“Sóng ngầm” trong hoạt động kinh doanh cầm đồ:

“Sóng ngầm” trong kinh doanh cầm đồ: Cấp phép dễ, quản lý khó

ANTĐ - Theo Thông tư số 33/2010 của Bộ Công an quy định hiện hành thì cá nhân hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ chỉ cần một số giấy tờ như: văn bản xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, trong đó, chủ cơ sở phải xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động, đăng ký thuế, chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy...

Lực lượng công an tăng cường kiểm tra loại hình kinh doanh cầm đồ

Phân cấp quản lý về cơ sở

Chính vì thủ tục đơn giản như vậy nên trên địa bàn thành phố tính đến ngày 1-6-2013 có 2.729 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 76 doanh nghiệp và 2.653 hộ kinh doanh cá thể. Các địa bàn tập trung nhiều cơ sở dịch vụ cầm đồ là Đống Đa, Hà Đông, Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... Trong tổng số 2.729 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thì có 2.713 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT, còn lại 16 cơ sở chưa được cấp giấy nhưng vẫn cố tình hoạt động. 

Trung tá Nguyễn Hoài Nam, Đội trưởng Đội Quản lý đặc doanh, Phòng Quản lý hành chính về TTXH – CATP Hà Nội cho biết, theo hướng dẫn 218 của CATP Hà Nội về việc tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và phân công thực hiện chức năng quản lý đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại các Nghị định của Chính phủ thì việc quản lý dịch vụ cầm đồ được phân cấp cho các cơ sở. Theo đó, Đội Quản lý hành chính về TTXH của Công an các quận, huyện là nơi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, quản lý cơ sở kinh doanh cầm đồ kể cả doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, loại hình kinh doanh này không đơn thuần là hành chính mà “dính” nhiều đến tội phạm hình sự. Do đó, bên cạnh việc nắm về số lượng, quản lý Nhà nước bằng hồ sơ, thủ tục của lực lượng QLHC về TTXH, công tác quản lý dịch vụ cầm đồ phải có sự vào cuộc của lực lượng hình sự để nắm theo chuyên đề vụ việc, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh cầm đồ để kịp thời xử lý.

Ngoài ra cần có sự phối hợp liên ngành với QLTT để quản lý hiệu quả hơn đối với loại hình dịch vụ này. Chỉ tính riêng đợt kiểm tra của các lực lượng liên ngành gồm QLHC về TTXH, QLTT, Phòng CSHS và các đội Điều tra hình sự Công an các quận, huyện của thành phố Hà Nội trong năm 2012, đã xử lý 373 trường hợp; trong đó có 1 trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, 22 trường hợp cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu, xử lý 326 trường hợp vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động 74 trường hợp, thu hồi có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với 14 trường hợp. 

Công tác quản lý phải thắt chặt

Khi được hỏi về việc quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện phức tạp về ANTT, ông Trần Minh Quang - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 2 Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận, việc quản lý các cơ sở này hết sức khó khăn. Tuy hầu hết được “quản” bằng quy định Nhà nước về “hậu kiểm doanh nghiệp”, nhưng dịch vụ cầm đồ lại không thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Sở chỉ cấp giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, còn việc cấp giấy phép hành nghề cầm đồ, quản lý lại do lực lượng công an.

Tìm hiểu thực tế tại Công an huyện Từ Liêm, chúng tôi được biết, Đội Quản lý hành chính về TTXH là đơn vị có chức năng chính quản lý Nhà nước về dịch vụ cầm đồ. Một cán bộ của đội cho hay, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, mỗi cán bộ của đội được phân công quản lý theo địa bàn, theo dõi kiểm tra định kỳ hàng quý, ngoài ra còn có kiểm tra đột xuất theo kỳ cuộc của CAH, CATP. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ quản lý được bề nổi, các vi phạm hành chính chủ yếu là tiêu thụ tài sản không chính chủ hay tài sản cầm cố không rõ nguồn gốc.

Để quản lý được các cơ sở này, lực lượng công an gặp không ít khó khăn. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, số lượng các cơ sở kinh doanh cầm đồ (theo số lượng giấy phép đủ điều kiện về ANTT được cấp) lớn - 251 cơ sở, trong đó có 2 doanh nghiệp. Khó khăn trong công tác quản lý ở đây là khi không hoạt động nữa hay thay đổi địa điểm, chủ cơ sở cũng không thông báo đến cơ quan công an. Với mục đích trốn thuế, thực hiện các hành vi phi pháp khác, dù đã được lực lượng công an phát sổ quản lý dịch vụ cầm đồ, nhưng chủ cơ sở cũng không ghi chép tài sản cầm cố, tên người cầm cố. Trung tá Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, việc báo cáo hàng quý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu mang tính chất đối phó, không đầy đủ thông tin, gây khó khăn trong việc kiểm tra xử lý và làm thất thu thuế của Nhà nước.

Ông Nguyễn Trung Kiên - cán bộ Tổng cục Thuế cho biết: Đối với mỗi hộ kinh doanh cá thể, hàng năm phải đóng tiền thuế môn bài khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào mức thu nhập của từng hộ kinh doanh, có một mức thuế khoán hàng năm, được áp với mỗi hộ từ đầu năm căn cứ theo sổ theo dõi và quản lý dịch vụ cầm đồ do cơ quan công an cung cấp. Tuy nhiên mức thuế này là không đáng kể, chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm, thậm chí thấp hơn. Con số của ngành thuế đưa ra cho thấy, mức thu từ hoạt động kinh doanh cầm đồ vào ngân sách Nhà nước không lớn nhưng kéo theo nó là rất nhiều hệ lụy xã hội. Đại diện Phòng Quản lý hành chính về TTXH cũng kiến nghị, cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quản lý theo Nghị định 72 của Chính phủ. Tuy nhiên việc đăng ký kinh doanh hiện nay quá đơn giản, gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, cần có biện pháp thắt chặt quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ này, góp phần làm tốt công tác phòng, chống tội phạm.