Sống như xuân mới ​

ANTD.VN - Thi hào người Nga Maiakovsky (1893-1930), có một thời thật dài được coi như khuôn mặt thơ xuất sắc, tác phẩm của ông được dùng nhiều trong chương trình trung học và đại học ở ta, khi tận cùng của mệt mỏi ông đã để lại hai câu thơ tuyệt cú: “Chết thì cũng chẳng có gì là mới/ Nhưng sống trên đời cũng chẳng mới gì hơn”. 

Cuộc sống luôn cần được làm tươi mới, được “vui như Tết” - Ảnh: LAM THANH

Maia lúc sinh thời vốn là người cực kỳ mạnh mẽ, kể cả sâu thẳm bên trong lẫn nông nổi bên ngoài. Nhiều nhà phê bình văn học có tiếng của thời ấy trân trọng xem ông như một mùa xuân mới của thi ca. So với đám thi sĩ đa phần có ngoại hình bạc nhược thì ông là một người nồng nàn hồng hào tràn trề sinh lực sống. Một trong những điều mạnh mẽ quyết liệt nhất ở ông, đấy là sự khát khao muốn đổi mới chính mình để rồi xoay chuyển cách tân cả nền thi ca cách mạng. 

Maia đã vất vả hoành tráng đi diễn thuyết rồi nồng nhiệt đọc thơ khắp các đô thị lớn, hoặc ngoài quảng trường hoặc giữa nhà máy, cho bạt ngàn những thị dân mà theo ông là đang bị lùng nhùng ở một cuộc sống cũ. “Sống phải như xuân mới”, đấy là sứ điệp rừng rực trong vô số những tuyên ngôn ở ông. Những ngày Tết con gà đầm đậm trôi qua. Những tranh luận có nên giữ Tết cổ truyền hay không cũng chỉ là dư âm của trà dư tửu hậu.

Bởi từ xưa tới nay, để gìn giữ mùa xuân cuộc sống, nhân loại nghĩ ra nhiều cách nhằm nuôi dưỡng nó (triết gia Trang Chu gọi gọn lỏn là: dưỡng sinh). Phụ nữ thì tới phòng “gym” hoặc ăn kiêng, đàn ông thì ngồi thiền hoặc chơi golf hoặc chơi tennis. Thế mà vẫn nườm nượp người, khi bắt buộc phải đối diện với trắc trở cuộc đời vẫn loay hoay day dứt hơi bị chán.

Giống như nhiều thứ cao cả thiêng liêng, bản chất cuộc sống là tương đối mỏng manh, vì vậy con người ta muốn khoẻ khoắn sống tất yếu phải tìm cách tự phòng vệ (cũng vẫn Trang Tử đã dùng hai chữ tuyệt hay: vệ sinh). Nam Hoa kinh có câu “Khôn cũng không được, dại cũng không được, biết thì sống”.

Ở một khía cạnh tích cực nào đấy chỉ nên giản dị hiểu, hãy giữ cuộc sống như một mùa xuân vĩnh cửu

“Biết” là thuật ngữ chỉ tự ngộ chứ không thể hiểu, rất nhiều người yêu chữ nghĩa đã cồng kềnh trân trọng đặt tên cho nó là “minh triết”. Minh triết thực ra rất đơn giản, ví như lúc ca sĩ xinh xắn Mỹ Tâm một thời khe khẽ nổi gân cổ dịu dàng hát “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc”, là một thái độ đắc đạo giống hệt minh triết. Kinh Pháp Cú của nhà Phật có bài kệ “Do ái cố sinh ưu. Do ái cố sinh bố. Nhược ly ư ái giả. Vô ưu hựu vô bố”. Một nhạc sĩ chưa từng đạo nhạc có thói quen làm ca từ gây sốc đã hung hăng dịch. “Vì yêu sinh sợ hãi. Vì yêu sinh ưu phiền. Kẻ nào lìa tình ái. Tâm mới được an nhiên”.

Xưa đến nay, tình yêu là một thứ “lũ xuân”, từ cao quý vua chúa đến bần hàn thảo dân tất thảy đều nơm nớp coi là khủng khiếp nguy hiểm, ở mức độ tan hoang tàn phá của nó không kém gì lũ lụt hoặc danh vọng hoặc lợi lộc. Thế nhưng khi phải đối diện với một cô ca sĩ đẹp như thế, long lanh tứ chi dài rộng như thế, mà nó đành phải thở dài buông tay bất lực thì quả là điều vĩ đại. 

Nữ ca sĩ trẻ, ở hiện tại không hề cồn cào khát khao, ở tương lai không hề xao xuyến hối hận, đây chính là cảnh giới mang ăm ắp sinh lực hồn nhiên của mùa xuân. Có lẽ vì thế mà đa phần các ca sĩ nữ, sau khi mệt nhoài vì hát thì thường sống rất lâu.

Nuôi dưỡng cuộc sống được rồi thì luôn phải tìm cách làm cho nó được tươi được mới, “vui như Tết”. Tuy nhiên, cuộc sống được gọi là mới có thể có điện thoại di động mới, có thể có xe ô tô đời mới nhưng không nhất thiết phải có người tình mới hoặc vợ mới hay chồng mới. Cái “mới” giống hệt mùa xuân, là cái đến đương nhiên, hoặc mong hoặc không mong thì nó vẫn cứ tới cứ trôi qua. Chính vì thế, ở một khía cạnh tích cực nào đấy chỉ nên giản dị hiểu, hãy giữ cuộc sống như một mùa xuân vĩnh cửu.

Và một mùa xuân mới hoàn toàn không phải là độc quyền của những người trẻ, nó còn sâu xa được roi rói ẩn tàng trong vô số những người già. Giai thoại về văn hào vĩ đại lụ khụ người Đức có tên Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) là một ví dụ.

Ông cụ Goethe gần tám mươi vẫn cuồng đắm yêu và được yêu. Trước mỗi lần ăn, ông hồn nhiên để hàm răng giả lên mặt bàn phía bên phải của bát súp gà ninh nhừ. Cô nhân tình Unrich Phon Levetxop xấp xỉ tuổi hai muơi chung thủy ngồi cạnh dịu dàng lấy khăn mùi soa từ sâu trong ngực trái của mình âu yếm nâng niu hàm răng, lau từng kẽ li ti. 

Mùa xuân của tình yêu đương nhiên phải là vậy. Nó không có tuổi và đích thực trong trắng, cho dù thỉnh thoảng có lẫn vào đấy vài cái răng không thật.

Tin đọc nhiều