng sát vào thành chở được khoảng 20 khách. Nơi đón trả khách chính là bến Cột Đồng hồ ở phố Trần Nhật Duật. Đây là bến xe khách đầu tiên ở Hà Nội. Bến đơn giản đến sơ sài, có gian nhà nhỏ làm nơi điều hành, sân để xe đỗ rải đá răm.

Năm 1902, cầu Long Biên hoàn thành, ở giữa là đường xe lửa hai bên là đường dành cho ô tô con, các phương tiện xe thô sơ và người đi bộ. Vì đường hẹp nên 4 chiếc xe chở khách đi Hưng Yên không thể đi được trên cầu phải qua sông bằng phà. Năm 1924, việc mở rộng đường hai bên cầu hoàn thành và xe khách xuất phát từ bến Cột Đồng hồ không phải qua phà nữa. Năm 1925, số đầu xe chở khách tăng nhanh, bến Cột Đồng hồ trở nên chật trội nên chính quyền thành phố quyết định lập bến mới ở bến Nứa, nơi chuyên bán tre, nứa, lá gần cầu Long Biên, được đặt tên là bến Nứa. Bến rất gần đường lên cầu, thuận tiện cho xe khách đi các tỉnh phía Đông và Đông Bắc. Bến có 2 cửa cho xe ra vào.

Bến Nứa hình thang, đầu bến cách chân cầu Long Biên khoảng 100m kéo dài đến đầu phố Hàng Than, một chiều giáp với mặt phố Yên Phụ, còn chiều kia bám sát vào chân đê sông Hồng. Phòng bán vé khang trang trông ra đầu phố Hàng Đậu. Ba hãng xăng là Shell, Socony và Texaco (của Mỹ) được phép mở điểm bán xăng tại bến. Vì Texaco dành được quyền tài trợ nên trên nóc  nhà bán vé có cột  hình vuông trên gắn logo và chữ Texaco. Bến có nhà vệ sinh, có nhân viên quét dọn và dội nước hàng ngày.

Vì khách từ Hải Phòng, Hải Dương về Hà Nội chủ yếu đi tàu hỏa nên thời gian đầu bến Nứa chỉ có xe đi Hưng Yên, Sơn Tây; tuyến ngắn có xe đi Chèm. Khách chủ yếu là người buôn bán và các chức dịch nông thôn đi Hà Nội mua sắm hàng hóa. Từ những năm 1930, bến có xe đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương nên ồn ào từ sáng cho đến tối. Khách mua vé của hãng nào thì nhân viên đón khách của hãng đó đưa ra tận xe, cất đồ đạc cẩn thận, các hãng cạnh tranh bằng sự tận tình với hành khách.  

Để thuận tiện cho khách, quản lý bến xe cho người bán cơm gánh, hàng quà, quán nước chè chén được ngồi trong bến mà không phải trả tiền nhưng phải giữ vệ sinh. Len lỏi trong đám hành khách chờ xe là những đứa trẻ tay xách ấm nước chè và điếu cày mời chào. Tiếng điếu cày kêu từ sáng cho đến tối. Ở bến Nứa có một người luôn được cánh lái xe, bà bán cơm, chị bán nước lấy làm gương giáo dục con, đó là ông Lê Hữu Luân.

Ban đầu, ông Luân làm nhân viên đứng đón khách ở bến cho nhà xe Bảo Ký, thấy ông nhanh nhẹn và chăm chỉ, tính tình trung thực nên ông chủ Bảo Ký cất nhắc lên làm phụ xe sau đó cho đi học lái. Nhờ tiêu pha tằn tiện, ông Luân mua được chiếc xe cũ rồi tự chạy và dần dần bứt lên làm chủ hãng xe khách Con Thỏ với 29 chiếc.  

Sau năm 1954, bến thuộc quản lý của Nhà nước được đổi tên thành Long Biên nhưng người dân vẫn gọi là bến Nứa. Trước nhu cầu sử dụng xe khách ngày càng tăng nên Nhà nước cho xây một nhà lớn vừa là nhà chờ, vừa là chỗ bán vé. Cửa bán vé là một ô vuông nhỏ còn chỗ xếp hàng mua vé có hàng rào sắt để không ai có thể chen ngang. Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc, dân Hà Nội sơ tán về các vùng quê, bến Nứa cũng như bến Kim Liên, Kim Mã ngày thứ bảy, ngày lễ luôn đông đúc vì cha mẹ đi thăm con cái.

Bến cũng là nơi các cô gái tiễn người yêu trở lại đơn vị, áo xanh của lính bên cạnh màu áo nâu của cô gái với hai bím tóc hai bên là hình ảnh quen thuộc trong những năm chiến tranh. Mỹ ném bom Hà Nội, cầu Long Biên thành mục tiêu trọng điểm đánh phá, bến Nứa cũng nằm trong bán kính nguy hiểm, vì thế bến chỉ hoạt động từ 3 giờ  đến 7 giờ là tạm ngừng. Bến vắng lặng, không còn bà bán quà, không còn con trẻ bán nước, mấy ông mù tẩm quất ban đêm ở bến cũng tìm nơi khác hành nghề. Cầu Long Biên cũng im tiếng xe, tiếng tàu, chỉ có vài ba người cố đạp xe thật nhanh qua cầu để tránh nguy hiểm. Thực trạng ấy kéo dài cho đến tháng 3-1968 khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ Thanh Hóa trở ra và ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. 

Năm 1973, bến có khoảng 20 tuyến đi các huyện ngoại thành và một số huyện đông dân cư thuộc các tỉnh gần Hà Nội gồm: Đông Anh, Phổ Yên, Đại Độ, Xuân Hòa, Bắc Ninh, Mẹt, Sặt, Gia Lương, Thiên Thai. Bến cũng có 9 tuyến xe liên tỉnh đi Việt Trì, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Hòn Gai (Quảng Ninh). Đoàn xe Long Biên của Công ty xe khách Thống Nhất đặt văn phòng tại đây vì đoàn có nhiều xe chạy liên tỉnh và các vùng kế cận. Trong suốt thập niên 1970 và 1980, bến Nứa luôn đông đúc tới nhộn nhạo vì số lượng khách thông qua bến đi các tỉnh  rất lớn. Dịp nghỉ lễ, Tết, bến càng đông đúc, lượng khách có năm lên đến hàng vạn người trong khi đầu xe có hạn nên ban đêm nhiều người phải ngủ lại bến. 

Bến Nứa - một bến xe mà cái gì cũng cũ cũ, tầm tầm, ám ảnh nay đã không còn, vì năm 1987, Hà Nội quyết định chuyển bến Long Biên sang Gia Lâm. Bây giờ bến xe khách xưa trở thành bến xe buýt Long Biên hiện đại và khang trang.

Tin đọc nhiều