Số phận mong manh của những đứa trẻ được “đẻ thuê” ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước khi xảy ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, Ukraine là một trong những nơi lý tưởng hàng đầu thế giới về dịch vụ mang thai hộ. Nhưng hiện giờ, một trong những cơ sở “đẻ thuê” lớn nhất nước này cũng khó đảm bảo được an toàn cho những đứa trẻ mới sinh cho đến khi được cha mẹ chúng đón về.

Nuôi giấu trẻ sơ sinh trong hầm trú ẩn

Trong khuôn viên của BioTexCom (cơ sở chuyên về dịch vụ mang thai hộ ở Ukraine), một đứa trẻ sơ sinh được quấn trong một chiếc chăn hoa ọ ẹ khóc. “Suỵt…” - cô y tá cúi xuống đu đưa chiếc cũi để dỗ cho trẻ nín khóc. Đoạn video này đăng trên BioTexCom kèm theo dòng chữ: “Các bệnh nhân BioTexCom thân mến! Thật không may, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã vượt quá mọi dự đoán có thể xảy ra. Chúng tôi kêu gọi các bạn giữ bình tĩnh, đừng hoảng sợ và tuân thủ các quy tắc. Chúng tôi nhắc nhở bạn rằng, cuộc sống của bạn và con bạn phụ thuộc vào điều đó”.

Em bé sơ sinh nói trên là 1 trong 18 trẻ hiện đang trú ẩn trong một boong-ke của cơ sở làm dịch vụ mang thai hộ lớn nhất Ukraine (chiếm 1/4 thị trường toàn cầu) nằm ở ngoại ô Kiev, trong thời gian chờ gia đình đến đón. Nhưng kể từ khi xung đột nổ ra, những đứa trẻ như vậy vẫn tiếp tục chào đời, hàng trăm thai phụ khác vẫn chờ ngày sinh nở, trong khi việc đón con của các bậc cha mẹ tương lai ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Từ năm 2015, Ukraine đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về dịch vụ mang thai hộ, trong khi nhiều quốc gia khác như Nepal, Ấn Độ và Thái Lan đã cấm hoạt động này. Theo ước tính, quốc gia Đông Âu này đã cho ra đời khoảng 2.000 - 3.000 trẻ sơ sinh do “đẻ thuê”, hầu hết cha mẹ ở nước ngoài. Trước chiến tranh, hệ thống mang thai hộ ở Ukraine được nhiều người coi là chuyên nghiệp và không phức tạp. Tại BioTexCom, các gói dịch vụ mang thai hộ có giá từ 40.000 - 65.000 euro, thấp hơn nhiều so với ở Mỹ, nơi dịch vụ này cũng được cho phép.

Maria Holumbovska - người phụ trách kinh doanh của BioTexCom tại Đức, hiện vẫn ở Kiev. Chị cho biết, ngoài 18 trẻ sơ sinh tại ngoại ô Kiev vốn đang được chăm sóc dưới hầm trú ẩn để tránh không kích, họ còn 17 trẻ sơ sinh khác ở các phòng khám phụ sản trên khắp cả nước. Chỉ khi tình hình ổn định, họ mới có thể đón chúng về cơ sở chính của mình để chăm sóc.

Mô tả về điều kiện sống trong các hầm trú ẩn, Maria kể, vùng ngoại ô Kiev vẫn tương đối yên tĩnh và mọi người chỉ có thể nghe thấy một vài tiếng nổ ở phía xa. Có 8 y tá chăm sóc các em bé, hầu hết họ là phụ nữ đã có gia đình riêng và đến từ các vùng khác của đất nước. Kể từ khi xung đột nổ ra, họ không thể về nhà được nữa. “Chúng tôi vẫn được cung cấp đầy đủ về tã lót và thực phẩm nhờ sự quyên góp hào phóng từ nhiều quốc gia. Các bậc cha mẹ trước đây từng sử dụng dịch vụ mang thai cũng tham gia gửi đồ cứu trợ” - Maria nói.

Những đứa trẻ mang thai hộ ở Ukraine đang được chăm sóc dưới hầm trú ẩn trong thời gian xảy ra chiến sự và bố mẹ chưa thể đến đón

Những đứa trẻ mang thai hộ ở Ukraine đang được chăm sóc dưới hầm trú ẩn trong thời gian xảy ra chiến sự và bố mẹ chưa thể đến đón

BioTexCom có khoảng 600 phụ nữ nhận mang thai trong cả nước, khoảng 80 người trong số đó đang phục vụ khách hàng là cha mẹ người Đức. “Chúng tôi đã kịp thời sơ tán tất cả phụ nữ mang thai ra khỏi Mariupol. Một số khác ở Kiev vẫn đang sống trong nhà của họ, trong khi những người còn lại đang sống trong khu sinh hoạt chung. “Nói chung, chúng tôi chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chúng tôi vẫn có thể mua sắm trong siêu thị. Khi có cảnh báo không kích vang lên, chúng tôi đi đến nơi trú ẩn. Lúc đầu việc này khiến chúng tôi khá sốc, nhưng bây giờ thì đã quen” - Maria kể.

Ngay khi xảy ra chiến tranh, trung tâm mang thai hộ này đã cân nhắc sơ tán thai phụ ra khỏi Ukraine, nhưng họ không nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài. Mặt khác, với những phụ nữ đang ở gần cuối thai kỳ, sẽ là quá nguy hiểm nếu phải trải qua một hành trình dài để rời khỏi đất nước. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong số họ rơi vào khu vực giao tranh? Rất có thể họ sẽ phải sinh con ở một nơi không phải phòng khám hoặc bệnh viện. Vì vậy, BioTexCom quyết định tốt hơn là nên ở lại và chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Hợp đồng cũ, thực tế mới

Khi xung đột nổ ra ở Ukraine, ngành công nghiệp mang thai hộ của nước này đã bị phá sản, khiến những người sắp lên chức cha mẹ lẫn các bà mẹ mang thai hộ rơi vào tình trạng lấp lửng. Những hợp đồng mang thai hộ đem lại hy vọng và hiện thực hóa ước mơ của cả hai phía: Các cặp vợ chồng sẽ có đứa con ao ước sau nhiều năm chữa trị vô sinh hay tìm đến các cơ quan nhận con nuôi, phía bên kia là những phụ nữ Ukraine có thể đổi đời nhờ kiếm được khoảng 16.000 - 21.000 euro qua việc cho thuê tử cung trong vòng vài tháng.

Thế nhưng, chiến sự ở Ukraine đã đẩy tất cả các bên liên quan vào tình thế khó xử chưa từng có, đó là đối mặt với những thách thức không lường trước được. Tình huống này đặt ra một số câu hỏi: Liệu người mẹ đang mang thai hộ có phá hợp đồng và bỏ trốn cùng với người thân của họ không? Hay họ chấp nhận cam chịu tình cảnh hiện tại để cứu đứa trẻ trong bụng mà vốn không phải con mình? Dù đi hay ở thì những người mẹ này cũng chịu sự dằn vặt rất lớn.

Trẻ sơ sinh ở BioTexCom, một trong những công ty môi giới mang thai hộ lớn nhất của Ukraine và trên thế giới

Trẻ sơ sinh ở BioTexCom, một trong những công ty môi giới mang thai hộ lớn nhất của Ukraine và trên thế giới

BioTexCom nhận được sự đảm bảo từ những thai phụ đã sơ tán rằng, họ sẽ quay trở lại để sinh em bé. Vì các bà mẹ mang thai hộ được trả góp tiền công nên BioTexCom tin tưởng vào khả năng họ sẽ quay lại. Trong khi đó, Susan Kersch Kibler - người sáng lập Delivery Dreams (một công ty môi giới về mang thai hộ) đã vội vàng chuyển những người mẹ mang thai hộ của mình ra nước ngoài nhưng sau đó yêu cầu họ trở về Ukraine cho ngày sinh nở.

Một số báo cáo cho biết, các công ty môi giới khác đã đe dọa các bà mẹ mang thai hộ rằng, họ có thể phải đối mặt với 15 năm tù nếu rời Ukraine. Họ ngăn cản việc các bà mẹ mang thai hộ bỏ trốn vì lo ngại thông tin bí mật có thể bị rò rỉ, mô hình kinh doanh có thể bị giám sát chặt chẽ hơn hoặc tổn thất tài chính có thể xảy ra. Khi ở bên ngoài Ukraine, các bà mẹ mang thai hộ phải đối mặt với một tình huống pháp lý khác. Ở Ukraine, một phụ nữ có thể sinh con mà không được coi là mẹ của đứa trẻ. Vì thế, đứa trẻ có thể nhận được hộ chiếu và rời khỏi đất nước cùng với cha đẻ của mình. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia hiện đang nhận người tị nạn Ukraine, nếu sinh con ở một nước EU, người mẹ sẽ được coi là mẹ của đứa trẻ - một cái mác và vai trò mà họ có thể không bao giờ muốn.

Khách hàng của BioTexCom đến từ khắp nơi trên thế giới như Pháp, Anh, Áo, Thụy Sĩ, Israel, Argentina, Brazil và Trung Quốc. “Hiện nay, phần lớn những đứa trẻ của chúng tôi là người Trung Quốc. Cha mẹ chúng không thể rời khỏi đất nước để đón con vì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt” - Maria cho biết. Khi xảy ra xung đột, hầu hết các bậc cha mẹ đều bất chấp nguy hiểm tìm cách đón con của họ ở Ukraine. Có trường hợp một cặp vợ chồng Thụy Sĩ đã bay đến bằng máy bay riêng.

Trong 3 tuần gần đây, 5 em bé người Đức đã được đón. Hiện BioTexCom còn 3 em bé người Đức khác, trong đó lớn nhất là bé được sinh ra 1 ngày trước khi chiến sự bắt đầu. Bố mẹ của bé trai này muốn đến đón con về. Họ muốn đi bằng ô tô riêng, sau đó đi đoạn cuối bằng tàu hỏa. Tất nhiên, chuyến đi có nhiều rủi ro và phải mất vài ngày. Khi cha mẹ đến nơi, họ không thể ngay lập tức quay lại và trở về nhà vì còn phải làm thủ tục giấy tờ. Trước khi có xung đột, các thủ tục hành chính kéo dài khoảng 1 tháng. Hiện quy trình này đã được rút lại nhanh hơn để các bậc cha mẹ có thể rời đi với con của họ chỉ sau hơn 2 ngày.

Điều khá khó khăn là việc cấp hộ chiếu từ các đại sứ quán. Trẻ cần được ghi vào sổ đăng ký khai sinh và được cấp hộ chiếu để ra khỏi Ukraine. Nhưng điều đó không thể xảy ra trong hoàn cảnh hiện tại, bởi dù có vượt qua bom đạn đến Ukraine cứu con mình, nhiều bậc cha mẹ sẽ phải đối mặt với các văn phòng đóng cửa và đại sứ quán bỏ hoang.

Kể từ khi xung đột nổ ra, những đứa trẻ được mang thai hộ ở Ukraine vẫn tiếp tục chào đời, hàng trăm thai phụ khác vẫn chờ ngày sinh nở trong khi việc đón con của các bậc cha mẹ tương lai ngày càng trở nên khó khăn hơn.