Khai trương hầm trú ẩn khách sạn Metropole Hà Nội:

Sống lại một thời hào hùng

ANTĐ - Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ thất bại trên bầu trời Thủ đô và các tỉnh phía Bắc. Sau 1 năm tìm hiểu và nghiên cứu, hôm qua 21-5, tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội đã diễn ra lễ khai trương căn hầm trú bom bí ẩn của khách sạn.

Căn hầm di tích

Lối lên xuống của căn hầm

Gần 1 năm trước, khi khách sạn Metropole Hà Nội cho sửa lại khu Bamboo Bar, không ai biết về lịch sử của căn hầm, về những dòng chữ được khắc trong hầm, tất cả chỉ là một con số không. Một năm sau, những câu chuyện lịch sử ẩn giấu đằng sau sự bí ẩn của căn hầm tránh bom đã dần hé lộ. Danh tính của người đã khắc dòng chữ lưu lại trong hầm đã được tìm ra đầy bất ngờ, những ký ức về một thời bom lửa từ năm 1966 đến mùa đông năm 1972 bỗng chốc tái hiện nguyên vẹn. Căn hầm rộng 40m2 được chia thành nhiều ô với lối lên xuống là một cầu thang dài cách mặt đất tới 5m vẫn được giữ nguyên trạng. Khách sạn sau khi nghiên cứu căn hầm đã cho làm thêm một lối đi ở phía cuối hầm để mọi người có thể dễ dàng tìm hiểu căn hầm bí ẩn này. 

Khách sạn Metropole Hà Nội đã tìm ra nhiều điều bất ngờ về những vị khách quan trọng từng trú ẩn dưới căn hầm này. Nhà báo người Philippines, Gemma Cruz Araneta và chồng là một giáo sư đại học từng có chuyến thăm bí mật Hà Nội để tìm hiểu sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam vào tháng 5-1968. Bà và chồng đã từng phải xuống hầm trú ẩn 2 lần: “Một lần vào lúc 14h30 chiều 24-5 khi tiếng còi báo động kinh hoàng rú lên trên toàn bộ thành phố. Hôm đó là thứ sáu”. Bà mô tả căn hầm như sau: “Nơi trú ẩn của khách sạn là căn phòng bê tông dài và hẹp, nơi mà tôi tưởng tượng có thể dựng thành một vũ trường sành điệu. Căn phòng có những chiếc ghế gỗ màu xanh lá cây xếp cạnh nhau. Mặc dù không có điện, tôi vẫn nhìn thấy một chiếc quạt máy”.

Những nhân chứng lịch sử

Câu chuyện tìm được người đã khắc dòng chữ Devereaux lên bức tường của căn hầm bí mật đầy bất ngờ như một cơ duyên khó lý giải. Sau khi khách sạn Metropole Hà Nội phát hiện ra căn hầm, có một tờ báo Australia đã viết về việc này. Thật tình cờ, Bob Devereaux một nhà ngoại giao Australia đã nhận ra, mình chính là người đã khắc dòng chữ đó. Ông đã không ngần ngại liên lạc ngay với khách sạn Metropole Hà Nội để xác thực, ông chính là người đã khắc tên mình trên bức tường của căn hầm vào tháng 8-1975, khi chiến tranh đã kết thúc, mặc dù ông không thể giải thích vì sao mình đã làm vậy: “Có thể lúc đấy tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện và không có gì để làm nên trong lúc mò mẫm chai rượu Australia bị ngập trong nước tôi đã khắc tên mình lên bức tường đó. Tôi không nhớ căn hầm bị đóng lại bởi khi tôi rời Hà Nội năm 1976 thì căn hầm vẫn mở cửa”.

Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cũng đã cố gắng tìm kiếm những người đã từng ở tại khách sạn khi cuộc chiến tranh phá hoại diễn ra và cả những người đã từng phục vụ trong khách sạn thời điểm đó. Bà Đường Tiểu Phương một nhân viên từng phục vụ nhà bàn tại khách sạn Metropole Hà Nội từ những năm 1964 kể lại: “Những ngày Mỹ ném bom phá hoại Hà Nội, tôi đã nhiều lần đưa du khách nước ngoài xuống hầm trú ẩn. Ở tận dưới hầm sâu vẫn nghe thấy tiếng máy bay, tiếng đạn bom nổ vang trời”.

Bà cũng cho biết lúc bấy giờ khách sạn có tên là Thống Nhất, anh em trong khách sạn cùng với một số cán bộ Nhà nước đã đào căn hầm này để bảo vệ những vị khách quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, đến giờ cũng không nhớ nổi ai là người đã tham gia đào căn hầm. Hầu hết những người thuộc thế hệ trước của khách sạn đã không còn, và khi sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc, chẳng mấy ai còn nhớ đến những người đã tham gia đào căn hầm.

Có thể, việc khách sạn Metropole đầu tư, nghiên cứu về căn hầm trú ẩn cũng là một cách làm du lịch, thu hút du khách khi mà chỉ những du khách lưu trú tại khách sạn và những đoàn tham quan của các trường học được phép đặt lịch tham quan. Nhưng, điều đó cũng hé lộ cho chúng ta một hướng đi mới về việc tìm hiểu, làm sống lại thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước. Ngày toàn quốc kháng chiến, đã có hàng trăm chiến hào, chiến lũy đã được đào xuống, có đến hàng nghìn, hàng vạn những căn hầm trú ẩn đâu đó khắp các đường phố, vỉa hè tại Hà Nội… Có lẽ chúng ta còn cần phải thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về những căn hầm, con hào biết đâu đó còn sót lại. Đó chắc hẳn sẽ là những tư liệu lịch sử quý giá để lớp trẻ biết thêm về những gian khổ hy sinh mà cha ông ta từng trải qua để có ngày hôm nay.