Soi lại mình

ANTĐ - Hơn 6 năm kể từ ngày nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng đủ để nhìn lại một chặng hội nhập với những gì đã đạt được và chưa được trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. 

Trong nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn được coi là một trong những quốc gia đạt kỳ tích về xóa đói giảm nghèo. Một con số thường được đưa ra làm bằng chứng là mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng vọt từ 200USD vào những năm 1990 lên 1.600USD năm 2012. Tăng mức thu nhập tới 8 lần quả là đầy ấn tượng, hứa hẹn tiềm năng nâng cao mức sống và tích lũy của cải.

Thu nhập đầu người chỉ là một trong nhiều “thước đo”. Nhớ lại năm đầu tiên bước chân vào WTO, nền kinh tế đã rực rỡ một màu hồng tươi thắm. Tổng dư nợ tín dụng tăng kỷ lục ở mức 53,9% theo giá thực tế, nhập khẩu tăng vọt tới 40%, nhập siêu hàng hóa tăng mạnh đạt 14,2 tỷ USD năm 2007 và 18 tỷ USD năm 2008 nhưng đồng tiền không hề mất giá. Đó là vì dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ồ ạt với vốn đầu tư trực tiếp tăng đến 93,4% so với  năm 2006. Đặc biệt là vốn đầu tư toàn xã hội tăng tới 46,5%, góp phần đẩy mạnh GDP đạt mức tăng kỷ lục 8,5%, cao nhất so với 10 năm trước đó.

Lẽ ra vào thời điểm đó, nếu nắm bắt tốt cơ hội và lợi thế của bước xuất phát đầy triển vọng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu, mở rộng xuất khẩu, thì sẽ không dẫn đến những hệ lụy về “bong bóng” bất động sản, chứng khoán, ngân hàng cũng như hậu quả đầu tư ngoài ngành, “bóc ngắn cắn dài”. Đương nhiên không thể bỏ qua một thực tế khách quan là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã giáng một đòn “chí mạng” đẩy nền kinh tế nước ta vào cuộc lạm phát lên tới đỉnh điểm 28,3% vào năm 2008.

Kéo theo đó là nợ xấu, một số tập đoàn kinh tế đổ vỡ, bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán phập phù, hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO  thẳng thắn thừa nhận rằng, dường như hội nhập chưa mang lại lợi ích đáng kể đối với tăng trưởng xuất khẩu hoặc giới doanh nghiệp nước ta chưa tận dụng được đáng kể cơ hội mới từ các nền kinh tế thành viên WTO. Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, chất lượng tăng trưởng kinh tế 5 năm sau WTO giảm sút hơn so với 5 năm trước gia nhập.

Những bài học từ cuộc khủng hoảng, lạm phát vẫn còn nóng hổi tính thời sự cho bản thân các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cũng như dân doanh phải tự thiết kế chiến lược hậu WTO. Chẳng hạn, để tăng xuất khẩu không nên chỉ chăm chăm tăng sản lượng mà còn phải tăng chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, nâng cao giá trị chuỗi hàng hóa. 

Trước khi gia nhập WTO, các chuyên gia trong và ngoài nước từng nói, Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác. Hơn 6 năm bước lên “con tàu” WTO rồi, nên không thể nửa đường “nhảy” xuống được, bởi theo giới chuyên gia, nếu không còn WTO thì Việt Nam còn khó khăn hơn. Còn vì sao vào WTO lại không “khỏe” hơn thì bản thân các bộ, ngành cũng như mọi thành phần kinh tế nên tự soi lại mình.

Tin cùng chuyên mục