Sống chậm ở “mũi tàu” Cà Mau

ANTĐ - Đất Mũi Cà Mau vẫn được ví như “Mũi tàu Tổ quốc” nhưng cũng được gọi là “tận cùng Tổ quốc”. Vị trí “mũi tàu” là cực Nam đất nước với một mũi đất hướng ra biển hàng năm tiếp nối đắp bồi, thuộc Xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển,  tỉnh Cà Mau. 

Sống chậm ở “mũi tàu” Cà Mau ảnh 1Hoàng hôn Đất Mũi Cà Mau

Cuộc gặp gỡ tình cờ 

Để đến được Đất Mũi, từ trung tâm thành phố Cà Mau, có thể đi tàu cao tốc với giá vé 120 nghìn đồng hoặc đi xe khách đến Năm Căn rồi tiếp tục lên tàu về Đất Mũi.  Thêm 2 lượt “xe ôm”, khứ hồi từ bến tàu ra “Mũi” chỉ hết có 50 nghìn đồng. Anh chàng lái xe tên “Đen” nhưng vì béo nên gọi là Đen Mập, lại thêm ở nơi này nên đầy đủ phải gọi là “Đen Mập Đất Mũi”. Hỏi lại tên, tôi phì cười và trêu lại: “Tớ là Trắng Gầy Hà Nội”. Trong suốt 2 ngày ở đây, chúng tôi chỉ toàn gọi nhau là “Đen” và “Trắng”. 

Tháng 11 đang là mùa mưa của phương Nam, tôi đang lang thang bờ kè nhìn về dải đất nổi tiếng này thì cơn mưa ập tới, nước tuôn như trút. Cơn mưa tạnh, thủy triều chưa lên, những con còng gió chạy trên đất sình lầy tua tủa rễ đước như bộ chân của những con nhện khổng lồ. Chợt nghe tiếng ru con ầu ơ mà thấy lặng người, hỏi ra, chính là tiếng hát ru của vợ ông giám đốc khu du lịch này. Trên đường Đen chở tôi về bến tàu, anh chàng rủ rỉ rủ tôi ở lại một đêm trên Đất Mũi. Thế là ở lại, dọc đường, cả hai ghé vào nhà dân hỏi mua hải sản, nơi đây nổi tiếng với món móng tay chúa, những con móng tay ngoài Bắc chỉ bằng ngón tay trỏ thì ở đây to bằng cả ba ngón tay. Một mớ móng tay chúa, vài con bề bề cỡ cổ tay người lớn, hai con cua bể rồi nhờ một quán lá nướng hộ, chúng tôi đã có một bữa trưa vô cùng thú vị. Vị ngọt của móng tay, dai thơm của tôm tít và béo của cua gạch thật khó quên.

Tắm biển mùa đông

Khi tất cả khách du lịch đã lên chuyến tàu thủy cuối cùng trở về Cà Mau, chỉ còn lại tôi ở lại Đất Mũi để khám phá khu du lịch Khai Long. Khu du lịch nằm ở phía Tây của Đất Mũi cuốn hút vô cùng bởi vẻ đẹp hoang sơ, sở dĩ có tên Khai Long vì truyền thuyết đây là nơi rồng được sinh ra.

Cái thú vị nhất của dân phượt miền Bắc khi tới phương Nam những ngày mùa đông là được tắm biển. Bờ biển dài đang được bồi đắp nên đi bộ xa cả trăm mét nước vẫn chỉ hơn đầu gối nhưng nước đen sì vì lẫn phù sa sình lầy. Ngồi nơi bờ kè phía Cực Nam, ngắm nhìn mặt trời từ từ lặn xuống, màu vàng chói chuyển dần sang đỏ, loang loáng từ tận chân trời vào đến đất liền. Khi mặt biển chỉ còn lại một màu đen sánh đặc, biết tôi người Bắc, Đen Mập dẫn tôi đến thăm nhà anh Trần Văn Hướng ở ấp Cồn Mũi. Người đàn ông gốc Nam Định này di cư vào đây từ năm 1993, làm đủ nghề sinh sống, rồi khoảng 10 năm nay, vườn nhà anh bỗng từng đàn chim hàng nghìn con đến cư ngụ.

Khi trời tối hẳn, lũ chim thôi tranh giành nhau chỗ đậu, không gian trở nên tĩnh lặng lạ thường và đó là lúc ra vuông soi đèn bắt cá thòi lòi. Loài cá mà dân văn phòng thành phố chỉ nhìn thấy trên vô tuyến này có 2 vây trước đi được như bàn chân, chúng thường nhảy lên những miếng xốp nổi trên vuông và đôi mắt giương lên như ếch. Bắt và nướng cá thòi lòi trên than hoa đúng là một trải nghiệm không phải trong đời ai cũng được tận hưởng.

Bữa cơm tại gia đình anh Hướng toàn những món ăn chúng tôi tự bắt dưới vuông hồi tối: sò huyết, vọp, cá thòi lòi, ba khía, rau hái tại vườn nhà và đặc biệt là rượu trái giác. Thứ quả rừng hoang dại này mọc và ra quả như nho, khi chín màu tím sậm. Trái giác được hái ngâm đường dùng làm siro giải khát và ủ thành rượu có màu như vang đỏ, vị ngọt thơm lừng. Bữa cơm tối xen lẫn trong mùi hương muỗi, anh Hướng kể, thời gian đầu mới vào đây năm 1993, muỗi nhiều đến mức cứ tối đến là tiếng cánh muỗi bay kêu như sáo thổi. Thời gian ở đây trôi thật chậm, cứ như đang ngưng lại, không gian chỉ loãng ra khi có chiếc thuyền máy nào đó tình cờ đi ngang qua dòng kênh trước nhà.

Bình minh Đất Mũi, tôi dậy sớm để được ngắm nhìn từng đàn chim bay đi kiếm ăn, con tắc kè ban đêm còn bám hững hờ ở bờ tường cũng trốn đâu mất. Vội vã tạm biệt chủ nhà, tôi cố ngao du thêm một vòng các kênh rạch nơi Đất Mũi rồi lên tàu cao tốc trở về thành phố Cà Mau. Đó là một chuyến đi, tôi đã được sống chậm theo đúng nghĩa nơi mũi thuyền Tổ quốc.