Sông Ngũ Huyện Khê bị “bức tử”, dân chỉ biết than trời!

ANTĐ -Nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền nhưng vẫn chỉ như “kiến kiện củ khoai”, bao năm qua người dân sống quanh khu vực sông Ngũ Huyện Khê vẫn phải “cắn răng” sống chung với môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Có dịp ngang qua ven đê sông Ngũ Huyện Khê, đoạn đường từ xã Phú Lâm
(huyện Tiên Du) đến phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), nhiều người không
khỏi choáng váng vì mức độ ô nhiễm của dòng sông này.

Suốt chặng dài, nước sông đen kịt một màu, nhiều đoạn nước sông
đặc sệt, ứ đọng hai bên vệ sông.

Đủ các loại rác từ nilong, nhựa, vải vụn được đem vứt tràn lan xuống  đoạn sông này

Trên bờ, cứ cách vài trăm mét lại có vài đống rác, đủ các loại, từ  nilong, nhựa, vải được đổ tràn làn ven đê, có đống rác vừa mới đốt, mùi khét lẹt. Dọc hai bên bờ, ống khói của các nhà máy giấy phả ra màu đen kịt. Mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc. 

Ba đời làm nghề chở đò qua sông, ông Nguyễn Văn Sang, thôn Đông Yên, xã Đông Phong, Yên Phong không khỏi chạnh lòng khi nhìn sông Ngũ Huyện Khê "chết" dần chết mòn bởi rác thải: “Trước đây nước sông sạch mà trong lắm, bọn nhỏ chăn trâu hay những người đi làm đồng áng về khát nước, vục nước sông uống là chuyện bình thường. Từ ngày mấy  khu công nghiệp mọc lên, nước sông dần trở nên đen đặc, nhất là vào mùa hè, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp cả đoạn đường dài. Môi trường ở đây hỏng hết rồi, còn cứu được nữa không?”, ông Sang trầm ngâm.

Nhiều cơ sở sản xuất còn ngang nhiên xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông. Chứng kiến cảnh này mới thấy việc gọi sông Ngũ Huyện Khê là “Thị Vải”
của Bắc Ninh cũng không sai.

Không có nước sạch, người dân vẫn phải sử dụng nước bị ô nhiễm để tưới tiêu đồng ruộng. Cô Nguyễn Thị Hậu, thôn Vĩnh Phục, xã Phúc Lâm cho biết, những năm gần đây người dân nơi đây không còn mặn mà với đồng ruộng vì mất mùa liên tục. Lúa chậm lớn, gần đến thời điểm thu hoạch lại chết dần chết mòn.

“Biết là bẩn nhưng chúng tôi vẫn phải dùng nước này để tưới tiêu đồng áng. Phải chờ cho cặn bẩn lắng động xuống, nước đỡ đục mới dám đem tưới rau màu. Dù là rau tự trồng nhưng nhiều người không dám ăn rau màu vì sợ mắc bệnh”, cô Hậu cho biết.

Gần kề đó, làng nghề Dương Ổ (Phong Khê, Bắc Ninh) từ lâu được gọi là “làng rác”. Không chỉ chịu ảnh hưởng của nước sông, môi trường nơi đây đang bị hủy hoại bởi hàng trăm cơ sở sản xuất giấy, tái chế nhựa, cao su…Những khu chứa rác không được quy hoạch gọn gàng, nhiều cơ sở sản xuất còn ngang nhiên đốt rác thải, mặc cho những tấm biển như “đốt rác gây ung thư”, “Môi trường hôm nay, cuộc sống ngày mai” được giăng đầy quanh làng.