Bánh mỳ Hà Nội xưa

ANTD.VN - Bánh mỳ xuất hiện ở Hà Nội muộn hơn Sài Gòn. Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất với Pháp, cho  phép 100 lính Pháp đóng quân ở Đồn Thủy (tương ứng với khu vực từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay). Điều đó cũng có nghĩa là bánh mỳ đã có mặt tại Hà Nội trong năm này vì đó là món ăn không thể thiếu đối với người Pháp. Nó giống như cơm của người Việt. 

Bánh mỳ đã xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1883

Năm 1883, bánh mỳ đã xuất hiện ở trên các con phố Hà Nội, đáp ứng nhu cầu cho gần 500 người Pháp gồm: vợ con sỹ quan, binh lính, công chức và những người từ Pháp qua sinh sống và làm ăn. Chủ lò bánh mỳ là ông Camin - một lính Pháp về hưu - có cửa hàng ở phố Hàng Khảm (năm 1886 đổi thành phố Paul Bert và nay là phố Tràng Tiền). Ngoài bán lẻ, lò bánh của Camin còn cung cấp  cho mấy hàng ăn kiểu Pháp cũng ở phố này.

Năm 1894, báo Tương Lai Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin) đưa tin: “Ông Becker - một chủ lò bánh mì chuyên nghiệp - sắp tới kinh doanh ở Hà Nội. Vậy là dân Hà Nội sắp được ăn bánh sừng bò và bánh xốp như ở Paris vậy”. Đọc dòng tin đó ông Camin tự ái, họ quảng cáo thế có nghĩa coi ông là dân làm bánh mỳ nghiệp dư. Và Camin đã gửi đến tòa soạn mẫu bánh của mình như muốn chứng minh chất lượng bánh do mình sản xuất rất tốt. 

Năm 1901 đã có 1.000 người Pháp sinh sống và làm ăn ở Hà Nội, lại thêm khách du lịch châu Âu sang nên một lò bánh mỳ nữa ra đời. Họ mở cửa hàng khá lớn trên phố Paul Bert lấy tên là Chaffangeon. Ngoài các loại bánh truyền thống, họ  còn sản xuất các loại bánh có bơ và đường như: croissant (sừng bò), brioche (bánh vành khăn)…

Bánh mỳ thì phải làm bằng bột mỳ, nhưng dân chúng Hà Nội khi đó không gọi là bánh mỳ mà gọi là bánh Tây. Sở dĩ họ gọi như thế vì nước Pháp nằm ở phương Tây. Không chỉ bánh mỳ, khá nhiều sản phẩm xuất xứ từ nước Pháp đều kèm theo chữ Tây ở phía sau. Ví dụ thuốc chữa bệnh gọi là thuốc Tây, nhà xây theo kiểu Pháp gọi là nhà Tây, quần Âu cho đàn ông gọi là quần Tây, đồ ăn Pháp gọi là cơm Tây…

Tuy nhiên trong nhiều năm, bánh mỳ ở Hà Nội vẫn chỉ dành cho người Pháp và Hoa kiều vì quà sáng của người Việt là phở, bún, bánh cuốn, xôi... Thế nhưng, số người ăn sáng bằng bánh mỳ kẹp pa tê, xúc xích, pho mát… và cơm Tây tăng lên trong thập niên 1930. Nguyên nhân là số người đi du học ở Pháp về tăng lên và công chức các sở thấy ăn sáng bằng bánh mỳ cũng tiện.

Nhận thấy số người Việt ăn bánh mỳ tăng lên, một số người Việt đã đầu tư mở xưởng sản xuất và họ đã thành công như bánh mì Gia Long có cửa hàng ở góc phố Bà Triệu - Hai Bà Trưng (thời Nguyễn gọi là phố Hàng Giò, sau đổi thành Gia Long và nay là Bà Triệu), bánh mì Tạ Văn Phồn… cung cấp cho tất cả các cửa hàng bán đồ ăn sáng. Bánh mỳ ở Hà Nội có đủ các kiểu tròn, dài, vuông, chữ nhật… với nhiều trọng lượng khác nhau, từ 100g, 150g cho đến 250g.

Ngoài  ăn kèm với pa tê, pho mát, xúc xích, giăm bông… theo kiểu truyền thống của người Pháp thì từ những thập niên 30 người Hà Nội đã ăn bánh mỳ với giò, chả, xíu mại… Trong cuốn “Bắc Kỳ - Phong cảnh và ấn tượng” của nữ văn sỹ Pháp Hilda Armhold có đoạn viết về  tiếng rao bánh mỳ và bánh giò trong đêm khuya ở Hà Nội cuối những năm 1930: “Những người bán bánh mỳ thường đi qua các tụ điểm đánh bạc đêm của người Hoa. Họ ủ bánh trong tấm vải cũ kỹ để những chiếc bánh luôn giòn. Họ bán bánh mỳ kèm với  giò lụa”.

Thập niên 1940 còn thêm bánh mỳ với thịt bò nấu ragu (thịt bò nấu với khoai tây, cà rốt, hành tây, cà chua...) và bánh mỳ kẹp bánh tôm rưới nước mắm dấm. Nhưng có lẽ món bánh mỳ bít tết là phù hợp nhất với người Việt hơn cả. Trong cuốn “Le Vieux Tonkin” (Bắc Kỳ xưa) đã kể về các gia đình trung lưu Hà Nội thường đưa gia đình đi ăn cơm Tây (tức là ăn bánh mỳ bít tết).

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến đầu năm 1954, ngoài các quán bán bánh mỳ cố định thì Hà Nội cũng xuất hiện nhiều người đẩy xe bán cà phê nên người ta gọi là cà phê xe đẩy. Ngoài cà phê, họ còn bán bánh mỳ kẹp xúc xích, giăm bông, bơ. Đông khách nhất là cà phê của Nguyễn Văn Lâm (sau này gọi là Lâm “toét”) bán ở vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Một người khác bán bánh mỳ bít tết hè phố rất ngon là ông Lợi.

Những chiếc bàn và ghế con con dọc vỉa hè phố Hai Bà Trưng lúc nào cũng kín chỗ. Có thời gian ông chuyển sang phố Tôn Đản. Ông Lợi chuyên bán bít tết thịt bò ăn với bánh mì vào buổi sáng. Cho đến ngày nay, con cháu ông vẫn nối nghề bán bít tết ở phố Hàng Buồm  trở thành nơi hội tụ của những người Hà Nội sành ăn.

Trong chiến tranh chống Mỹ, cha mẹ đi thăm con cái sơ tán ở các vùng quê không thể thiếu bánh mỳ làm quà cho chủ nhà thay cho lời cảm ơn. Năm 1973, không hiểu vì lý do gì ngành lương thực cấp cho mỗi gia đình khu vực nội đô một sổ bánh mỳ. Tùy theo nhân khẩu, họ quy định mỗi tháng 1 gia đình phải ăn một số lượng bánh mỳ nhất định. May mắn là chuyện đó chỉ kéo dài trong vài tháng.

Bánh mỳ không phải xuất xứ từ Việt Nam, nhưng ở Mỹ, cái tên “bánh mỳ Việt Nam” đã trở thành quen thuộc khi người Việt đã nghĩ ra bánh mỳ kẹp thịt, dưa chuột, cà chua, ớt... rất dễ ăn và thuận tiện. 

Tin đọc nhiều