Sống chung với lũ

ANTĐ - Thời điểm này không ít phụ huynh đang chuẩn bị “gân cốt” cho một cuộc “chạy ma ra tông” vào các trường, lớp được cho là “thời thượng”, kể cả các lớp đầu cấp tiểu học. Để tránh rơi vào thảm cảnh “dẫm đạp lên nhau”, xô đổ cả cổng trường chỉ để “mua” cho được tờ đơn xin cho con vào trường như đã xảy ra tại trường THCS Thực nghiệm Hà Nội hồi năm ngoái, không ít phụ huynh đã chuẩn bị nhiều “miếng võ” từ rất sớm. 

Chẳng cứ gì Việt Nam, ngay ở các nước phát triển hàng đầu thế giới, tri thức-thể hiện qua bằng cấp đã trở thành chiếc chìa khóa vàng để thế hệ trẻ mở toang cánh cửa cuộc đời mình. Chỉ ngó sang các nước láng giềng, như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng thấy không ít cảnh huyên náo “chạy trường, chạy lớp” chẳng thua kém gì Việt Nam. Biết rằng, chẳng có ngành giáo dục của bất kỳ quốc gia nào “thỏa mãn” được nhu cầu xã hội của quốc gia mình, nên không ít phụ huynh đã chuẩn bị cho mình cả về tinh thần, thể lực và “lưng vốn”, sẵn sàng lao vào bất kỳ cuộc “ma ra tông” nào, miễn làm sao con em mình đạt đến “đỉnh cao” giáo dục. Họ coi đó là cách “sống chung với lũ”.

Có nhiều cách lựa chọn trong cuộc “ma ra tông” này, tùy theo sở trường, sở đoản của mỗi vị phụ huynh. Nếu vị nào có sở trường “quan hệ”, nhiều mối “thân quen”, thì đã ăn chắc giành được một chỗ cho con em mình (thậm chí cả cháu) vào một trường “có tiếng” nhất thành phố hoặc chí ít cũng là nhất quận. Vị thứ hai kia không vì thế mà chùn bước, mà thất vọng. Vẫn có nhiều cánh cửa để hy vọng, tìm mọi cách để mở. Đây là cuộc “ma ra tông” đầy thú vị, kịch tính. Những thông tin “rỉ tai nhau” nhiều khi khá chính xác và hữu hiệu, chẳng hạn cô M ở trường P được 1 suất “hiển nhiên”, sẵn sàng nhận “con, cháu” của bạn, với “giá” chấp nhận được.

Điều này cho thấy, cảnh “chạy trường-chạy lớp” vẫn chưa hề mảy may giảm nhiệt, dù các cấp chính quyền và Bộ chủ quản đã tốn không ít hội thảo, hội nghị, chỉ thị, nghị quyết nhằm “đổi mới” giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ thầy-cô cả về Tâm và Tầm.

Tin cùng chuyên mục