Sớm xóa hẳn tình trạng học nhờ, học tạm

ANTD.VN - Tới cuối năm 2016, Hà Nội vẫn còn nhiều lớp học tạm, học nhờ trong các nhà văn hóa, đình làng. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, năm 2017, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Xây trường mới không kịp với mức tăng dân số cơ học; vướng mắc trong việc dành đất cho xây trường học; các dự án chung cư không hợp tác trong việc xây trường… đó là những khó khăn được đại diện lãnh đạo các quận, huyện phản ánh tới UBND TP Hà Nội. 

Sớm xóa hẳn tình trạng học nhờ, học tạm  ảnh 1Hà Nội vẫn còn nhiều điểm trường lẻ thuê mượn, học sinh phải học tạm, học nhờ

Nội, ngoại thành đều phải đi học nhờ

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, mạng lưới trường, lớp liên tục được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Tuy nhiên, không ít quận, huyện của Hà Nội vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp, học sinh phải học nhờ, học tạm, học luân phiên.

Ở trung tâm thành phố, quận Ba Đình là một trong những quận thiếu trường, học sinh cũng phải học nhờ, học tạm từ nhiều năm nay. Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc thuộc quận này, học sinh vẫn phải học nhờ từ khi thành lập đến nay. Quận đã phê duyệt dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2007 với quỹ đất sạch đã có 400 m2 ở địa chỉ 24 Văn Cao song có vướng mắc với một số cơ quan trong việc thỏa thuận lấy đất. 

Tương tự, quận Tây Hồ có trường tiểu học, THCS Tứ Liên cũng trong tình trạng học sinh phải học nhờ. Tại một số huyện ngoại thành như huyện Mỹ Đức, Sơn Tây, Ba Vì... nhiều trường học sinh phải học tạm, học nhờ ở nhà văn hóa. Đại diện phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đang rà soát những trường thiếu diện tích để có cơ hội mở rộng thêm. Về phòng học tạm, học nhờ, năm 2016, huyện này thống kê được 31 phòng mượn nhà văn hóa. Thậm chí, chỗ mượn không đủ cho học sinh học nhờ và huyện này còn thiếu 91 phòng học, nhiều phòng phải ngăn làm đôi để có chỗ cho học sinh học. 

Ưu tiên số 1 là lo đủ trường học

Ông Phạm Xuân Tài - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Từ nay đến năm 2020, quận sẽ xây mới thêm 6 trường học. Tuy đã có quy hoạch song quận rất khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, phải di dời hơn 300 hộ dân... Thành phố có hỗ trợ thì quận mới có thể làm được” . 

Bà Phạm Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng, cần quy định chủ đầu tư khi xây dựng khu chung cư mà không dành đất xây dựng trường học thì phải đóng một phần kinh phí. “Thành phố nên có quy định rõ ràng để các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp, hỗ trợ địa phương xây dựng trường lớp” - bà Phạm Thị Thu Huyền kiến nghị. 

Trước phản ánh từ các quận, huyện về vấn đề thiếu trường, lớp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội thành lập tổ công tác gồm các Sở Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch Đầu tư để rà soát tình hình xây dựng trường, lớp tại các quận, huyện.

“Ưu tiên số 1 là giải quyết tình trạng thiếu trường học, trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới các quận nội thành nhiều năm nay thiếu trường học. Tôi sẽ trực tiếp tháo gỡ việc này. Không thể để tình trạng còn đến hàng trăm phòng học tạm, phải tập trung nguồn giải quyết dứt điểm” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục