“Sóng ngầm” trong hoạt động kinh doanh cầm đồ: Lắm “chiêu” đối phó

ANTĐ - Khó có thể thống kê chính xác hiện nay trên địa bàn Thủ đô có bao nhiêu cửa hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi. Nhưng có một điều chắc chắn là rất nhiều đồ đạc đang được cầm cố là tài sản không chính chủ, thậm chí phạm pháp. Khi chủ hiệu cầm đồ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, phớt lờ nguồn gốc tài sản thì nguy cơ và hệ lụy mất ANTT song hành cùng cầm đồ càng tăng.

Nhiều tài sản được cầm cố không phải sở hữu chính chủ, thậm chí phạm pháp 
(Ảnh: CAP Láng Thượng kiểm tra hành chính một cửa hiệu cầm đồ)

Đồ gì cũng nhận

Nói đến dịch vụ cầm đồ, không thể không nhắc tới đường Láng - nơi được xem là “phố cầm đồ” sầm uất bậc nhất của Hà Nội. Suốt chiều dài đoạn đường ước chừng khoảng vài cây số, san sát bảng hiệu cầm đồ. Hầu như trên tuyến đường này, ngoài những cửa hàng đề biển kinh doanh loại hình này thì ít thấy hàng quán buôn bán loại mặt hàng, dịch vụ khác.

Trong vai một sinh viên lỡ dính vào “trò” đỏ đen, tôi chạy chiếc xe Yamaha Sirius dọc “thiên đường cầm đồ” để khảo giá. Vừa tấp vào một cửa hiệu gắn biển cầm đồ gần chợ Láng Hạ, chủ cửa hàng là một thanh niên xăm trổ đầy mình đon đả: “Vào đây chú em, có món gì anh xem nào?”. Chỉ tay vào chiếc xe, tôi hỏi giá với điệu bộ của những kẻ đã từng là khách quen của các hiệu cầm đồ: “Em cầm 10 ngày, “con này” được bao nhiêu hả anh?”. Gã thanh niên săm soi chiếc xe một lúc rồi buông lời phán: “5 chai, “phế” ngày vẫn như mọi khi, 15%”. Chê ít tiền, lãi cao, tôi cố kỳ kèo thêm bớt nhưng người chủ cửa hàng lấy lý do xe đã chạy vài năm, lại đeo biển tỉnh lẻ nên khó trả hơn. “Giá cuối là 6 “chai”, đồng ý không”. Tôi vẫn lắc đầu, rồi dắt xe sang cửa hiệu cầm đồ cạnh đó. 

Thấy tôi sang cửa hàng khác, gã chủ cửa hiệu cầm đồ nhấc điện thoại gọi cho đồng nghiệp nơi tôi dắt xe vào. Sau vài ám hiệu, một người đàn ông trung tuổi đầu trọc lốc, thân hình hộ pháp tắt máy điện thoại và tuôn ra một tràng: “Nhiều bộ phận xe cũ quá, mà chả biết máy móc còn ngon không. Thôi, 5 “củ” nhé, lãi suất 15%/ngày”. Trước thái độ lưỡng lự của tôi, chủ cửa hiệu cầm đồ chỉ tay vào cả dãy xe dựng ở trong nhà nói: “Đấy chú xem, nhiều xe biển Hà Nội, “chất” hơn xe của chú nhiều mà cũng chỉ vào có vậy. Tầm này hàng ế ấm, biển tỉnh lẻ lại càng khó bán”. Tôi tiếp tục từ chối. Thấy vậy, người chủ cửa hàng gạ gẫm: “Chú cứ đi khảo giá, nếu có thứ gì không dùng đến thì cứ mang ra đây. Còn dùng được là bọn anh nhận hết”.

Tại cửa hàng cầm đồ ở gần ngõ 678 đường Láng, khi tôi cùng anh bạn đồng nghiệp “phi” chiếc xe Sirius lên vỉa hè, chủ hiệu cầm đồ là một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, khuôn mặt ưa nhìn liền nở nụ cười chào đón. Thấy tôi nói có chiếc xe không dùng đến nhưng bị mất giấy tờ muốn cầm lấy chút tiền đưa bạn gái đi chơi, chị chủ cửa hàng “quất” giá 3 “củ”, lãi suất chỉ 9%/ngày. Thấy chúng tôi thắc mắc trước lãi suất quá khủng, bà chủ cửa hàng giải thích: “Thôi đi các em, xe “nhảy” được ở đâu nên mới không có giấy tờ. Chị cầm 3 triệu đồng là ngon rồi. Còn số lãi suất cũng chỉ là có thôi chứ đã đi trộm cắp rồi cầm đồ thì mấy ai mang tiền đến chuộc lại. Đồng ý thì chị cốp tiền, còn không xin mời đi chỗ khác, cho chị còn làm ăn”.

Xử lý chưa triệt để

Theo đánh giá của cơ quan công an, vài năm gần đây, số lượng cơ sở cầm đồ trên địa bàn Thủ đô liên tục tăng và có xu hướng tập trung tại một số tuyến phố, địa bàn nhất định. Chỉ tính riêng phường Láng Thượng, quận Đống Đa, đã có đến 88 hiệu cầm đồ - tương đương với tổng số cửa hàng cầm đồ trên toàn thành phố Thanh Hóa. Dù liên tục phát triển, biến động về số lượng, song hoạt động cầm đồ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp và vi phạm.

Mới đây, khi kiểm tra ngẫu nhiên một số hiệu cầm đồ, CAP Láng Thượng phát hiện nhiều cơ sở vi phạm các lỗi như cầm cố tài sản không chính chủ cầm cố tài sản không có hợp đồng… “Vì hám lợi bất chính, nhiều chủ cơ sở đã dễ dãi, bỏ qua các quy định, sau đó nghĩ ra đủ các mánh khóe để đối phó” - Trung tá Lê Tiến Dũng, Trưởng CAP Láng Thượng cho biết và giải thích, hiện nay tại các hiệu cầm đồ thường chỉ lưu giữ các tài sản cầm cố hợp pháp. Còn các loại phương tiện, giấy tờ giao dịch “chui” sẽ được cất giữ tại các kho bãi bí mật nằm ở các địa bàn lân cận. Do đó, khi kiểm tra, lực lượng chức năng thường chỉ phát hiện, xử lý được các lỗi nhỏ, có chế tài xử lý thấp. Trong khi đó, chỉ cần phát hiện có đoàn kiểm tra thì ngay lập tức hàng loạt cửa hàng cầm đồ “bảo nhau” đóng cửa. Như trong sáng 1-8 vừa qua, khi tổ kiểm tra vừa xuất hiện tại 2 hiệu cầm đồ nằm trên đường Láng thì gần như tất cả các cơ sở trên trục đường này bỗng nhiên ngừng hoạt động. Tuy nhiên, không lâu sau khi đoàn công tác dời đi, mọi thứ lại đâu vào đấy.

“Chiêu trò” đối phó của các hiệu cầm đồ còn thể hiện qua việc không đề biển tên hoặc đề tên dưới các dịch vụ khác như thanh lý, mua bán xe máy, máy tính; cho thuê tài chính, cho thuê cốc ly để sinh viên tổ chức sinh nhật… Dưới vỏ bọc này, chủ hiệu cầm đồ ngấm ngầm giao dịch với khách quen, hoặc người được giới thiệu qua trung gian (như sinh viên cần “cắm” thẻ hoặc đối tượng tiêu thụ tài sản phạm pháp), với lãi suất cao ngất ngưởng. Nói về việc xử lý vi phạm, Trung tá Lê Tiến Dũng cho biết, cơ quan công an đã có kế hoạch thành lập các tổ kiểm tra để nắm thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý còn chưa triệt để. Ví dụ khi một cơ sở vi phạm nhiều lần bị tước giấy phép, không lâu sau đó, tại chính địa điểm này lại mọc lên hiệu cầm đồ mới, được thay đổi tên gọi và đứng tên người khác.

Nguyên nhân do địa điểm đăng ký kinh doanh chủ yếu là thuê, mượn; còn chủ cửa hàng chỉ cần đủ tư cách pháp nhân, vốn pháp định và giấy tờ liên quan là có thể xin cấp phép. Điệp khúc vi phạm - tước giấy phép rồi thành lập cửa hiệu mới cứ lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng 80% hiệu cầm đồ trên đường Láng đứng tên người ngoài địa bàn. Tuy nhiên, không ít trong số này là lao động làm thuê, người được nhờ đứng ra xin giấy phép.

(Còn tiếp)