Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (4): Giữ di sản theo cách khoa học nhất cho thế hệ mai sau

ANTD.VN - “Di sản văn hóa là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Di sản thuộc về quá khứ nên dễ bị ngủ quên, vì vậy luôn cần sáng tạo, năng động trong bảo tồn để di sản có giá trị cho cuộc sống, đóng góp vào phát triển bền vững…” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định như vậy tại “Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” ngày 27-7-2018. Đồng tình với quan điểm ấy, PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có cuộc trao đổi với An ninh Thủ đô về hành trình số hóa để bảo tồn di sản mà ông cùng các cộng sự đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Trong lịch sử cổ trung đại, các trung tâm hành chính lớn của quốc gia được gọi là kinh đô hay kinh thành. Đây là những trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế, văn hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc. Việt Nam ngày nay tồn tại 3 không gian lịch sử, văn hóa lớn. Đó là “Văn hóa Đại Việt” ở phía Bắc; “Văn hóa Champa” ở miền Trung; “Văn hóa Phù Nam” ở phương Nam. Đây là 3 bộ phận cấu thành quan trọng, tạo nên bản sắc của nền văn hóa, văn minh và lịch sử dân tộc Việt Nam. Do những biến cố của lịch sử, các kinh thành cổ của Việt Nam cơ bản đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại đến ngày nay, ngoại trừ Kinh thành Huế. Vì thế, để có thể đánh giá lịch sử tồn tại và phát triển của các kinh đô, từ công tác nghiên cứu khảo cổ đến số hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Hơn hai mươi năm đã qua từ khi phát lộ di tích khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long đến nay, một hệ thống di tích kiến trúc đan xen, chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử, hàng triệu di vật nghìn năm được tìm thấy trong lòng đất huyền bí. Theo những nhà khảo cổ học, nghiên cứu viên cao cấp… gắn bó suốt chiều dài hơn 20 năm qua với Hoàng thành Thăng Long, thì nơi đây có quá nhiều bài học ý nghĩa, đúc rút ra vô vàn kinh nghiệm, từ thời gian, công sức, vật chất… trong công cuộc khảo cổ học, bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa; trong đó có một hướng đi “SỐ HÓA DI SẢN” đặc biệt quan trọng trên chặng đường làm “SỐNG LẠI LỊCH SỬ”.

Di chỉ khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long

Di chỉ khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long

Trách nhiệm không của riêng ai

- PV: Viện Nghiên cứu Kinh thành là đơn vị rất tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, đặc biệt là với công trình di sản Hoàng thành Thăng Long. Hiện nay nhiều cơ sở, địa phương cũng muốn học tập điều này, tuy nhiên họ phải đối mặt với bài toán kinh phí. Đây là bức tường khá dày mà không phải ai cũng vượt qua được. Ông có nghĩ Hoàng thành Thăng Long làm được là do có sự ưu tiên hơn họ không?

- PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành: Hiện nay có một thực trạng, nhiều người cứ nói là đề cập đến tiền, làm gì cũng viện đến tiền mà quên mất vấn đề nhận thức và tầm nhìn. Đó chính là điểm khởi đầu, là yếu tố then chốt của mọi vấn đề. Tôi cho rằng, chỉ khi hội đủ 2 yếu tố nhận thức và tầm nhìn thì mới nhìn ra được tiền ở đâu và làm như thế nào để có tiền. Người ta hay viện lý do không có tiền hoặc kinh phí hạn chế nên chỉ làm được thế này thôi. Đó là sự ngụy biện cho điều mà bản thân họ không làm được, hoặc làm yếu kém.

Tôi không nói tất cả, nhưng chúng ta cứ đến một vài bảo tàng là sẽ thấy sự đìu hiu ra sao. Ở đó, giá trị di sản không bật lên được, người dân không hiểu thì làm sao khiến họ yêu quý di sản. Chúng ta công nhận di sản, nhưng nếu chỉ đơn thuần công nhận mà không có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của nó thì công nhận để làm gì? Nếu vậy thì trước sau nó cũng sẽ trở thành hoang phế. Kết luận lại, đã công nhận, xếp hạng… thì phải có chiến lược đầu tư cho di sản để ngoài bảo tồn còn thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không thể công nhận cho sang, cho xong nhiệm vụ, hết trách nhiệm. Còn việc giám sát sau đó thì quả thật, nhiều nơi bỏ bê, phó mặc cho cơ sở, địa phương, trong khi cũng có không ít địa phương thờ ơ với di sản.

Không gian trưng bày kiến trúc Cung điện thời Lý tại tầng hầm 1 Khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Không gian trưng bày kiến trúc Cung điện thời Lý tại tầng hầm 1 Khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

- Ông vừa nói đến nhận thức và tầm nhìn, vậy nó quan trọng thế nào trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia?

- Nhiều địa phương có các di tích, di sản văn hóa và cũng muốn bảo tồn, phát huy giá trị của nó, nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Tôi nhớ câu chuyện về Hoàng thành Thăng Long thuở đầu sơ khai, lúc ấy phải nói là gian truân nhiều vô kể. Thời điểm đó, chúng tôi phải trình bày nhận thức về giá trị di sản đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thuyết phục phải giữ gìn bằng được di sản khảo cổ này cho thế hệ mai sau. Đến khi Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới đã mở ra một tầm nhìn chiến lược cho việc phát huy giá trị di sản, điều đó cho thấy những nhận thức này là đúng đắn.

Ở thời điểm đó, bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã khẳng định: “Rất ít quốc gia trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giới là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết của các bạn. Các bạn có trách nhiệm với nhân loại trong quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho con cháu để họ sẽ kể tiếp cho các thế hệ sau câu chuyện về Vua Lý Thái Tổ”.

Nói như vậy để thấy, nhận thức, tầm nhìn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản phải song hành, mang tính mục tiêu, sát thực tế, vì những điều lớn lao hơn cho quốc gia, dân tộc. Mỗi con người phải gạt đi sự cá nhân để có trách nhiệm hơn, bởi chiến lược đã được xây dựng thì không thể “trên nóng, dưới lạnh”. Hoàng thành Thăng Long trước đây cũng vậy, cuộc khai quật trước năm 2000 còn mờ mịt, năm 2004 tranh luận nảy lửa và đến năm 2008 vẫn còn ý kiến tiêu cực…

Số hóa phải phân tích lý lịch, ý nghĩa, giá trị lịch sử của di sản

“Số hóa nếu chỉ nhận thức ở góc độ tư liệu thì đơn giản, nhưng để nhận thức sâu sắc thì nó còn là công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị hiện vật để đưa vào hồ sơ, người xem phải hiểu nó là cái gì… Số hóa là phải phân tích lý lịch, ý nghĩa, giá trị, xây dựng câu chuyện mang tính lịch sử liên quan gắn liền với câu chuyện thời đại, khiến người xem cảm nhận được chiều sâu. Đó là chưa nói đến việc người làm số hóa phải có trình độ, có nghề thì mới hấp dẫn, đúng mục tiêu. Còn không, cùng lắm thì người xem chỉ khen một câu là hiện vật đẹp, thế là hết”.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Thiếu nền tảng chuẩn hóa

- Theo ông, nếu chúng ta thực hiện được số hóa di sản văn hóa thì sẽ mang lại những mặt tích cực nào cho xã hội?

- Vấn đề số hóa chỉ riêng trong lĩnh vực khảo cổ thôi đã đáp ứng được việc nâng cao nhận thức công chúng về giá trị những di sản văn hóa đã từng biến mất. Từ đó dẫn đến hiệu ứng tốt để phục vụ cho việc quảng bá, bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cứ nói đến số hóa nhưng mấy ai nhận thức đầy đủ số hóa là gì? Số hóa đơn giản thế hay sao? Lúc nãy ta nói đến việc nhiều cơ sở, địa phương muốn học tập, nhân rộng theo mô hình số hóa di sản Hoàng thành Thăng Long. Nhưng muốn thế thì cần xây dựng hệ thống, xây dựng phần mềm chuẩn hóa, cơ sở dữ liệu phải làm theo đúng mẫu, đúng phom quy chuẩn thì mới kết nối với nhau được. Chứ còn mạnh ai nấy làm thì sao có thể thống nhất? Tôi đang nghĩ đến một vấn đề nữa mang tính toàn cầu, đó là không thể thế giới người ta làm một kiểu còn chúng ta lại làm một kiểu. Đương nhiên, dân tộc nào cũng phải có bản sắc riêng, nhưng phải tính đến ngôn ngữ quốc tế nữa.

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long

Số hóa nếu chỉ nhận thức ở góc độ tư liệu thì đơn giản, nhưng để nhận thức sâu sắc thì nó còn là công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị hiện vật để đưa vào hồ sơ, người xem phải hiểu nó là cái gì. Đã bao giờ các anh đặt câu hỏi: Tại sao một hiện vật của nước ngoài công bố lại không đơn giản như Việt Nam công bố? Điểm khác biệt ở đây là gì? Tôi ví dụ người ta trưng bày hiện vật là chiếc bệ đá và chỉ chú thích bằng một dòng ngắn: “Đây là bệ đá thời Lý”. Nhưng thế người xem sẽ chẳng hiểu gì. Số hóa là phải phân tích lý lịch, ý nghĩa, giá trị, xây dựng câu chuyện mang tính lịch sử liên quan gắn liền với câu chuyện thời đại, khiến người xem cảm nhận được chiều sâu. Đó là chưa nói đến việc người làm số hóa phải có trình độ, có nghề thì mới hấp dẫn, đúng mục tiêu. Còn không, cùng lắm thì người xem chỉ khen một câu là hiện vật đẹp, thế là hết.

“Số hóa di sản mục tiêu là hướng tới gìn giữ giá trị hiện còn hoặc một phần của lịch sử hiện còn. Nhờ số hóa ta có thể nhìn thấy cả một nền văn minh đã diệt vong. Vậy thì mục tiêu số hóa di sản văn hóa cần đặt ở tầm mức quốc gia để phục vụ cho chiến lược lâu dài phát triển văn hóa của dân tộc”.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Kể từ lúc chúng tôi đưa ra hình ảnh phỏng dựng Hoàng thành Thăng Long, phải nói thật là rất tự hào. Tự hào ở chỗ, đó cũng là yếu tố kích thích khiến nhiều bạn trẻ chú ý và tham gia nghiên cứu. Chưa nói đến chính xác hay không, nhưng ít nhất các bạn ấy cũng có nhưng phương án, bản vẽ… Điều đó đưa đến tranh luận, phản biện, bổ sung cho các quan điểm, các cách nhìn khác nhau và cùng hoàn thiện, tìm ra chân lý. Bản thân chúng tôi khi làm số hóa Hoàng thành Thăng Long cũng đứng trước nhiều thách thức. Nhiều người bảo, lúc làm hồ sơ di sản, chúng tôi đưa ra được bản vẽ của thời Lý là họ đã nhìn thấy kết quả an bài rồi. Nhưng họ đâu biết chúng tôi phải mất vô vàn thời gian để giải mã, từ viên ngói này nó như thế nào, cái cột kia ra làm sao, phải có định lượng, có tên gọi, hiểu được chức năng thì mới đặt được vào bộ mái, mới đủ dữ liệu luận giải hình thái công trình kiến trúc. Tất cả những cái nhỏ bé, chi li đó kết hợp với các nghiên cứu quốc tế mới có thể ra được một bản vẽ như vậy. Thế nên tôi muốn nói rằng, số hóa là một quá trình nghiên cứu tỉ mỉ công phu, phải tập hợp rất nhiều cơ sở dữ liệu.

Không gian trưng bày kiến trúc Cung điện thời Lý (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Không gian trưng bày kiến trúc Cung điện thời Lý (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Chờ đợi một cú hích

- Sau hơn 20 năm kể từ khi phát lộ di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, nhưng đến nay việc số hóa vẫn chưa thể hoàn tất. Theo ông thì công tác số hóa di sản ta có thể làm nhanh hơn không?

- Tôi vẫn trao đổi với các đồng nghiệp trẻ, chúng ta không thể chỉ chăm chăm thúc đẩy sự phát triển của hiện tại mà thờ ơ với di sản, đó là sai lầm. Nếu hôm nay không bảo tồn giá trị có dưới lòng đất thì sẽ là bài học xương máu cho tương lai. Hãy nhìn sang Nhật Bản, như Cố đô Nara chẳng hạn. Tại sao tồn tại bên cạnh một thành phố hiện đại vẫn ngổn ngang phế tích của một thành phố cổ? Họ đã tìm được dấu tích và tiếp tục nghiên cứu để tiến tới phục dựng trong một ngày nào đó. Đến nay tính ra người Nhật cũng nghiên cứu được 80 năm, ròng rã như vậy mà vẫn còn phải nghiên cứu tiếp.

Nghiên cứu, phân tích mặt bằng di tích kiến trúc tại khu E - Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu, phân tích mặt bằng di tích kiến trúc tại khu E - Hoàng thành Thăng Long

Như tôi đã nói, đó là bởi câu chuyện của nhận thức vì nhận thức là cả một quá trình. Người Nhật nhận thức rằng cần phải vừa kiên trì nghiên cứu, vừa quảng bá di sản. Qua nghiên cứu, đánh giá, lập bản vẽ, dữ liệu số hóa của họ đầy dần. Họ không vội vã, không sốt ruột, không cố gắng làm ồ ạt để đạt mục tiêu. Cái gì cảm thấy chưa đủ trình độ thì họ không làm, không nóng vội vì cố là hỏng. Mà khi hỏng nghĩa là thì không thể làm lại được. Một nhát cuốc bổ xuống đất là phá hủy đi một phần di sản. Vậy thà rằng để lại cho thế hệ sau làm còn hơn hôm nay cứ đào bằng được. Chúng tôi cũng có bài học xương máu ở lần đầu tiên khi khai quật Hoàng thành Thăng Long. Tất nhiên khi đó là do chưa nhận thức được quy mô. Cho nên nhận thức là vấn đề lớn. Nói như vậy để thấy, số hóa di sản mục tiêu là hướng tới gìn giữ giá trị hiện còn hoặc một phần của lịch sử hiện còn. Nhờ số hóa ta có thể nhìn thấy cả một nền văn minh đã diệt vong. Vậy thì mục tiêu số hóa di sản văn hóa cần đặt ở tầm mức quốc gia để phục vụ cho chiến lược lâu dài phát triển văn hóa của dân tộc.

Phục dựng kiến trúc bằng công nghệ 3D của Viện Nghiên cứu Kinh thành

Phục dựng kiến trúc bằng công nghệ 3D của Viện Nghiên cứu Kinh thành

- Công tác số hóa của Viện Nghiên cứu Kinh thành đang được thực hiện theo cách tích cực như ông vừa nói. Nhưng tôi đang nghĩ, liệu có vô nghĩa không khi sau này chúng ta có Hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa quốc gia, nhưng những gì Viện đang xây dựng lại không kết nối được, thưa ông?

- Tôi hiểu điều này. Đúng là hiện nay ta chưa có hệ thống, chưa có quy chuẩn, nhưng tôi không ngại. Tôi làm là để dạy học trò, giúp học trò tiếp cận với phương pháp hiện đại, đào tạo ra những thế hệ chuyên nghiệp. Chúng tôi cố gắng giữ lửa cho di sản theo cách đúng đắn nhất, khoa học nhất có thể trong phạm vi trách nhiệm cùng cái tâm của mình. Việc số hóa tư liệu này nhiều thế hệ về sau cũng khai thác được. Còn trước mắt, nghiên cứu nó là thành quả của thế hệ hôm nay trong nhiều năm tích tụ. Nó sẽ vẫn tồn tại nếu tôi biến mất. Tôi cũng mong muốn có một cú hích nào đó giúp thay đổi nhận thức từ cấp hoạch định chính sách. Và tôi nghĩ việc này cũng sẽ sớm xảy ra thôi vì đó là xu hướng xã hội.

Bản vẽ phục dựng hình thái và không gian cung điện, lầu gác thời Lý ở Hoàng cung Thăng Long xưa

Bản vẽ phục dựng hình thái và không gian cung điện, lầu gác thời Lý ở Hoàng cung Thăng Long xưa

Tôi nhớ khi Bộ Công an xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp Căn cước công dân gắn chíp, lúc ấy cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả thực hiện rất chuyên nghiệp dù có rất nhiều khâu phải làm nhưng công việc vẫn chạy băng băng. Đã xây dựng, đã quản lý thì phải làm có phải hệ thống như thế. Số hóa như cách của ngành Công an là xây một cái nhà chung, khi có nhà chung thì mới chia góc ra được. Còn số hóa của ngành Văn hóa thì hiện nay vẫn chưa có gì. Vẫn chưa ai trả lời số hóa di sản để làm gì? Nếu có tầm nhìn thì bây giờ đã đến lúc phải đặt mục tiêu và biến nó trở thành hiện thực.

Bản vẽ quy mô cung điện thời Lý nhìn từ trên cao

Bản vẽ quy mô cung điện thời Lý nhìn từ trên cao

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bản vẽ phục dựng hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lý

Bản vẽ phục dựng hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lý

Để di sản không bao giờ tan biến

Liên hợp quốc định nghĩa “tài sản văn hóa”, cụ thể là các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật, là một phần quan trọng trong di sản chung của loài người. Đây là những bằng chứng độc nhất, vô giá về sự tiến hóa và bản sắc của từng dân tộc. Bởi vậy, tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản này đã được nhấn mạnh trong nhiều Công ước về di sản quốc tế và luật pháp của các quốc gia. Thế nhưng, dù muốn hay không, chủ quan hay hữu ý, di sản nhân loại vẫn “biến mất” hoàn toàn hoặc hư hại, mục nát qua sự “xâm lăng” của thời gian, khí hậu, chiến tranh, hỏa hoạn… Khi còn buộc phải giữ, khi mất thì phải phục dựng di sản, dù mất hàng thập kỷ, trải qua nhiều thế hệ. Vì di sản thuộc về quá khứ, là lịch sử, là văn hóa, là những báu vật định danh cho quốc gia, dân tộc. Quá khứ là tương lai, ở hiện tại, sứ mệnh đó của con người được trợ năng bằng công nghệ số hóa để di sản trường tồn.

Các chuyên gia Google Arts and Culture đang làm việc để số hóa 3D Lăng Tự Đức (Nguồn: Google)

Các chuyên gia Google Arts and Culture đang làm việc để số hóa 3D Lăng Tự Đức (Nguồn: Google)

Câu chuyện hàng thập kỷ ở Cố đô Nara

Trong câu chuyện với PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành ở phần trước của kỳ viết này, ông đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đã và đang diễn ra tại Cố đô Nara - Thủ đô đầu tiên của xứ sở Hoa anh đào vào năm 710, vùng đất di sản văn hóa xứ “Phù Tang” Nhật Bản. Nara cùng với Kyoto là hai cố đô của Nhật Bản với những “kho báu” di sản vô giá và những giá trị truyền thống vượt trội. Nhờ ý thức gìn giữ và bảo tồn từ rất sớm, qua nhiều thế hệ nên khi đến hai cố đô này, nhiều người có chung cảm nhận, dường như thời gian không chạm đến nơi đây dù cả hai đều đã có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi.

Theo giới chuyên gia, ở Nara vẫn còn sót lại nhiều công trình cho thấy sự phát triển vượt bậc của kiến trúc và nghệ thuật Nhật Bản. Đặc biệt, các di tích ở Heijo-kyo là một điểm nhấn kiến trúc đô thị nổi bật không chỉ ở Nhật Bản mà còn trong lịch sử châu Á. Ngoài ra, các di tích như đền thờ hay chùa chiền cũng là tư liệu quý giá về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo còn đến ngày nay. Nhờ không bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nara vẫn bảo tồn được nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Tháng 12-1998, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa một số khu vực và công trình kiến trúc lịch sử của Nara vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Hình ảnh Lăng Tự Đức trong dữ liệu số hóa 3D

Hình ảnh Lăng Tự Đức trong dữ liệu số hóa 3D

Tại Nara có một địa điểm đặc biệt quan trọng - đó là cung điện Heijo. Đây là khu vực có kích thước tương đương với Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam, bị chôn vùi phần lớn dưới lòng đất trong suốt 1.000 năm. Cung điện Heijo của Nhật Bản được xây dựng mô phỏng Cung điện Trường An (Trung Quốc) nên khi khai quật và bảo tồn, các chuyên gia khảo cổ học cũng dựa vào những thông tin của cung điện Trường An. Lợi thế của cung Heijo là có khá đầy đủ thông tin từ bản vẽ cho đến các thông số do một nhà nghiên cứu dày công ghi lại.

Những tư liệu này vô cùng giá trị đối với công tác nghiên cứu và bảo tồn. Cung Heijo sau khi được khai quật đã được Nhà nước mua lại, nay đã trở thành di sản thế giới. Từ năm 1960 đến nay, khoảng 145ha diện tích của cung được điều tra, khai quật và thu được một số lượng di vật khổng lồ. Các di tích trong cung Heijo sau khi khai quật đã được lấp lại để bảo tồn. Để thu hút du khách tham quan, những gì liên quan đến cung Heijo được trưng bày theo 3 cách: nhà trưng bày di tích, phục dựng một phần công trình, và trưng bày lộ thiên bằng chính di tích.

Hình ảnh Lăng Tự Đức trong bản số hóa 3D của Google Arts and Culture

Hình ảnh Lăng Tự Đức trong bản số hóa 3D của Google Arts and Culture

Tại sao lại dẫn chứng lại câu chuyện Cố đô Nara? Tại sao lại là câu chuyện hàng thập kỷ? Bởi lẽ, theo PGS. TS Bùi Minh Trí, tính đến thời điểm hiện tại, người Nhật đã có khoảng 80 năm nghiên cứu Cố đô Nara. Hàng thập kỷ trôi qua, họ vẫn tiếp tục kiên trì nghiên cứu - đó chính là quá trình nhận thức, vừa làm vừa quảng bá di sản đến người dân và thế giới. Thực tế, chỉ có Cung Heijo được phục dựng, còn lại cứ từng bước, đào khảo cổ, lấp đi, nghiên cứu xong mới lại khai quật tiếp. Bước tiếp bước, bản vẽ của họ ngày một dày. Quay hệ quy chiếu về Việt Nam, “để giải mã đến tận cùng Hoàng thành Thăng Long được như Cố đô Nara chắc phải cần thêm vài chục năm nữa” - PGS. TS Bùi Minh Trí nhận định.

Dấu tích của một cấu trúc được khai quật tại địa điểm cũ của cung điện Heijokyu ở Cố đô Nara

Dấu tích của một cấu trúc được khai quật tại địa điểm cũ của cung điện Heijokyu ở Cố đô Nara

Và cũng không chỉ riêng Hoàng thành Thăng Long, theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, tại thời điểm xây dựng quy hoạch nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị, từng bước nghiên cứu và dần dần sẽ phát lộ toàn bộ mặt bằng kiến trúc cung điện của Di sản Thành nhà Hồ, từng bước xây dựng kế hoạch phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan, đa dạng hóa các giải pháp bảo tồn như trường hợp Cố đô Nara (Nhật Bản) đã khẳng định, nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á, từng bước biến di sản chưa khai quật trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và thế giới...

Có lẽ, giới chuyên gia, các nhà khảo cổ học đều có chung nhận định, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hãy học người Nhật, học các giải pháp bảo tồn đa dạng như trường hợp ở Cố đô Nara (Nhật Bản) - một hình mẫu lý tưởng mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn học tập kinh nghiệm để di sản không bao giờ biến mất. Đặc biệt, hầu hết các di tích lớn trên thế giới như Cố đô Nara kể trên, thì Đấu trường La Mã (Italia), Kim tự tháp (Ai Cập), Đại Minh Cung (Trung Quốc)… đều được ứng dụng công nghệ 3D để số hóa di sản nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Todaiji - một trong những ngôi đền nổi tiếng và là biểu tượng nổi bật của thành phố Nara

Todaiji - một trong những ngôi đền nổi tiếng và là biểu tượng nổi bật của thành phố Nara

Câu chuyện số hóa 3D và tôn vinh trên toàn thế giới Lăng Tự Đức

Nhân ngày Di sản thế giới 18-4, năm 2019, Google Arts and Culture cùng với CyArk (Tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn di sản), Tổ chức Lịch sử Môi trường Scotland và Đại học Nam Florida (Mỹ) đã công bố mở rộng Dự án “Di sản Mở” (Open Heritage - là một thư viện kỹ thuật số các di sản và di tích lớn nhất thế giới, nơi mọi người có thể truy cập vào kho lưu trữ di sản 3D. Nó được lập ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, tài sản chung của nhân loại có nguy cơ bị tổn hại hay biến mất bởi tự nhiên, thiên tai hay chiến tranh) bằng việc bổ sung thêm vào nền tảng này một bộ sưu tập các câu chuyện về những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới. Với dự án này, phiên bản số hóa 3D Lăng Tự Đức - di sản đầu tiên của Việt Nam cùng với 29 di sản nổi tiếng thế giới khác có nguy cơ biến mất từ 13 quốc gia trên toàn thế giới như Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson Mỹ, Nhà thờ Chính tòa Mexico City, Đền thờ thần Apollo Hy Lạp... được đưa vào bộ sưu tập những di tích quý để Google Arts and Culture giới thiệu tới toàn thế giới.

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc ở thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Khi mới khởi công xây dựng, Vua Tự Đức (1848 - 1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình nhưng sau đó đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng. Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) được xây dựng năm 1864 và đến năm 1873 thì hoàn thành. Nơi đây ban đầu làm hành cung - nơi nghỉ ngơi của Vua Tự Đức. Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường. Trong lăng có khoảng 50 công trình lớn nhỏ và lăng được đánh giá như một công viên rộng lớn giữa thung lũng.

Theo Google, việc Lăng Tự Đức được đưa vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè 2018, khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và lăng Hoàng Hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ. Theo đó, những hình ảnh, video 3D và 360 độ được ghi lại bằng cách quay, chụp từ bên trong, bên ngoài lẫn trên cao từ “flycam”.

Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia còn sử dụng cả máy quét laser nhằm tái hiện chính xác nhất các khắc họa bề mặt cũng như chi tiết toàn cảnh khuôn viên, trong và ngoài khu lăng và điện. Theo đại diện CyArk, việc được số hóa và đăng trên thư viện Di sản Mở sẽ giúp Lăng Tự Đức được quảng bá tốt hơn tới công chúng toàn thế giới. Bên cạnh đó, nó cũng giúp di tích này tiếp cận dễ dàng hơn tới nhiều người, từ đó giúp nâng cao nhận thức về giá trị của nó đối với lịch sử. Thời điểm đó, Chủ tịch CyArk - John Ristevski đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với số lượng di sản văn hóa đáng kinh ngạc mà Việt Nam đang có: “Việt Nam có số lượng di sản văn hóa đáng kinh ngạc. Chúng tôi hy vọng sẽ quay lại đất nước của các bạn để hỗ trợ các nhà quản lý di sản cách hệ thống hóa tài liệu, có thể bao gồm cả việc số hóa 3D và giúp đào tạo công việc này ở nhiều khu vực có di sản khác”.

Câu chuyện ở nước Pháp về những bản số hóa “ngủ yên”

Từ châu Á, đến Việt Nam, bay tới “Lục địa già”, 18 giờ 50 phút ngày 15-4-2019, ngọn lửa dữ dội bùng lên tại Nhà thờ Đức Bà ở Thủ đô Paris nước Pháp. Người dân Pháp và cả thế giới thảng thốt. Nhà chức trách Paris đã triển khai hơn 400 lính cứu hỏa để dập lửa và cố gắng cứu phần cấu trúc chính của Nhà thờ Đức Bà. Trận hỏa hoạn nghiêm trọng đã gây tổn thất nặng nề cho công trình vốn được xem như vô giá của Paris - sừng sững giữa “kinh đô ánh sáng” từ những năm 1200. Nhà thờ Đức Bà Paris là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic ở Pháp, cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành năm 1345. Hơn 8,5 thế kỷ, không hề hấn gì trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhưng nay lại bị hư hỏng nặng vì hỏa hoạn.

Hình ảnh bản đồ 3D Nhà thờ Đức bà Paris được ghi lại bằng laser

Hình ảnh bản đồ 3D Nhà thờ Đức bà Paris được ghi lại bằng laser

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thời điểm đó khẳng định, “điều tồi tệ nhất đã qua đi” và cam kết sẽ xây dựng lại công trình này. Rất nhiều tỷ phú, triệu phú nước Pháp cam kết đóng góp hàng trăm triệu USD để trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris sau đám cháy… Thế nhưng, trùng tu, phục dựng lại bằng cách nào công trình kiến trúc hơn 850 năm tuổi? Đó là câu chuyện của số hóa 3D cấu trúc trước khi bị cháy và dữ liệu này sẽ hỗ trợ trong việc tái thiết.

Tiến sĩ nghệ thuật Andrew J. Tallon (1969-2018)

Tiến sĩ nghệ thuật Andrew J. Tallon (1969-2018)

Trước đó, năm 2015, Tiến sĩ nghệ thuật Andrew J. Tallon của (1969-2018) của trường Đại học Vassar (Mỹ) và các cộng sự đã xây dựng bản đồ 3D có độ chính xác cao toàn bộ kiến trúc của công trình này bằng công nghệ quét laser, tạo ra một bản sao kỹ thuật số gần như hoàn hảo về cấu trúc Gothic. Ngoài việc lập bản đồ 3D, Tiến sĩ Andrew Tallon còn chụp một bức ảnh toàn cảnh từ cùng vị trí đặt máy quét để đồng bộ các điểm laser với từng pixel trong ảnh. Kết quả là bức ảnh toàn cảnh được ghi lại với độ chính xác rất cao. Tại Nhà thờ Đức bà Paris, Tiến sĩ Andrew J. Tallon đã quét từ hơn 50 vị trí bên trong và xung quanh nhà thờ, thu thập hơn một tỷ điểm dữ liệu. Để thực hiện, đội ngũ đặt máy quét lên một giá đỡ và thiết bị này sẽ phát ra chùm laser để đo khoảng cách từ máy tới mọi vị trí trong công trình. Mỗi phép đo như vậy được thể hiện bằng một điểm và tổng hợp của các điểm này tạo thành hình ảnh không gian ba chiều của nhà thờ. “Nếu thực hiện đúng quy trình, sai số chỉ là 5 milimet” - Tiến sĩ Andrew J. Tallon tại thời điểm đó cho biết.

Hình ảnh số hóa Nhà thờ Đức Bà Paris

Hình ảnh số hóa Nhà thờ Đức Bà Paris

Mô hình kỹ thuật số của Tiến sĩ Andrew J. Tallon là một phần thiết yếu cho những nỗ lực phục dựng vì độ chính xác trong từng chi tiết của nhà thờ trước khi bị cháy. Thông qua việc quét laser 3D, ông đã vén màn nguyên nhân quyết định của các nhà xây dựng và các đặc điểm chưa từng được biết đến của khối kiến trúc uy nghi này. Ví dụ, bản quét của ông cho thấy các cột bên trong ở cuối phía Tây nhà thờ không được xếp thẳng hàng. Việc phục dựng sẽ tốn hàng năm trời, nhưng dữ liệu bản quét ông là vô giá đối với quá trình này. Dữ liệu quét sẽ giúp họ tái tạo được kích thước của các tia laser và cấu trúc tổng thể, cho biết cách mà nhà thờ được xây dựng, thấy từng ngóc ngách, từng chi tiết số hóa.

Nhà thờ Đức Bà trong bản quét laser của Tiến sĩ Andrew J. Tallon

Nhà thờ Đức Bà trong bản quét laser của Tiến sĩ Andrew J. Tallon

Một di tích càng có nhiều phiên bản bản đồ số hóa càng tốt. Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Vietsoftpro (đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia số hóa 23 bảo vật quốc gia) chia sẻ với chúng tôi rằng, hiện có rất nhiều nhóm các bạn trẻ tự thân, chủ động, hiểu công nghệ, vì đam mê đã số hóa rất nhiều di sản văn hóa. Ở nước Pháp cũng vậy, ông Gaël Hamon - người sáng lập Công ty AGP - đã thực hiện số hóa cho hơn 2.000 di tích tại 18 quốc gia trong gần 30 năm hoạt động.

Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp

Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp

Từ năm 1994, Công ty AGP đã số hóa nhiều phần của Nhà thờ Đức Bà Paris theo yêu cầu từ chi nhánh văn phòng Bộ Văn hóa, các kiến trúc sư trưởng di tích lịch sử, các doanh nghiệp bảo tồn, song không một ai yêu cầu số hóa khung sườn. Một ngày nọ, AGP được giao số hóa khung chống đầu nhà thờ bị hỏng. Lúc bấy giờ Gaël Hamon đã dặn các kỹ thuật viên phải scan khung sườn nhà thờ, vì ngày nào đó sẽ dùng đến, không ai đặt hàng cũng cứ làm. Thời gian trôi qua, dữ liệu số hóa khung sườn nhà thờ “ngủ yên” trong máy tính. Thảm kịch cháy nhà thờ xảy đến. Dữ liệu số hóa khung sườn Nhà thờ Đức Bà Paris của Công ty AGP như một phép màu, giúp phục dựng nhà thờ như nguyên bản. Với 150 bản scan khung sườn và chóp tháp, các kiến trúc sư sẽ hình dung cấu trúc nguyên bản của nhà thờ đến từng milimét… Bản số hóa của Tiến sĩ Andrew J. Tallon, ông Gaël Hamon… là những tài liệu quý giá để các kiến trúc sư so sánh kiến trúc nhà thờ trước và sau hỏa hoạn trong quá trình phục dựng.

* * *

Câu chuyện thế giới, câu chuyện thế giới đến Việt Nam để số hóa di sản, câu chuyện Việt Nam số hóa di sản từ chủ trương, ước mơ, gian nan… chúng tôi đề cập đến trong loạt bài viết này để thấy, dù còn là một chặng đường dài về công nghệ, con người, kinh nghiệm và đặc biệt là những kết quả nghiên cứu thu thập trên thực tế, nhưng rõ ràng, việc phục dựng di tích theo công nghệ 3D để bảo tồn, phát huy giá trị di sản vẫn sẽ là một trong những hướng đi hợp lý trong tương lai để “đánh thức” di tích, hồi sinh di sản và khơi dòng lịch sử.

(Còn nữa)