Sớm đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy

ANTĐ - Nợ công, tham nhũng, tin nhắn rác và sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức… là những nội dung được các ĐBQH đặt ra với Phó Thủ tướng (PTT) Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên trả lời chất vấn sáng 13-6.

Giải quyết trên 200 vụ tham nhũng một năm

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi, tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây thất thoát tài sản Nhà nước, bức xúc trong nhân dân. Năm 2014, Chính phủ đã giải quyết được bao nhiêu vụ tham nhũng, tài sản thu về được bao nhiêu? Trả lời câu hỏi này, PTT Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Số liệu thống kê cho thấy, năm 2014 đã khám phá 256 vụ tham nhũng với 593 bị can, tài sản thu hồi đạt trên 22%. Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng, điều tra truy tố, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng”. 

Sớm đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ đổi mới chính sách công vụ để lựa chọn cán bộ tốt phục vụ nhân dân 

Trả lời câu hỏi của một số ĐB về xã hội hóa giao thông, PTT Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, xã hội hóa giao thông không đồng nhất với tư nhân hóa. Chúng ta chủ trương xã hội hóa nhưng không buông lỏng vai trò của quản lý Nhà nước về chất lượng dịch vụ, giá thu phí, quản lý đất đai. Bên cạnh đó, Nhà nước có khung pháp lý thực hiện tốt việc xã hội hóa nhằm đảm bảo Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân cùng có lợi. 

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) hỏi: “Nhiều cử tri lo lắng về nợ công. Chính phủ có biện pháp gì để người dân yên tâm?”. PTT Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quan trọng nhất là khả năng vay và trả nợ, hiệu quả khoản vay. Chính phủ rất thận trọng trong việc mở rộng các khoản nợ. Biện pháp giải quyết là tăng cường quản lý chi tiêu công, tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, quản lý chặt chẽ các khoản vay và thu đủ nợ.

Cần có chế tài xử phạt nặng tin nhắn “rác”

ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chất vấn, thời gian qua, dư luận rất bất bình về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân, có biểu hiện “xa dân, gần quan”. Chính phủ có giải pháp nào nhằm cải cách chế độ công vụ, nâng cao đạo đức công chức, viên chức ?

Về vấn đề này, PTT Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện có gần 4 triệu công chức, viên chức (chưa kể lực lượng vũ trang) liên quan đến công tác phục vụ nhân dân. Những cán bộ này phải tận tụy, gương mẫu, lễ phép với nhân dân. Việc một bộ phận công chức quan liêu, xa rời dân thuộc về vấn đề đạo đức công vụ. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về vấn đề này, sắp tới Chính phủ sẽ thanh tra, kiểm tra, đổi mới chính sách công vụ, tinh giản biên chế, tổ chức thi tuyển để lựa chọn cán bộ tốt phục vụ nhân dân, đánh giá nghiêm túc chất lượng công chức, để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn.

Liên quan đến tin nhắn rác, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn: “Tin nhắn rác tràn lan gây bức xúc, nhiều người coi đây là “khủng bố tin nhắn”. Chính phủ chỉ đạo thế nào để giải quyết tình trạng này?”. PTT Nguyễn Xuân Phúc đưa ra con số “đã phạt gần 3 tỷ đồng đối với đối tượng nhắn tin nhắn rác”. Nguyên nhân tin nhắn rác nhiều là do số lượng máy điện thoại di động rất lớn, việc quản lý đầu vào chưa chặt, nhà mạng thiếu trách nhiệm. Do vậy, cần có chế tài xử phạt nặng hơn đối với hành vi này, đồng thời, nhà mạng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết tin nhắn rác. PTT cũng đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông nhanh chóng đưa ra các giải pháp cụ thể.