Sợi dây tình người đủ đầy, ấm áp giữa tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã 10 ngày nay, ngày nào bản tin chống dịch Covid-19 cũng nhắc tới “điểm nóng” Thuận Thành (Bắc Ninh). Đúng là Thuận Thành “nóng” thật, khi những con số về các ca dương tính với Covid-19 vẫn “nhảy múa”, nhưng tuyệt nhiên không thấy sự hoảng loạn trong “điểm nóng”

Tuyệt nhiên chúng ta không nhìn thấy một hình ảnh hoảng loạn, nghe thấy một câu than thở tiêu cực của người dân trong tâm dịch này.

Họ đã sống và cùng nhau đương đầu với dịch bệnh như thế nào (?!).

Đêm qua. Tôi và chị Nguyễn Thị Huyền - cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh còn trao đổi với nhau về tình hình dịch bệnh ở Bắc Ninh. Chị Huyền là người gốc huyện Tiên Du nhưng mới đi thăm các chốt ở vùng dịch Thuận Thành về. Chị bảo: “Em ơi, quê mình tuy dịch vất vả, có thể nói là thiệt hại, mất mát nhiều thứ lắm. Nhưng lại thấy được cũng nhiều - đó là được lòng người”.

Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, những người phụ nữ tỉnh Bắc Ninh không có ai ngồi yên cả, phong trào tự nguyện nấu cơm phục vụ con em trong tỉnh bị cách ly diễn ra ở khắp các xóm, các làng, những bà, những chị ai cũng chọn mớ rau ngon nhất trong vườn, cân gạo tốt nhất của gia đình mang tặng người đang cách ly. Còn những người nấu ăn thì luôn tìm miếng thịt tươi, con cá ngon nhất để mua, họ gửi tình cảm vào suất cơm với hy vọng, đồng bào mình trong thời gian điều trị bệnh sao cho đủ đầy, ấm áp, ngon miệng và mạnh khỏe.

Như chị Nguyễn Thị Vấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, khi nhìn thấy một cụ già 90 tuổi phải vào khu cách ly chị đã không cầm được nước mắt chia sẻ: “Khi nhìn thấy cụ, tôi lại nghĩ tới mẹ mình, nên tôi sẽ nấu những bữa ăn ngon nhất, đảm bảo nhất để mọi người có đủ sức khỏe mà chiến đấu với bệnh tật”. Với các em bé, chị còn nấu cháo để các em dễ ăn.

Khi dịch bệnh xảy ra, phụ nữ tỉnh Bắc Ninh không có ai ngồi yên cả, phong trào tự nguyện nấu cơm phục vụ con em trong tỉnh bị cách ly diễn ra ở khắp các xóm, các làng

Khi dịch bệnh xảy ra, phụ nữ tỉnh Bắc Ninh không có ai ngồi yên cả, phong trào tự nguyện nấu cơm phục vụ con em trong tỉnh bị cách ly diễn ra ở khắp các xóm, các làng

Có thể nói lời nhắn nhủ của những người phụ nữ trong vùng dịch với bà con, với người thân của mình, hơn cả một lời động viên. Hội Phụ nữ xã Đình Tổ - dưới đáy mỗi hộp cơm mà các chị gửi vào khu cách ly hàng ngày đều có một mảnh giấy mang nội dung: “Hôm nay ngày mười một, tháng năm. Cả nhà vẫn khỏe đúng không cả nhà? Nhớ ăn hết phần cơm, ngủ đủ giấc và thực hiện “5K” nhé. Chúc mọi người luôn khỏe”.

Một miếng giấy nhỏ xinh, một thông điệp mộc mạc, nhưng nó có tác dụng như là một liều thuốc tinh thần cho những người đang phải chiến đấu với bệnh dịch. Điều đó ít nhiều cũng khiến những người trong “điểm nóng” có cách ứng xử tích cực, hay tuân thủ nghiêm ngặt “5K” trong khu cách ly. Để khỏi phụ lòng những người đang chăm sóc mình từ xa mà đa số là không biết mặt nhau chỉ liên hệ qua “sợi dây tình người”.

Một miếng giấy nhỏ xinh, một thông điệp mộc mạc, nhưng nó có tác dụng như là một liều thuốc tinh thần cho những người đang phải chiến đấu với bệnh dịch

Một miếng giấy nhỏ xinh, một thông điệp mộc mạc, nhưng nó có tác dụng như là một liều thuốc tinh thần cho những người đang phải chiến đấu với bệnh dịch

Còn người dân thì sao? Người dân Mão Điền sau giây phút bỡ ngỡ, thì có thể nói là hợp tác tuân thủ toàn diện đối với các y, bác sỹ tham gia lấy mẫu. Rất nhiều người còn mang sữa, hoa quả, trứng thịt và cả thuốc bổ... ra Trạm y tế, nơi các kíp y tế trực chiến để tặng. Nhân dân ai cũng mang một cảm giác trách nhiệm, chia sẻ, hơn là biết ơn đối với những thầy thuốc đã hy sinh nhiều phần sức khỏe của mình để bảo vệ chăm sóc họ (không ít y, bác sỹ đã ngất xỉu ngay tại bàn lấy mẫu, vì nắng nóng khắc nghiệt và thời gian làm việc liên tục quá dài).

Chủ tịch huyện Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương vội vã chia sẻ cùng tôi qua điện thoại. Anh trực chiến ngay tại trụ sở nhiều ngay nay chưa về nhà. Thuận Thành tiếp tục dồn toàn lực để ngăn vùng dập dịch, cắt đứt toàn bộ đường lây chéo và quyết không để dịch bùng phát phức tạp thêm. Ngoài chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì chủ trương của huyện cũng chăm lo tới đội ngũ người chống dịch một cách đầy đủ. “Vì chúng tôi hiểu đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Để bảo vệ và xây dựng quê hương mình” - Suy nghĩ của Chủ tịch huyện Thuận Thành cũng là suy nghĩ của mỗi công dân nơi này, không màu mè nhưng hào hoa và sắt đá.

Còn chúng tôi cộng đồng những con em Thuận Thành sinh sống ở Thủ đô, khi thấy tin quê mình bị phong tỏa, ai cũng như thắt lòng lại. Khi xảy ra chuyện với quê hương, ai cũng hạn chế nói ít đi, làm nhiều thêm và xích lại gần nhau hơn để tạo ra một sức mạnh tập thể, để động viên khích lệ quê hương. Biết rằng quê nhà không nghèo khó, nhưng đã có những xe hàng, những món tiền được chuyển về, nhằm động viên quê hương vững lòng chống dịch. Cũng là để chúng tôi nhanh được về với mẹ, thăm xóm với làng sớm hơn.

Ai cũng biết xứ Kinh Bắc với phòng tuyến sông Như Nguyệt đã đi vào lịch sử để bảo vệ Kinh thành Thăng Long hàng nghìn năm qua. Và một lần nữa người Bắc Ninh hôm nay lại mang một ý thức chiến đấu với dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ đất nước.

Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng

Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng

Số phận. Lịch sử. Địa lý. Bắc Ninh luôn là lá chắn, là phên dậu và luôn là chiến lũy để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, từ trong ý thức lẫn những gì đã diễn ra trong thực tế ngày nay. Đó là quyết tâm, là ý chí và là tâm nguyện của mỗi người dân Bắc Ninh đang sống ở quê nhà hay định cư ở Hà Nội. Đó. Vậy thôi. Chúng tôi sống, chiến đấu trong tâm dịch như vậy, quyết liệt và đơn giản đến lạ thường!

Tin đọc nhiều