Soi mình trong mắt trẻ

ANTĐ - Theo ông, vì sao người già thường thích chơi với trẻ con?

- Nói cho nhanh, mình là cả một khoảng tối ẩn chứa vô vàn những “cặn bã”, những thói tật chẳng hay ho gì. Vì thế, chơi với trẻ nhỏ là được đắm mình giữa một quầng sáng trong lành, tinh khiết không một chút vẩn đục, bụi bặm. 

- Ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng đến dại khờ chính là thế giới của trẻ thơ. Người lớn không nên can thiệp làm ô nhiễm. Vừa rồi có một trang báo mạng trích dẫn những bài văn “bất hủ” của học trò. 

- Lâu nay thầy cô thường nhồi nhét vào đầu óc trẻ nhỏ những bài văn mẫu, những câu văn sáo rỗng, từ mọi chi tiết tới cảm xúc đều rập đúng một khuôn. Lấy đâu ra thứ văn “bất hủ”?.

- Có đấy! Một đứa trẻ đã tả thực: “Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa?”.

- Quả là một bài văn miêu tả chân thực đến… sửng sốt. Thầy cô chỉ cần uốn nắn một hai chữ thôi, còn thì phải tôn trọng sự hồn nhiên đến ngây ngô và cảm nghĩ chân thực của trẻ.

- Trong mắt trẻ có nhiều cách nhìn, tả thực rất chân thật, có gì mà bất ngờ, sửng sốt. Chỉ có người lớn áp đặt suy nghĩ, cảm nhận của mình lên trẻ con, thì mới thấy… choáng. 

- Mỗi khi chơi với trẻ con tôi cảm thấy mình yên tâm, thanh thản, nhất là khi soi vào mắt trẻ như tấm gương trong vắt mới thấy rõ sự tối tăm, giả dối, thiếu trung thực của người lớn.