Bảo vệ di sản ký ức - linh hồn Hà Nội

ANTD.VN -  Hà Nội - không chỉ đơn giản nói yêu. Khó diễn đạt chính xác tình cảm dành cho thành phố cổ kính này trong 1 từ, nhưng chắc chắn có yêu thương. Thủ đô tuổi 1.008 chứa đựng trong nó nhiều di sản, tựu thành văn hóa Thăng Long đang bị thất tán, biến dạng.

Độc đáo lễ hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội)

Hà Nội nhận được nhiều tình yêu, không chỉ từ những người được sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt đời như tôi mà còn có người nơi khác, người xa xứ, bạn bè quốc tế. Có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Văn hóa là những gì còn lại khi tất cả đã qua đi”. Di sản là một phần quan trọng của văn hóa. Thăng Long - Hà Nội là đô thị cổ nhất Việt Nam, một trong các thành phố lâu đời nhất của châu Á.

Số tuổi 1.008 của Hà Nội hôm nay nói lên điều gì? Một thành phố “già”, chưa hẳn đã mang vẻ cổ kính thuần chất với đặc thù cổ kính. Lời nhận định “vừa cổ kính, vừa hiện đại”, “vừa truyền thống, cổ truyền, vừa đổi mới, tiên tiến”, một cách nào đó chỉ là tự an ủi, ngụy biện cho hiện thực xây dựng ngổn ngang lai tạp lẫn kiến trúc thượng tầng nhiều bất ổn.

Nhận dạng 1.793 di sản phi vật thể của Hà Nội

Văn hóa, trong nội hàm sâu, rộng của nó là trầm tích của đời sống xã hội kết tinh qua lịch sử, có dấu ấn thời đại. Rất nhiều cảm thán về văn hóa ứng xử xuống cấp, văn hóa đọc suy giảm, văn hóa nói chung bị xô lệch, biến tướng, thất thoát. Chiếu sang di sản cũng chịu tình trạng ấy.

Di sản là một trong các từ được nhắc đến với tần suất nhiều nhất những năm gần đây. Những tiếng kêu cứu, cảnh báo, nhắc nhở đến báo động. Di sản vật thể còn xác định được bằng thị giác, với bất cứ ai, nhưng di sản phi vật thể thì cần có chuyên môn, lưu tâm, điều tra kết hợp sưu tầm, tập hợp.

Di sản văn hóa phi vật thể được khởi đầu nghiên cứu từ nhà dân tộc học đầu tiên của nước ta - GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975). Cựu Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Tiến sĩ Tây học (ông du học Paris từ năm 1926-1935), đã dày công nghiên cứu, phân tích các phong tục, lễ tết, hội hè ở Việt Nam, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne và luận án này được xuất bản tại Pháp. Sách của ông  được tái bản, ra mắt tại Trung tâm Văn hóa Pháp cuối năm ngoái, ngày 21-12-2017.

Kế tục hiển danh người cha - một học giả kiệt xuất, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng dốc cả đời tâm huyết nghiên cứu dân tộc học mảng di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa ra đời, Giám đốc là TS Lê Thị Minh Lý (nguyên Phó Cục trưởng Cục di sản), TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc. Theo TS Nguyễn Văn Huy, TS Lê Thị Minh Lý là “trùm” về mảng nghiên cứu di sản phi vật thể, bà từng đi nhiều nước để chuẩn bị cho các di sản Việt Nam được công nhận.

Di sản phi vật thể được chia làm 6 loại hình: Các lễ hội; Phong tục tập quán và trò chơi dân gian; Các nghề thủ công; Trình diễn nghệ thuật dân gian (xòe, múa, hát); Truyền khẩu (truyền thuyết, ca dao tục ngữ, thành ngữ, tiếng lóng); Kiến thức, tri thức dân gian (chữa bệnh, sản xuất, kinh nghiệm canh tác). Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, di sản phi vật thể trong dân gian khó kiểm kê, đong đếm toàn vẹn. Tri thức của các dân tộc phong phú, đa dạng theo thổ ngơi, khí hậu, tập quán mỗi dân tộc.

Con người là người nắm giữ di sản. Nghệ nhân được coi là “di sản sống”. Kết quả cật lực nghiên cứu 3 năm của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện dự án của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thật đáng phấn khởi. PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định, đây là dự án được Sở đầu tư nghiêm túc cả về kinh phí lẫn con người.

Sau 3 năm lao động của gần 20 người, trong đó phía Trung tâm đóng góp 10 người, cuối năm 2017 đã thống kê được 1.793 di sản phi vật thể của Hà Nội được nhận dạng kiểm kê, bước đầu tư liệu hóa. Việc tổng điều tra, nhận diện đã tập hợp, điểm danh được nhiều di sản quý của đất thiêng Thăng Long. 

Cụ thể số lượng di sản của 6 loại hình như sau: “Ngữ văn dân gian truyền khẩu” (ví dụ tiếng lóng đa chất của thơ đóng cối xay và những người giỏi ca dao tục ngữ): 133 di sản; “Nghệ thuật trình diễn dân gian”: 79 di sản; “Tập quán xã hội, tín ngưỡng”: 213 di sản; “Lễ hội truyền thống”: 1.206 di sản; “Nghề thủ công truyền thống”: 175 di sản; “Tri thức dân gian”: 106 di sản.

Trong số này, có 276 di sản được đưa vào danh mục di sản phi vật thể cần được ưu tiên bảo vệ. Hà Nội có 4 di sản: Hội Gióng (đền Phù Đổng ở huyện Gia Lâm vào ngày 6 đến 9 tháng tư âm lịch và đền Sóc ở xã Phù Ninh, Sóc Sơn vào ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch); kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên); kéo mỏ ở hội đền Vua Bà (Sóc Sơn).

Sáu di sản phi vật thể của Hà Nội thuộc di sản quốc gia: Hội làng Lệ Mật (quận Long Biên), Hội Bình Đà (Thanh Oai) thờ Kinh Dương Vương, Hội đền Và (thờ Tản Viên Sơn Thánh) ở Sơn Tây, Hội Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng) ở Phúc Thọ, Hội Đền Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Nghệ thuật hát và múa Ải Lao (diễn ra trong hội Gióng - Gia Lâm).

Hà Nội phố cổ trước kia có phường tranh hàng Trống, nay phố đã mất, nên không đưa vào di sản, chỉ nghề vẽ truyền thần được ghi nhận. Về ẩm thực Hà thành có nghề làm bánh cuốn, làm tương ở Đường Lâm. Về tri thức dân gian, có người Dao Ba Vì chữa bệnh bằng thuốc lá.

Hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Giữ lấy ký ức tâm hồn

Hà Nội với biểu tượng Khuê Văn Các (gác văn chương) là một thành phố văn hiến. Bảo vệ gìn giữ, phát huy giá trị di sản là bảo vệ nền văn hiến quý giá ấy. Di sản thuộc về chốn địa linh, linh hồn của thành phố, ký ức của trái tim của đất  nước. Người ta không thể đi đến tương lai nếu lãng quên quá khứ, thờ ơ với ký ức. Còn lại gì khi văn hóa nghèo nàn, lai căng? Di sản không phải dĩ vãng, vô nghĩa trước những tư duy ăn xổi thực dụng. Đó là kho báu, thậm chí là báu vật vô giá của mỗi quốc gia. Không có di sản, tập đại thành văn hóa, phần hồn dân tộc sẽ ra sao?!

Tôi nhớ, một nhà điện ảnh Thụy Điển đã phát biểu trước buổi chiếu phim Thụy Điển trong Liên hoan phim châu Âu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 87 Láng Hạ Hà Nội: “Mời các bạn xem bộ phim đặc sắc mới sản xuất của đất nước chúng tôi. Điện ảnh là tấm gương văn hóa của mỗi quốc gia”. Điện ảnh, bằng ngôn ngữ hình ảnh, là nghệ thuật đại chúng có sức ảnh hưởng lớn. Văn hóa hiện ra qua “tấm gương” trên màn ảnh rộng là những gì có thể thấy.

Nhà thơ Vi Thùy Linh 

Còn những gì không thể nhìn bằng mắt, phải cảm nhận bằng các giác quan khác thì không chỉ điện ảnh mà cần các loại hình nghệ thuật khác cùng thể hiện. Những tác phẩm kinh điển của điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, nhất là văn chương, đều được coi là di sản. Theo quy luật vận hành của xã hội, lịch sử nhân loại, di sản sẽ tăng lên khi con người nỗ lực xây dựng, bảo vệ nó. Bộ phim nào, bao nhiêu tập, đủ ghi lại hết các di sản vật thể và di sản phi vật thể của Hà Nội trước khi một số không nhỏ trong đó bị mai một, tiêu biến?

Tôi đã yêu, ngưỡng mộ Paris từ khi chưa đến. Khi được sống tại Paris nhiều tháng trong những lần đến đây, tôi càng thêm say mê kinh đô ánh sáng đẹp bậc nhất hành tinh này, nơi mà mỗi centimet đều như di sản, đều chứa đựng một câu chuyện, một kỷ niệm; mỗi con phố đều có chi tiết trong văn chương, hội họa, là di tích gắn với văn hóa, nghệ thuật, lịch sử.

Hà Nội có thể coi là thành phố di sản như Paris. Nhưng chắc chắn sẽ chúng ta mãi mãi không thể bảo vệ, nâng niu di sản như cách mà Paris và nước Pháp đã làm. So sánh và mong ước thế này, quả là không tưởng! Nhưng lẽ nào lại không dám liên tưởng, so sánh một lần, nhất là bởi lòng thương xót, mỏi mong.

Bảo vệ di sản ký ức - linh hồn Hà Nội, quê hương hay đất nước chính là gìn giữ, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta, tâm hồn dân tộc mình.

Tin đọc nhiều