Thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh):

Sống dở chết dở chờ... cơ chế

ANTĐ - Thành cổ Luy Lâu đang chìm dần vào quên lãng do sự vô tâm của người dân nơi đây và của những người làm công tác quản lý. Cứ như vậy, chẳng bao lâu nữa, khu vực được coi là kinh đô thứ 2 của nước ta sau Cổ Loa sẽ biến mất.

Lối vào thành Luy Lâu

Một thời phồn thịnh

Năm 2001, Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu Nhật Bản tổ chức khai quật tại Thành cổ Luy Lâu. Khi đó, các nhà nghiên cứu bất ngờ phát hiện một nền móng gạch lớn, cùng nhiều dấu tích kiến trúc cổ bị cháy. Đặc biệt, là việc phát hiện một cột gỗ lim lớn (dài 1,2m, đường kính 0,5m) có lỗ kéo và lỗ mộng. Cột gỗ lim sau đó đã được đưa vào trưng bày ở đền thờ Sỹ Nhiếp. Sự phát hiện này như một minh chứng khẳng định tầm vóc cùng sự ảnh hưởng to lớn của Thành cổ Luy Lâu xưa kia... Người dân ở đây cho biết trước đây họ đã từng đào được những súc gỗ lim lớn, xẻ ra làm được cả một bộ cửa.

Các nhà khoa học đoán định, rất có thể đó là của Thành Luy Lâu xưa và chỉ với những kích cỡ lớn như vậy mới có thể tương xứng với những viên ngói lớn (bằng nửa cái bàn học sinh) đã tìm thấy trong đợt khai quật cuối năm 2000. 

Hiện nay có một quần thể di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia Thành cổ Luy Lâu được Nhà nước công nhận vào năm 1964 lại đang chết dần chết mòn bởi rác thải và sự thờ ờ của cả người dân lẫn chính quyền địa phương. Tấm biển “Khu di tích Thành cổ Luy Lâu” nằm chìm trong mớ dây điện lùng nhùng, bên dưới là rác. Khu vực thành ngoài nay đã là nơi sinh sống của nhiều hộ dân. Con đường nhỏ dẫn vào thành cổ (theo chỉ dẫn của tấm biển) ngút trong cỏ dại. Không xe nào đi qua được nên chúng tôi phải đi nhờ lối đi tắt qua chùa Phi Tướng.

Theo tư liệu lịch sử còn lưu lại, sông Dâu xưa kia là một thành lũy tự nhiên trấn giữ phía ngoài thành rộng đến hơn 50m, thuyền bè có thể đi lại thoải mái thì giờ đây chỉ còn vài mét, được các hộ dân sống quanh khu vực tận dụng để chăn vịt. Khi chúng tôi hỏi đường vào thành cổ Luy Lâu, nhiều người dân sống cách đền Sỹ Nhiếp chỉ hơn 1km không hề biết rằng, đền nằm trong khu vực thành cổ. Bối rối, nhiều người bản địa còn khuyên chúng tôi quay ngược lại UBND xã để hỏi cho chắc. Ông Nguyễn Duy Khoa - Trưởng ban Văn hóa, Thể thao xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thừa nhận, Thành cổ Luy Lâu  đang mất dần trong tâm thức của chính những người dân xung quanh. Những lễ hội quan trọng xưa đều đã được chuyển ra tổ chức ở chùa Dâu... 

Hoang phế và lãng quên

Cả khu vực thành cổ nay chỉ là một cánh đồng với điểm nhấn là một vài bờ đất cao hơn bình thường đó chính là những đoạn tường thành khi xưa nay đã bị chôn vùi. Thành cổ Luy Lâu tuy được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1964 nhưng cho đến nay mới chỉ 2 lần được đầu tư để trùng tu tôn tạo, tập trung chủ yếu vào đền thờ Sỹ Nhiếp, lần đầu tiên vào năm 2001, với kinh phí 100 triệu đồng do Sở Bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đầu tư. Lần thứ 2 vào đầu năm 2011, tiến hành trùng tu hậu cung đền với chi phí 82 triệu đồng, cũng do Sở VH-TT&DL Bắc Ninh đầu tư. 

Vài năm gần đây, đã có một vài dự án muốn đầu tư vào Thành cổ Luy Lâu. Như cuối năm 2011, Công ty Liên hiệp Văn hóa Đông Nam Á đã về đặt vấn đề với xã đầu tư tu bổ đường đi, xây dựng các công trình công cộng, giải trí với mục đích vừa tu bổ cảnh quan, kết hợp với kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi vấp phải những “rào cản vô hình” công ty này không thấy đả động gì thêm nữa. Ông Đỗ Như Nghiên thủ từ ở đền Sỹ Nhiếp từ 3 năm nay cho biết, từ cuối năm 2011 cũng có nghe tới dự án 25 tỷ đồng đầu tư để vừa khôi phục khu di tích vừa kinh doanh. Thế nhưng, đến nay thì không còn nghe tin tức gì nữa. Về phía cơ quan quản lý cấp xã mặc dù muốn tu sửa, nhưng đây là di tích cấp quốc gia cần phải thông qua nhiều ban ngành, nên thực trạng vẫn giẫm chân tại chỗ. 

Thành cổ Luy Lâu, nơi được coi là kinh đô thứ 2 sau Cổ Loa đang biến mất, những bức tường thành hoành tráng xưa kia giờ chỉ còn là những ụ đất, có chiều cao khoảng từ 1 đến 1,5m. Gần như cảnh quan không còn nữa, chỉ có đền thờ Sỹ Nhiếp nằm lọt thỏm trong khuôn viên thành nội với những kiến trúc như cây cầu đá, cột gỗ lim được cho là còn lưu giữ lại được từ cách đây hơn 1.000 năm. Nhưng, những di tích còn lại đó nếu không sớm được quan tâm thì chẳng mấy chốc sẽ lại có kết cục như cả một khu thành cổ - giờ trải dài thành một khu ruộng cho dân được thuê để cấy hái hoa màu.

Năm 207 trước Công nguyên, Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc, đổi thành quận Giao Chỉ, đã đặt Đô úy trị và xây Thành Luy Lâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Năm 111 trước Công nguyên nhà Hán đánh bại nước Nam Việt thì Luy Lâu vừa là quận trị quận Giao Chỉ vừa là châu trị châu Giao. Đến giai đoạn thái thú Sỹ Nhiếp cai trị (187-226), ông đã xây dựng Luy Lâu sầm uất như một kinh đô của một nước độc lập. Đại Việt sử ký toàn thư xếp thời này là một triều đại riêng của nước ta, gọi là kỷ Sỹ Vương.