Số phận của chiếc ô giữa chốn phố phường tấp nập

ANTD.VN - Gần như muôn loài đều có nhu cầu che mưa che nắng. Duy chỉ có con người biết chế tạo và sử dụng những công cụ che chắn như vậy. Người tiền sử cũng đã biết dùng lá cây, lông chim che mưa che nắng trên đầu. Dấu vết ấy thật ngạc nhiên vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở nhiều bộ tộc hoang dã.

Chiếc ô bây giờ được dùng với nghĩa bóng là thông dụng hơn cả - Ảnh: Lam Thanh

Người hiện đại cũng nối tiếp truyền thống của tổ tiên dùng những vật phẩm thiên nhiên có sẵn để chế ra các dụng cụ che mưa che nắng. Chiếc nón lá bây giờ dù được gia công tinh xảo đến thế nào đi chăng nữa cũng không thoát khỏi vật liệu truyền thống là tàu lá cọ. Cùng với nó là mũ lá cọ của đàn ông có tuổi đời chưa lâu lắm. Chỉ ngang tầm với những mũ nan giang, mũ cói, mũ lá bàng, lá buông theo thiết kế văn minh của thế giới.

Tất nhiên tục ngữ cổ của người Việt có câu “Ăn lông ở lỗ” là để chỉ giai đoạn tiền sử của con người. Thời chưa tìm ra lửa phải ăn sống những con vật bắt được. Thời chưa biết xây nhà phải chui vào hang đá mà trú ngụ. Tục ngữ này còn được dùng thịnh hành ở khắp cả nông thôn thành thị cho đến nửa cuối thế kỉ trước. Đại khái để chê bôi những người có lối sinh hoạt lạc hậu bừa bãi thiếu vệ sinh. Tục ngữ gọi là những người “Ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”.

Hà Nội là một đô thị cổ nhất nước dĩ nhiên có cách che mưa che nắng văn minh nhất từ xa xưa. Tầng lớp quan lại vua chúa có võng lọng khi ra đường. Tầng lớp lao động, buôn bán nhỏ có nón lá che đầu. Chiếc nón như ta thấy hình chóp bây giờ là dùng cho đàn ông. Đàn bà có nón thúng quai thao hình dáng khác hẳn. 

Hà Nội là một đô thị cổ nhất nước dĩ nhiên có cách che mưa che nắng văn minh nhất từ xa xưa. Tầng lớp quan lại vua chúa có võng lọng khi ra đường. Hà Nội vẫn còn dấu vết của phố Hàng Lọng xưa chuyên sản xuất mặt hàng này ở gần ga Hàng Cỏ. Tầng lớp lao động, buôn bán nhỏ có nón lá che đầu.

Chiếc nón như ta thấy hình chóp bây giờ là dùng cho đàn ông. Đàn bà có nón thúng quai thao hình dáng khác hẳn. Dù hình dáng không giống nhau nhưng công dụng đều dùng cho cả hai việc che nắng và che mưa. Mãi đến khi người Pháp vào xứ Đông Dương mới có khái niệm chiếc mũ dùng cho hạng bình dân. Trước chỉ có vua chúa, quan lại được đội mũ bình thiên hoặc cánh chuồn tùy theo phẩm trật.

Nhà cửa trong phố ngày trước cũng không đơn thuần là nơi trú ngụ của một gia đình. Bao giờ ngôi nhà cũng có phần mái hiên thò ra trước mặt tiền dành cho khách qua đường. Trời nắng là nơi nghỉ chân của những hàng gánh rong. Trời mưa là chỗ trú cho bất kì ai lỡ độ đường. Nhiều gia đình trong phố còn nhiệt tình mời khách trú mưa vào nhà uống nước, hút thuốc lào. Những căn biệt thự trong phố do người Pháp hoặc kiến trúc sư Việt thiết kế đã không còn giữ được đặc điểm này nữa.

Nhà văn đỗ phấn

Gặp trời mưa to mà đang đi trên những con phố Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du… đành chịu ướt. Mái hiên biệt thự thường nằm sâu trong khoảnh sân trước nhà, cách một lần hàng rào kiên cố. Bù lại là những hàng cây cổ thụ được trồng có  quy hoạch và mục đích hẳn hoi. Nó là cái ô lớn che nắng suốt cả mùa hè cho những con phố rộng rãi. Điều mà khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào… không thể có.

Chiếc ô từng được dùng phổ biến thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Bẵng đi vài chục năm chiến tranh phá hoại lan rộng ra miền Bắc không còn mấy người dùng nó nữa. Phần vì nó hỏng hóc không có nơi sửa chữa. Phần nữa, người ta ngại cầm chiếc ô có vẻ quan cách không phù hợp với công nông binh rất dễ bị cho là tiểu tư sản. Lúc ấy thành phần tiểu tư sản không được tham gia học tập và làm nhiều việc trong xã hội. Kể cũng tiếc cho một vài thế hệ những gia đình có truyền thống chữ nghĩa và kinh doanh không có điều kiện thi thố tài năng.

Giờ thì người Hà Nội che mưa che nắng tỉ mỉ từ ngôi nhà cho đến từng cá nhân những ai đi trên đường. Tất nhiên vẫn có những luật lệ. Người đi xe máy buộc phải đội “nồi cơm điện” cho cả ba chức năng che mưa, che nắng và giữ ấm dù giữa trưa hè nắng như đổ lửa. Người đi bằng bất cứ phương tiện gì đều không được phép cầm ô. Những mái hiên di động một thời theo tâm lý xưa của người ở phố muốn làm ra lấy chỗ che mưa nắng cho người đi đường cũng đã bị dẹp bỏ gần hết.

Mọi người lại phải quay về với bản tin dự báo thời tiết thường xuyên khác xa với hiện thực mà chuẩn bị đề phòng. Đã có chuyện vui vỉa hè của dân phố nói về bà vợ của ông lãnh đạo cơ quan khí tượng. Bà ấy không bao giờ phải mang áo mưa ra đường. Bởi vì ông ấy dự báo mưa thì sẽ nắng chẳng mang làm gì. Còn nếu ông ấy dự báo nắng thì tốt hơn hết cứ ngồi nhà cho chắc ăn.

Những chiếc ô nhập khẩu tiểu ngạch bán đầy trong các siêu thị. Rất ế hàng. Giá rẻ chỉ bằng bát phở vỉa hè. Người Hà Nội bây giờ rất hiếm khi đi bộ ra đường. Phần vì không có chỗ mà đi. Phần nữa nháo nhào xe cộ cho kịp giờ làm giờ học không thể cầm ô. Chiếc ô để mốc meo xó nhà có khi hàng năm chẳng ngó ngàng tới.

Có chăng chiếc ô bây giờ được dùng với nghĩa bóng là thông dụng hơn cả. Có những chiếc “ô” cấp xã, cấp huyện thôi cũng đủ sức “tỏa bóng” che chở cho cả gia đình. Thậm chí “bóng mát” của nó còn che sang cả họ hàng bên vợ. Những chiếc “ô” cấp tỉnh, cấp bộ thì hình như ngoài sức tưởng tượng của dân phố. Nó có thể “che” kín cả lai lịch học vấn những chân dài hotgirl chễm chệ trong công sở. 

Tin đọc nhiều