Ái ân ở phố

ANTD.VN - Một cặp đôi vào rạp chiếu phim, nhưng thay vì xem phim họ lại “trình diễn” một màn ái ân ngay trên chiếc ghế đôi dùng để xem phim. Những hình ảnh ấy lan truyền trên mạng xã hội và tạo nên một sự “rung chấn” không hề nhẹ với tất thảy mọi người. 

Pháp lý của vấn đề đã soi chiếu vào quyền riêng tư của công dân, nhưng đạo đức của vấn đề lại khiến không ít người bất bình, lên án hành động ái ân của đôi trai gái. 

Yêu đương muôn đời luôn đem lại cho con người nhiều cảm xúc, biểu hiện của tình cảm ấy trong một chừng mực nào đó không hề phản cảm, mà trái lại còn làm cuộc sống thi vị hơn. Một cái chạm môi của cặp đôi trên phố đông, nhẹ nhàng và quyến luyến thật đáng yêu chừng nào. Nhưng lại có một kiểu hôn chốn công cộng được giới trẻ ngày nay gọi là kiểu hôn “ngấu nghiến”. Khi đó nụ hôn đã vô tình tạo nên một biểu cảm khó chịu của những người chứng kiến. 

Nhưng dẫu sao ngay trên phố đông, thỉnh thoảng vẫn có những hình ảnh của tình yêu đẹp đến chừng nào. Nhiếp ảnh gia Quang Phùng cũng là một người gắn bó sâu đậm với Hà Nội, đặc biệt là hồ Gươm. Ông đang ấp ủ sẽ làm một triển lãm hay cuốn sách về chủ đề tình yêu Hà Nội. Hóa ra trong hàng chục năm đi dọc hồ Gươm, ông đã tỉ mẩn ghi lại hình ảnh của những cặp đôi mà ông cho là yêu nhau.

Ông chụp một cách vô tư, kiểu vô tư của một người nghệ sĩ. Trong đó, có một bức ảnh ông tâm đắc đó là một cặp đôi người Việt, họ còn rất trẻ và đang ngồi trên ghế đá: “Tôi quan sát rất lâu, chàng trai quàng tay qua vai cô gái rồi nắm lấy một ngón tay, chỉ một ngón tay cô gái thôi nhé, họ cứ thế bẽn lẽn và lặng im… chắc họ mới vừa yêu nhau. Thời này cảnh đó hiếm lắm”, nhiếp ảnh gia Quang Phùng nói.

Ái ân ở phố ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Còn tôi, trong một chiều cuộn trôi của cuộc sống cũng bắt gặp một hình ảnh làm chộn rộn cảm xúc của mình. Đó là ngày mưa nhẹ, một đôi trai gái đi cùng nhau trên đường. Cô gái mặc chiếc áo xanh tình nguyện, có thể vẫn đang là sinh viên. Bên cạnh là chàng trai mặc quân phục bộ đội dắt xe đạp. Chàng dắt xe đi, nàng bẽn lẽn theo bên. Có lúc, nàng với tay lấy chiếc mũ quân nhân của chàng thử đội lên mình, thích thú cười đùa. Cả hai dường như không cần biết xung quanh dòng người đang hối hả lướt đi.

Một lần tôi hỏi nhạc sĩ Phú Quang, điều ông nhớ nhất về Hà Nội những ngày xưa, nhạc sĩ có nhiều ca khúc bất hủ về Hà Nội bộc bạch, ông nhớ những ngày Hà Nội lạnh, mà Hà Nội thời đó đâu có san sát nhà nghỉ, ken đặc quán xá như bây giờ. Trai gái thời đó hẹn nhau, họ chọn một cái cây nào đó để ngồi. Cô gái đến sớm, chàng trai đến muộn. Chàng trai xoa xoa bàn tay của mình tạo ra hơi ấm rồi áp lên má cô gái. Cô gái nắm lấy tay chàng trai, 2 người nhìn vào mắt nhau tràn trề hạnh phúc. Cảnh đó có vẻ như đã “tuyệt chủng” lâu rồi, nếu có vẫn chỉ là trong phim hay tiểu thuyết tình cảm mà thôi.

Mọi thứ có thể đổi thay, nhưng tình yêu thì vẫn vậy. Chẳng thế mà tình yêu luôn là chất xúc cảm, là đề tài muôn   thuở của nhạc họa lẫn phim ảnh. Nhưng tốc độ của cuộc sống hiện đại khiến tình yêu cũng phải thích nghi hơn. Có những mối tình nhanh như cơn mưa chiều hạ, thoáng qua nhau rồi tắt lịm.

Thỉnh thoảng đâu đó, người ta vẫn thấy chàng trai nắm tay cô gái bước đi trên thăm thẳm con đường, phía trước họ không phải là chiếc ghế đá ở công viên, không phải là rạp phim nơi đang chiếu những phim lãng mạn… cuối con đường, nơi ấy là một con phố với rất nhiều nhà nghỉ.

Yêu đương muôn đời luôn đem lại cho con người nhiều cảm xúc, biểu hiện của tình cảm ấy trong một chừng mực nào đó không hề phản cảm, mà trái lại còn làm cuộc sống thi vị hơn. Một cái chạm môi của cặp đôi trên phố đông, nhẹ nhàng và quyến luyến thật đáng yêu chừng nào. Nhưng lại có một kiểu hôn chốn công cộng được giới trẻ ngày nay gọi là kiểu hôn “ngấu nghiến”. Khi đó nụ hôn đã vô tình tạo nên một biểu cảm khó chịu của những người chứng kiến.