Số người chết vì bão số 2 tiếp tục tăng nhanh

ANTĐ - Mưa lũ do ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão số 2 tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi đó,  dự báo cho thấy,  mực nước lũ trên sông Lô, sông Chảy, sông Cầu, sông Thao tiếp tục lên.
Số người chết vì bão số 2 tiếp tục tăng nhanh ảnh 1
Khắc phục thiệt hại do bão số 2 gây ra ở tỉnh Sơn La


Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho hay, đến ngày 21-7, mưa lũ do ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão số 2 tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt giao thông trên nhiều tỉnh miền núi như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu bị ách tắc do sạt lở. Đã có 25 người chết, trong đó Lạng Sơn 5 người, Lai Châu 6 người, Hà Giang 7 người, Lào Cai 3 người, Cao Bằng 1 , Bắc Kạn 1, Sơn La 1 và Tuyên Quang 1 người.

3h sáng 21-7 tại thôn Thiêng Rày, xã Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đã xảy ra mưa lớn gây lở đất, làm 7 người thiệt mạng trong đó có cả các nạn nhân đang ở tại lán công trường làm đường Hồ Thầu. Một em bé mới sinh 10 ngày cũng đã bị đất đá vùi lấp.  Lực lượng chức năng của huyện ngay sau đó đã tìm thấy thi thể của 7 nạn nhân trong vụ sạt lở đất. Ông Hoàng Hải Lý - Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã hoãn các cuộc họp để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện xuống phối hợp với các xã, cùng các lực lượng tại chỗ khẩn trương hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. 

Cũng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các huyện Xín Mần, Quang Bình, TP Hà Giang, Bắc Mê… cũng bị ảnh hưởng nặng từ mưa lũ sau bão số 2. Đối với các hộ gia đình có người chết, bị thương, bị sập nhà, hộ phải di chuyển đến nơi ở mới, huyện Hoàng Su Phì đang xem xét hỗ trợ khẩn cấp; huy động đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương giúp đỡ ngày công, vật chất để giúp nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai. 

Liên quan tới hậu quả sau bão số 2, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Sơn La cho hay, mưa to trên diện rộng đã làm ngập 156 ha lúa, cuốn trôi 6 con trâu, bò; sạt lở, ách tắc các tuyến quốc lộ 43, 6B… Tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 30 tỷ đồng.

Tại Yên Bái, mưa lớn và gió lốc đã làm sập hoàn toàn 2 ngôi nhà tại huyện Yên Bình, ngập lụt và sạt đất gây hư hỏng và ảnh hưởng đến 41 ngôi nhà khác tại huyện Mù Cang Chải, Lục Yên và Văn Chấn. Ngoài ra còn hơn 20 ha lúa bị ngập nước. Trên tuyến Quốc lộ 31 từ Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải có 3 điểm sạt lở ta luy gây tắc đường. Tại huyện Lục Yên nước dâng ngập một số ngầm tràn thuộc hai tuyến đường Yên Thắng đi Mai Sơn và đường từ Thị trấn Yên Thế đi tỉnh Hà Giang gây tắc đường cục bộ… Mưa bão số 2 đã gây thiệt hại khoảng 320 triệu đồng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ đêm 19 đến ngày 20-7, tỉnh Điện Biên có mưa to đến rất to làm 2 ngôi nhà bị cuốn trôi, 60 ngôi nhà bị ngập hoặc đất đá sạt lở làm hư hỏng, 114 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ cũng làm gần 650 ha lúa, gần 100 ha hoa màu bị ngập úng và 39 ha thủy sản bị cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên bị sạt lở, ách tắc. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác trên địa bàn toàn tỉnh bị thiệt hại nặng.

Còn tại tỉnh Lai Châu, BCH PCLB&TKCN tỉnh cho hay, đến tối 21-7, mưa lũ đã gây sạt lở đất nhiều nơi, các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã đều bị sạt lở, ách tắc. Đã có 6 người thiệt mạng, thiệt hại ước tính 20 tỷ đồng, chủ yếu do sạt lở đường gây ra.

Về công tác khắc phục tỉnh Lạng Sơn đã huy động 5.300 người gồm các lực lượng công an, quân đội, dân quân… để ứng cứu, hỗ trợ nhân dân di dời người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm và khắc phục hậu quả do mưa lũ lịch sử. Số hộ dân phải di dời lên tới 5.100 hộ. Đến trưa 21-7, nước lũ trên sông Kỳ Cùng đã rút, các khu phố ở TP.Lạng Sơn như Bắc Sơn, phố Muối, chợ Giếng Vuông… đã thoát ngập. Sau trận lũ lịch sử, đường phố Lạng Sơn ngổn ngang bùn đất. Theo thống kê của UBND tỉnh Lạng Sơn, đợt lũ lần này khiến 5 người chết. Toàn tỉnh có gần 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, trong đó khoảng 200 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, trên 2.000 ha lúa bị ngập và lũ cuốn trôi. 

Hàng triệu hộ vẫn mất điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến 15h ngày 21-7, tỉnh Bắc Giang vẫn còn 18.000 hộ ở 13 xã thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam bị mất điện do nước sông Lục Nam đổ về gây ảnh hưởng đến 93 trạm biến áp phân phối. Tại Lạng Sơn, còn 13.568 hộ khách hàng bị mất điện. Nước rút chậm nên còn 15 nhánh rẽ trung áp bị mất điện đang được khắc phục ở 56 xã thuộc các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Số trạm biến áp phân phối còn mất điện là 115 trạm. 

Tại Hà Giang, còn khoảng 2.000 hộ mất điện; Sơn La 1.556 hộ; Điện Biên 1.175 hộ chưa được cấp điện trở lại. Công tác khắc phục hậu quả đang được EVN khẩn trương tiến hành để cấp điện trở lại an toàn cho các vùng bị ảnh hưởng của bão số 2.

Tin cùng chuyên mục