Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội thông tin về quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Phạm Quốc Tuyến- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội đã chỉ ra một số điểm cần xem lại trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 1-7.
Ông Phạm Quốc Tuyến- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến Trúc Hà Nội thông tin về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương -Tố Hữu

Ông Phạm Quốc Tuyến- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến Trúc Hà Nội thông tin về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương -Tố Hữu

Ngày 17-5-2022, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận số 39/KL-TTr về nội dung thanh tra nêu trên. Phạm vi thanh tra gồm khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình. Đây là một đoạn tuyến thuộc tuyến đường chính đô thị hướng tâm Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình đến vành đai 4 (sau đây gọi tắt là tuyến đường).

Tổng chiều dài trục đường khoảng 11km, mặt cắt ngang điển hình B = 40m, quy mô 6 làn xe trong đó 2 làn dành cho tuyến BRT và 4 làn hỗn hợp cho xe cơ giới và xe thô sơ; đi qua các địa bàn quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông thuộc các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, GS và S4 được UBND Thành phố phê duyệt.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội, hiện nay, đa số các ô đất đã được giao chủ đầu tư thực hiện dự án, phần lớn các ô đất đã, đang đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Trên đoạn tuyến này có 60 dự án, trong đó có 49 dự án được Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận thuộc đoạn tuyến nêu trên và Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Trục Lê Văn Lương luôn được xác định là trục cao tầng

Về các nội dung được thanh tra kết luận gồm: việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, không thuộc trường hợp được điều chỉnh; Chỉ tiêu quy hoạch đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án phê duyệt trước; Các đồ án quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết, dự án và dự án đầu tư; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tổng mặt bằng không thuộc trường hợp được điều chỉnh.

Vi phạm quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; Điều chỉnh quy hoạch và tổng mặt bằng nhiều lần làm thay đổi định hướng quy hoạch đã xác định trước đây; Quá trình làm điều chỉnh quy hoạch chưa tuân thủ các quy định (không thuyết minh sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, ghi không đúng quy định số tầng cao, ranh giới tầng hầm vượt CGXD, mật độ xây dựng, chỉ tiêu cây xanh... chưa đúng); Thực hiện công bố công khai quy hoach và TMB chưa đúng thời gian, hình thức.

Theo ông Phạm Quốc Tuyến, tuyến đường Lê Văn Lương được hình thành từ lâu, tuy nhiên có tính chất thay đổi qua nhiều thời kỳ và đặc biệt là sau khi xây dựng cầu Hòa Mục năm 1998, hình thành tuyến đường trục xuyên tâm từ thành phố Hà Nội tới tỉnh Hà Tây.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình nằm trong khu vực nội đô mở rộng (Khu B) và chuỗi đô thị phía Đông đường vành đai 4 (Khu D). Cụ thể tuyến đường này đi qua các khu vực quận Cầu Giấy - Từ Liêm (B2), khu vực quận Thanh Xuân (B3) và khu đô thị Hà Đông (D4).

Các khu vực này chủ yếu có chức năng sử dụng đất gồm: đất đô thị hiện trạng, làng xóm đô thị hóa, đất cây xanh công viên, hồ điều hòa, đất đơn vị ở mới, đất công cộng, hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở)… Khu vực này được định hướng phát triển cao tầng với mật độ cao tiết kiệm đất, có không gian tàng cao tạo hình ảnh đô thị hiện đại cho khu vực nội đô mở rộng… được định hướng cụ thể như sau:

Tạo lập không gian đô thị hiện đại của Thủ đô, ưu tiên xây dựng các công trình quy mô lớn; Phát triển mới các quần thể kiến trúc cao tầng quy mô lớn, đa chức năng; Thiết lập các trục không gian đô thị hiện đại trên các đường Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương…;

Phát triển các trung tâm đa chức năng mật độ cao tại dọc quốc lộ 6, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường vành đai 3,5…;

Xây dựng các khu nhà ở mới cao tầng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhà ở và dãn dân từ khu vực nội đô lịch sử. Chủ yếu xây dựng chung cư cao tầng hiện đại chất lượng cao, hạn chế phát triển nhà ở thấp tầng;

Phát triển mới các tổ hợp văn phòng, giao dịch cao tầng, hiện đại hoặc kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn trên các tuyến đường chính đô thị như Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương…; Chỉ tiêu quy hoạch: Khuyến khích xây dựng công trình cao tầng.

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND Thành phố đã triển khai lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu.

Theo quy hoạch phân khu đô thị H2-2 được duyệt năm 2015, đối với chức năng hỗn hợp xác định tầng cao 30, 35 và cao nhất là 45 tầng.

Về việc cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với các ô đất trên tuyến Lê Văn Lương và khu vực phụ cận: Theo quy định Luật Quy hoạch, việc cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được thực hiện trên cấp độ quy hoạch phân khu được xem xét cân đối trong các đơn vị ở, khu ở, đô thị. Hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống đường giao thông khu vực, liên khu vực, san nền cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc… cũng được cân đối tính toán trên các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các quận huyện như đã nêu tại phần trên.

Đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, các khu chức năng đô thị thực hiện việc bố trí các chức năng sử dụng đất hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu và giải pháp đấu nối về hạ tầng kỹ thuật và các khu vực lân cận, liền kề.

“Quy hoạch chi tiết trục đường chỉ giải quyết chủ yếu các yếu tố về thiết kế đô thị, không gian kiến trúc cảnh quan, đấu nối kỹ thuật của các dự án với bên ngoài (các chỉ tiêu thực hiện theo quy hoạch phân khu).

Qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố theo 1.000 năm Thăng Long, để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND Thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.

Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt”- lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nói.

Kết luận tại một số dự án chưa thỏa đáng

Với các định hướng tại Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

“Do đó, việc kết luận cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng”- đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho hay.

Về điều kiện điều chỉnh quy hoạch: Điều kiện điều chỉnh quy hoạch được quy định tại Điều 26 Luật Xây dựng 2003, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị. Trục Lê Văn Lương phê duyệt quy hoạch năm 2002, năm 2008 hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, như vậy thay đổi địa giới hành chính, thay đổi về kinh tế xã hội.

Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (thay thế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/8/1998 - thay đổi quy hoạch cấp trên).

Thực hiện việc giải cứu thị trường bất động sản theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, điều chỉnh phục vụ đấu giá, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng 1997, đối với chiếu với quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình là đảm bảo phù hợp.

Do vậy, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong suốt giai đoạn này.

Cách hiểu về điều chỉnh quy hoạch chưa đúng

Về việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần: Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần.

Đối chiếu với quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng các văn bản như: Văn bản chủ trương của UBND Thành phố, văn bản trả lời liên thông của Sở, văn bản chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, văn bản điều chỉnh cơ cấu căn hộ theo Nghị Quyết 02 của Chính phủ, Văn bản liên quan đến số tầng nhà (liên quan đến tầng kỹ thuật), Văn bản của Văn phòng UBND Thành phố thông báo chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố…. được hiểu là các lần điều chỉnh là chưa đúng quy định nêu trên của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nêu ví dụ: Tại dự án tổ hợp Văn phòng, dịch vụ Thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng Công ty Thành An - Coty TNHH MTV là chủ đầu tư, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dưng là điều chỉnh quy hoạch 4 lần. Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc theo trên, thực tế UBND Thành phố chỉ điều chỉnh quy hoạch 1 lần tại Quyết định số 2630/QĐ-UBND ngày 10/6/2011.

Về nội dung kết luận của Thanh tra việc không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng dẫn chiếu các quy định của pháp luật liên quan và cho rằng Thanh tra Bộ Xây dựng cần xem lại cho phù hợp.

Tuy vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND Thành phố, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra.