So sức mạnh 6 tàu ngầm Kilo Việt Nam và Hạm đội Biển Đen

ANTĐ - Cuối năm nay, nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga sẽ bàn giao nốt tàu ngầm lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) thứ 6 cho Việt Nam và cũng bàn giao đủ 6 chiếc tàu ngầm loại này cho Hạm đội Biển Đen.

So sức mạnh 6 tàu ngầm Kilo Việt Nam và Hạm đội Biển Đen  ảnh 1
Việt Nam nhận đủ 6 tàu ngầm Kilo trong năm nay

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin từ phòng thông tin của Tổng công ty đóng tàu (OSK) hôm 10-2 cho biết, tàu ngầm diesel-điện cuối cùng trong hợp đồng bán 6 tàu ngầm Project 636 - lớp Varshavyanka sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam trong khoảng thời gian tháng 11-12 năm 2016.

Theo đó, việc vận chuyển chiếc tàu ngầm cuối cùng cho khách hàng Việt Nam được lên kế hoạch vào tháng 11 hoặc chậm nhất là tháng 12 năm 2016, để đến tháng 1 năm 2017, tàu ngầm sẽ có mặt tại vị trí triển khai.

Các tàu ngầm dự án 636, lớp Varshavyanka thuộc thế hệ tàu ngầm thứ 3 có lượng giãn nước 3950 tấn khi lặn, tốc độ khi lặn 20 hải lý, khả năng lặn sâu tối đa 300 mét, thủy thủ đoàn gồm 52 người.

Tàu có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lớn gấp 3-4 lần so với khả năng của các tàu ngầm đối phương. Khả năng di chuyển cực êm, hầu như không tạo ồn của tàu ngầm lớp Varshavyanka được NATO thán phục, gọi là "hố đen đại dương" (Black Hole).

Hợp đồng mua sắm 6 tàu ngầm lớp Kilo, tổng trị giá 2 tỷ USD đã được Tổng công ty xuất nhập khẩu quốc phòng Nhà nước của Nga là Rosoboronexport ký với Chính phủ Việt Nam vào cuối năm 2009. Trong giai đoạn 2014-2015, Nga đã bàn giao cho Việt Nam tổng cộng 4 tàu.

Nhà máy Admiralty đóng song song cả 6 tàu cho Việt Nam và 6 tàu cho Hạm đội Biển Đen

Hiện nay, cả bốn chiếc đầu tiên trong loạt 6 tàu này (lần lượt mang số hiệu và tên là 182 Hà Nội, 183 Hồ Chí Minh, 184 Hải Phòng, 185 Khánh Hòa) đang phục vụ tại căn cứ hải quân ở Cam Ranh. Chiếc thứ 5 mang tên Đà Nẵng cũng vừa đã được giao cho Việt Nam hồi đầu tháng này.

Chiếc cuối cùng trong loạt 6 tàu ngầm của Việt Nam mang mã số nhà máy là 01344 và sẽ được đặt tên cùng với số hiệu là 187 Bà Rịa - Vũng Tàu. Nó được khởi đóng vào ngày 28-5-2014 và được hạ thủy vào ngày 28 tháng 9 năm 2015 và bàn giao cho Việt Nam vào cuối năm 2016.

Admiralty đóng song song 6 tàu cho Việt Nam và 6 tàu cho Nga

Được biết, song song với loạt 6 tàu ngầm Kilo đóng cho Việt Nam, Nhà máy Admiralty cũng đang hoàn thiện nốt những chiếc cuối cùng trong loạt 6 tàu ngầm lớp này, được hải quân Nga đặt riêng cho Hạm đội Biển Đen, nhằm nâng cấp thần tốc sức mạnh của hạm đội này.

Hiện Hạm đội Biển Đen đã tiếp nhận vào biên chế 3 chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này là chiếc B-261 Novorossiisk, B-237 Rostov-on-Don và B-262 Stary Oskol. Chiếc thứ 4 mang số hiệu B-265 Krasnodar cũng sắp được bàn giao.

2 chiếc cuối cùng mang số hiệu B-268 Veliky Novgorod và B-271 Kolpino sẽ gia nhập Hạm đội Biển Đen vào cuối năm nay, tăng cường khả năng tấn công mạnh mẽ, đối phó với sự uy hiếp của chiến hạm Mỹ-NATO trong khu vực Biển Đen và ngoài Địa Trung Hải.

Tàu ngầm Kilo B-237 Rostov-on-Don của Hạm đội Biển Đen phóng tên lửa Kalibr vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa-Syria

Tối 8-12-2015, tàu ngầm thứ 2 của Hạm đội Biển Đen là B-237 Rostov-on-Don đã chứng minh uy lực mạnh mẽ của mình bằng vụ phóng tên lửa hành trình Kalibr-PL vào các mục tiêu đầu não của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở thành phố Raqqa của Syria, cách xa hơn 1000km.

Được biết, hệ thống Kalibr có 2 dòng tên lửa là 3M54, tiêu diệt chiến hạm ở xa đến 660km và 3M14 tấn công mục tiêu trên bờ ở cự ly 1500 km-2.500 km. Khi thực hiện nhiệm vụ, tùy theo tính chất nhiệm vụ mà chúng mang theo một trong 2 loại tên lửa hoặc mang cả 2 loại.

Tuy nhiên, phiên bản xuất khẩu Club-S trên các tàu ngầm Kilo của Việt Nam mặc dù cũng có đủ 2 loại tên lửa chống hạm và đối đất, nhưng chúng chỉ có tầm phóng 290km, do những hạn chế về tầm phóng (không quá 300km) trong Hiệp ước quy định về xuất khẩu công nghệ tên lửa.

Tuy nhiên, chỉ cần có tầm phóng như vậy thì hải quân Việt Nam cũng đã sở hữu những vũ khí lợi hại, với những đòn tấn công ngầm dưới đáy biển rất khó đối phó, là cơ sở để hải quân Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và lợi ích kinh tế biển của quốc gia.