Sổ trực ban chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

ANTĐ - Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là chiến dịch quân sự có thời gian diễn biến ngắn nhất trong Chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 26 đến 30 tháng 4 năm 1975 (tại Sài Gòn) và kéo theo các cuộc nổi dậy vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 1 và 2 tháng 5. 

Chiến dịch này đã chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam sau 21 năm, đưa đến việc thống nhất đất nước, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng lãnh hải, vùng trời và hải đảo. Tất cả những thông tin về tình hình chiến sự quân ta và quân địch, tình hình lương thực, vũ khí, các mũi tấn công, các mục tiêu chính tại Sài Gòn... trong chiến dịch này đều được ghi lại trong cuốn sổ hình chữ nhật có bìa nhựa màu xám nâu, in số và chữ: 555 - 320 pages. Giấy carô, viết bằng tay, dày 54 trang… ghi dòng chữ “SỔ TRỰC BAN CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH” từ ngày 25-4-1975 đến ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Đây là cuốn sổ được các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương ghi lại một cách chi tiết, cụ thể những diễn biến tình hình chiến sự, từ ngày 25-4 đến ngày 1-5 năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuốn sổ như một minh chứng lịch sử ghi lại những sự kiện tác chiến gay go, quyết liệt của các đơn vị, các mũi, các hướng tham gia chiến dịch đã diễn ra dồn dập trong 6 ngày đêm lịch sử, ghi dấu những khoảng khắc hào hùng và anh dũng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 1-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận hiện vật lịch sử này là bảo vật quốc gia. Hiện cuốn sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” đang được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7.