Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (1): Con đường giải mã bí ẩn phế tích bằng công nghệ

ANTD.VN - Năm 2022 tính đến thời điểm này đã 20 năm khu di chỉ Hoàng thành Thăng Long chính thức phát lộ. Cả triệu hiện vật từ các thời kỳ Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đã được tìm thấy. Những phế tích kiến trúc còn nguyên dấu ấn của những triều đại huy hoàng trong lịch sử lần lượt xuất hiện tại các tầng tầng lớp lớp văn hóa của hố khảo cổ. Cho đến bây giờ, công tác chỉnh lý, nghiên cứu hiện vật, di vật vẫn được các đơn vị có liên quan thực hiện và dự kiến đến năm 2025 mới tạm hoàn tất để chuyển sang một phương thức mới là phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị theo công nghệ hiện đại mà ta quen gọi là “số hóa”.

Lời tòa soạn:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Minh chứng rõ nét nhất chính là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945, sau khi Người đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Cũng có thể khẳng định rằng, đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Hơn tất thảy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa, đó là những báu vật kết tinh tư tưởng, tài năng sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Với tình yêu quê hương, đất nước và tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận thấy cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa, bởi di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc, để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.

Thời gian càng lùi xa, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng sáng mãi. Kế thừa và phát triển, 76 năm sau, ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Ngày 2-12-2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Trong vòng 21 ngày, hai quyết định nêu bật tầm quan trọng của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

Đặc biệt, hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu bật mục tiêu “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc”, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa”; “Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 (Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa)

Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 (Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn

di sản văn hóa)

Phế tích mà biết nói năng…

Hơn 20 năm, Hà Nội có thêm một di tích đặc biệt quan trọng, là điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách khi ghé thăm Thủ đô. Nhưng đến Hoàng thành Thăng Long rồi thì có hiểu được quy mô hoành tráng và những giá trị của khu khảo cổ không? Thực sự, đó là một câu hỏi mà không nhiều du khách có thể tự tin khẳng định. Rất ít người hiểu thì cũng là chuyện đương nhiên, vì không phải ai cũng là chuyên gia khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử. Và dẫu có là nhà nghiên cứu lịch sử thì không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ khảo cổ. Thậm chí, có là nhà khảo cổ học đi chăng nữa thì cũng có mấy ai được may mắn tham gia trực tiếp vào cuộc khai quật “vô tiền khoáng hậu” hơn 20 năm về trước trên nền nhà Quốc hội cũ để mà có thể tường tận về di sản từng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận này.

Trình chiếu Mapping Rồng bay thời Lý tại hành lang khu trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Trình chiếu Mapping Rồng bay thời Lý tại hành lang khu trưng bày “Những khám phá khảo cổ học

dưới lòng đất Nhà Quốc hội” (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Mời gần đây, trong vai trò “hướng dẫn viên người bản xứ”, chúng tôi đã dẫn vài người bạn lần đầu tới Thủ đô đi thăm di tích Hà Nội. Đi suốt từ Thăng Long Tứ Trấn cho tới chùa Trấn Quốc, rồi Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mọi chuyện vẫn ổn, cho tới khi đến Hoàng thành thì bắt đầu nảy sinh một cuộc tranh luận. Chúng tôi, bằng tất cả những kiến thức có được của người làm báo - những người có may mắn chứng kiến từ ngày đầu tiên khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu cho đến khi tất cả khu A, khu B, khu C, khu E với những đầu rồng, chim phượng, ngói uyên ương…. lần lượt hiện ra - đã cố gắng để những người bạn của mình thông qua những phế tích kiến trúc hình dung về một Hoàng thành với lầu son gác tía, tòa ngang dãy dọc…

Phỏng dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý

“Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phỏng dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là lần đầu tiên hình ảnh giả thiết về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn nghìn năm được tái hiện. Nó như một ví dụ giúp người xem hình dung rõ hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp và sự hoành tráng của quy mô kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa”.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Nhưng, với những người bạn “nhiều thắc mắc”, có vẻ như cách giải thích của chúng tôi (cộng thêm cả sự lý giải của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long) đối với mỗi hiện vật trưng bày dường như là chưa đủ. May mắn thế nào, chúng tôi lại nhớ ra một công trình được công bố gần đây. Ấy là năm 2021, từ các dấu tích, vật liệu kiến trúc được tìm thấy ở Hoàng thành, PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành và các cộng sự đã phỏng dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là lần đầu tiên hình ảnh giả thiết về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn nghìn năm được tái hiện. Nó như một ví dụ giúp người xem (đặc biệt là du khách) hình dung rõ hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp và sự hoành tráng của quy mô kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Đương nhiên, chuyện tranh luận đến đoạn này là kết thúc và những người bạn thích khám phá lịch sử gần như không còn thắc mắc gì.

Dấu tích nền móng kiến trúc hành lang thời Lý ở khu A - Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Dấu tích nền móng kiến trúc hành lang thời Lý ở khu A - Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Muốn hiểu nguồn tư liệu “câm” thì phải học

Đem câu chuyện nhỏ trên kể với một vài nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học ở Hà Nội, hầu như tất cả đều cười bảo, đó là chuyện hết sức bình thường. Tất cả những ai lần đầu tiếp xúc với di chỉ khảo cổ học Hoàng thành đều có tâm lý như vậy. Nói bình thường còn là bởi, theo giải thích của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm công trường khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, thì tư liệu khảo cổ về lý thuyết là nguồn tư liệu “câm”. Bản thân các di vật không thể nói lên được giá trị của văn hiến Thăng Long. Ngay đối với các nhà khảo cổ học, muốn hiểu cũng phải trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài, kỳ công và gian khổ, chứ không thể hiểu ngay trong một sớm một chiều. Đó còn chưa kể nguồn tư liệu khảo cổ học còn lại là vô cùng ít ỏi. Ví như Lý Tử Tấn (thế kỷ XV) khi nói về di sản văn chương Lý - Trần còn để lại đến thời điểm đó là “một hai trong trăm ngàn phần” (Thơ văn Lý Trần, 1977, trang 55) vốn có của nó.

Các hoạt động đo vẽ, chụp ảnh, làm hồ sơ tư liệu và nghiên cứu phục dựng kiến trúc bằng công nghệ 3D

Các hoạt động đo vẽ, chụp ảnh, làm hồ sơ tư liệu và nghiên cứu phục dựng kiến trúc bằng công nghệ 3D

PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng kể lại rằng, thời điểm gian khó nhất của Hoàng thành Thăng Long là lúc các nhà quản lý thời điểm đó còn phân vân không biết nên giữ lại để bảo tồn hay nghiên cứu khảo cổ xong thì lấp đi. Sở dĩ có sự phân vân là bởi, mấy ai lúc đó đã tỏ tường về giá trị của phế tích kiến trúc khổng lồ kia. Và để hiểu rõ nó, cả trăm cuộc hội thảo từ nội bộ đến quốc tế đã được tổ chức để soi chiếu, bàn thảo một cách khoa học nhất, khách quan nhất về giá trị của di sản đặc biệt có một không hai của Thủ đô. Đó cũng còn là rất nhiều hoạt động tuyên truyền nhận thức về giá trị, lịch sử, phẩm chất của một di sản tầm cỡ thế giới.

Số hóa di sản là một con đường

“Có rất nhiều cách để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, cụ thể ở đây là di sản vật thể, ví như xây dựng mô hình, phục dựng trực tiếp và số hóa cũng là một con đường. Nhưng rõ ràng, khi chưa có đủ điều kiện để phục dựng trực tiếp thì số hóa chính là cách gìn giữ, phát huy thức thời nhất”.

PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nguyên Chủ nhiệm công trường khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Hà Nội)

PGS.TS Tống Trung Tín nhớ lại: “Lúc đó, tại các trụ sỏi thuộc khu A, chúng tôi đã phải cho công nhân đứng vào để tượng trưng cho các cây cột, mấy chục cái trụ sỏi là mấy chục người. Chỉ khi có người đứng vào đó thì người ta mới hình dung rõ được tại vị trí này, vào thời Lý, là cả một cung điện với diện tích rộng mênh mông. Kết quả là sau đó những cuộc tranh luận căng thẳng về một “trường lang” hay một cái gì đó dứt khoát không phải là tàn tích của kiến trúc cung điện lớn lập tức chấm dứt”. Bây giờ, hỏi lại PGS.TS Tống Trung Tín rằng, ai là người nghĩ ra sáng kiến cho mỗi công nhân đứng vào một trụ sỏi để dễ hình dung, ông cười lớn bảo: “Chúng tôi học cách của người Nhật khi họ khai quật ở Cố đô Nara chứ đâu nữa!”.

Hơn 20 năm đã qua đi, công nghệ phát triển như vũ bão, các phần mềm thực tế ảo 3D cho phép phỏng dựng, đưa ra những hình ảnh sống động nhất cho từng giả thiết về những cột, kèo, rui, mè và cả bộ mái, thậm chí cả toàn cảnh không gian của Cấm Thành xưa mà không cần phải nhờ công nhân đứng vào để dễ hình dung như trước đây. Và việc phỏng dựng hình thái kiến trúc thời Lý của Viện Nghiên cứu Kinh thành là một ví dụ cụ thể nhất. Bởi lẽ, bây giờ là công nghệ số hóa trong thời đại 4.0.

Số hóa là tất yếu

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có những văn bản pháp lý và chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo cao nhất để hành trình số hóa văn hóa, số hóa di sản được triển khai và đạt kỳ vọng. Cụ thể, ngày 24-11-2021, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.

Đến tháng 12-2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quyết định cũng đề ra mục tiêu như: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội. Cùng với đó, được xem là quan trọng hơn cả là “100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số”.

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, có rất nhiều cách để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, cụ thể ở đây là di sản vật thể, ví như xây dựng mô hình, phục dựng trực tiếp và số hóa cũng là một con đường. Nhưng rõ ràng, khi chưa có đủ điều kiện để phục dựng trực tiếp thì số hóa chính là cách gìn giữ, phát huy thức thời nhất. Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì bày tỏ quan điểm, chúng ta đang sống trong một môi trường và hoàn cảnh xã hội hết sức đặc biệt. Xã hội hiện tại này đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố liên quan đến số hóa.

Chính vì thế, khi đã nói đến xã hội số, kinh tế số, công dân số, chắc chắn phải nhắc đến cả văn hóa số. Ở đó, dữ liệu số hóa là tài nguyên quan trọng, xử lý được nhiều việc, không chỉ lưu giữ, phổ biến trong xã hội hiện tại, không phải câu chuyện trở thành dữ liệu hành trang tương lai mà còn nhiều hơn thế. Bắt nguồn từ tất cả những lý do trên, thế giới gần đây mới có câu: “Data is the new oil” (Dữ liệu là một loại dầu mỏ mới). Điều này minh chứng rằng, trong xã hội hôm nay, dữ liệu là đặc biệt quan trọng. Muốn làm như vậy trong lĩnh vực văn hóa thì tất nhiên phải số hóa.

Xã hội số, kinh tế số, công dân số, chắc chắn phải có văn hóa số

“Khi đã nói đến xã hội số, kinh tế số, công dân số, chắc chắn phải nhắc đến cả văn hóa số. Ở đó, dữ liệu số hóa là tài nguyên quan trọng, xử lý được nhiều việc, không chỉ lưu giữ, phổ biến trong xã hội hiện tại, không phải câu chuyện trở thành dữ liệu hành trang tương lai mà còn nhiều hơn thế. Muốn làm như vậy trong lĩnh vực văn hóa thì tất nhiên phải số hóa”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Không ai nghi ngờ tầm quan trọng của số hóa nữa, quan trọng là, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ bao giờ. Đây là chuyện quan trọng, vì thế cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, cần phải có chiến lược rõ ràng.

Số hóa di sản thế nào và để làm gì?

Trên thế giới, nguồn thu từ việc khai thác các hiện vật “ảo”, di sản “ảo”… tại nhiều bảo tàng, di tích rất cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức này chỉ mới bắt đầu và mang tính thử nghiệm. Được đánh giá sẽ mang lại nhiều tiềm năng trong tương lai, ngành Văn hóa đang từng bước thực hiện công cuộc số hóa các di sản văn hóa, đưa cổ vật, di tích vào không gian mạng. Tuy nhiên, để thực sự thu hút công chúng và mở ra nguồn khai thác hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội thì việc ứng dụng công nghệ liệu đã đủ? Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro) - đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia số hóa 23 bảo vật quốc gia đã có buổi trao đổi với An ninh Thủ đô xoay quanh nội dung này.

Để giá trị di sản văn hóa thăng hoa

- PV: Nguyên do từ đâu ông có ý tưởng và tiếp cận để thực hiện công việc số hóa các di sản quốc gia?

- Giám đốc điều hành Công ty Vietsoftpro Hoàng Quốc Việt: Công việc số hóa di sản trên thế giới đã đi trước chúng ta rất lâu. Năm 2002, tức là cách đây 20 năm, khi còn đang học tập tại Ấn Độ tôi đã thấy họ số hóa di sản văn hóa. Họ thực hiện một cách bài bản, khoa học bằng cách đưa công nghệ vào, cứ công nghệ nào hiện đại nhất thì dành cho văn hóa trước tiên. Bất kỳ ai đến các bảo tàng ở nước ngoài sẽ thấy ngay - đó là nơi quốc gia họ phô diễn công nghệ. Còn chúng ta thì ngược lại, bảo tàng chỉ thuần túy làm công tác trưng bày.

Chúng tôi đã thực hiện việc số hóa cho 23 bảo vật quốc gia. Mà nói đến bảo vật quốc gia thì đó là những di sản văn hóa xuất sắc nhất. Chúng đều có câu chuyện riêng và đều có thể đưa vào ứng dụng cho các ngành khác, ví dụ như giáo dục. Để làm được điều đó, chúng tôi phải phối hợp với các chuyên gia sử học để lập trình, làm sao khi học sinh tương tác với tư liệu sẽ hiểu hết những bài học lịch sử một cách trực quan, sinh động. Thế nên ngay từ lúc làm việc với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đề nghị sẽ số hóa thí điểm những hiện vật, di sản xuất sắc nhất. Và mỗi hiện vật, mỗi di sản phải hàm chứa trong nó những câu chuyện thì công nghệ mới thăng hoa, phát huy hết khả năng. Thực hiện xong, mục tiêu không chỉ giới thiệu trong ngành Văn hóa mà còn phải ứng dụng được trong trường học. Tiêu chí của chúng tôi lúc đó là số hóa di sản xong, đem so sánh với Mỹ phải ngang bằng họ về công nghệ, nhưng giá trị văn hóa phải nổi bật hơn. Kết quả là sản phẩm khi đưa vào hệ thống các trường đã được các em học sinh đón nhận một cách tích cực.

Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ 3D của Việt Nam phối hợp với trường Đại học Hafencity (Đức) ứng dụng số hóa di sản vào công tác bảo tàng

Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ 3D của Việt Nam phối hợp với trường Đại học Hafencity (Đức) ứng dụng số hóa di sản vào công tác bảo tàng

Chưa chú trọng khai thác “nguyên liệu đầu vào”

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, lại từng “đắm đuối” với những giải pháp phần mềm tương tác 3D trong lĩnh vực di sản văn hóa, ông có thấy mừng khi vừa qua Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam?

- Chuyển đổi số hay số hóa là vấn đề chúng ta đề cập đến với nhiều ngành, trong đó có ngành văn hóa, nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn chưa thực hiện được. Muốn chuyển đổi số, trước tiên phải số hóa, phải có dữ liệu số. Bởi nếu chưa có những thứ đó thì các ngân hàng, hệ thống, phần mềm… không phát huy được tác dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực di sản văn hóa. Văn hóa là lĩnh vực vô cùng quan trọng bởi nó tác động đến hầu hết các ngành, là nền tảng của mọi ngành. Tôi lấy dẫn chứng:

- Với ngành Du lịch thì văn hóa chính là “đầu vào”. Để quảng bá du lịch thì phải tìm những điểm đến có di sản đẹp, nét văn hóa đẹp, danh lam thắng cảnh đẹp về đất nước, con người. Đất nước ta có rất nhiều di sản đẹp, được quốc tế công nhận, xếp hạng, nhưng làm cách nào để du khách nhìn thấy được, tiệm cận được một cách trực quan nhất rồi từ đó họ muốn đến trải nghiệm tận nơi? Câu trả lời là phải số hóa được di sản để đưa tới gần các khách hàng tiềm năng.

Bảo tàng 3D Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam

Bảo tàng 3D Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam

- Với ngành Giáo dục, cụ thể là môn Lịch sử, tại sao học sinh luôn nói đây là môn học khô khan? Ấy là do chúng ta không có dữ liệu hoặc có nhưng chưa đầy đủ về văn hóa của bộ môn này. Việt Nam có rất nhiều di tích lịch sử, nhiều bảo vật quốc gia… nhưng các em muốn biết, muốn xem thì phải đến bảo tàng, còn khi học ở nhà trường thì chẳng có cách nào để tiếp cận. Bây giờ, nếu số hóa được tất cả thành hình ảnh 3D hoặc những thứ thật sống động, hấp dẫn thì sẽ vô cùng thuận lợi cho các em, bởi bản chất các môn học xã hội đều hấp dẫn.

Số hóa hiện vật dân tộc Bana - KonTum

Số hóa hiện vật dân tộc Bana - KonTum

Nói như vậy để thấy, nếu số hóa di sản sẽ cung cấp cho ngành Giáo dục một nền tảng rất thuận lợi trong công tác giảng dạy. Tôi phân tích sơ qua mặt tích cực của ứng dụng số hóa để chứng minh rằng, ngành Văn hóa phải được ưu tiên đi trước các ngành khác về vấn đề này, nhưng thực tế lại luôn đi sau. Xưa nay chúng ta hay quan niệm, ngành nào mang lại lợi ích kinh tế trước thì ưu tiên làm trước, nhưng thực ra không phải, đó là cách làm từ ngọn. Khi đặt mục tiêu phát triển du lịch và đầu tư rất mạnh vào đó, nhưng đến cuối cùng ta mới phát hiện ra thiếu “nguyên liệu đầu vào”, đó là bởi ta chưa chú trọng đến “nguyên liệu” văn hóa.

Giải pháp số hóa tối ưu và tổng thể (2D, 3D, AR/VR) phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Giải pháp số hóa tối ưu và tổng thể (2D, 3D, AR/VR) phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Chính phủ có chủ trương “Nâng cấp và khai thác ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa; xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số, bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa”, đây là điều rất đáng mừng. Nhưng ở góc độ một người làm công nghệ, thú thực tôi vẫn thấy tiếc vì đáng ra việc này chúng ta phải triển khai từ lâu rồi.

Chúng tôi đã phối hợp với ngành Văn hóa thực hiện việc số hóa đã 10 năm nay về công tác bảo tàng và di tích nên rất mong có những chủ trương như thế này từ cấp Chính phủ. Bởi ở các cấp địa phương, muốn triển khai rất cần hành lang, căn cứ để thực hiện. Còn trước đó, nếu có làm thì cũng chỉ mang tính tự phát và manh mún, thiếu thống nhất và đồng bộ. Không nói đâu xa, việc chúng tôi phối hợp với bảo tàng để số hóa di sản, hiện vật… trước tiên là vì đam mê chứ chưa trở thành một công việc bắt buộc để có được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.

“Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ số hóa di sản văn hóa là một công việc rất đơn giản, nhưng hoàn toàn chưa hiểu về bản chất của số hóa. Tôi biết rất nhiều “chương trình số hóa” (mà thực chất là tư liệu hóa) xong rồi lại cất vào ngăn kéo chứ chẳng khai thác hay phát huy được giá trị. Chúng ta hô hào ứng dụng công nghệ thông tin và gọi đó là chuyển đổi số, là số hóa là không đúng. Chuyển đổi số hay số hóa mang nội hàm lớn hơn, nó vượt ra ngoài cái vỏ công nghệ”.

Ông Hoàng Quốc Việt (Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Vietsoftpro - đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã số hóa 23 bảo vật quốc gia)

Câu chuyện của hôm nay và mai sau

- Số hóa di sản có thể hiểu là tổng hợp xây dựng các cơ sở dữ liệu kỹ thuật số về hiện vật, di vật, di tích, di chỉ… của ngành Văn hóa. Ông có nghĩ rằng, trong quãng thời gian 10 năm tới, ngành Văn hóa sẽ hoàn thành mục tiêu của khối lượng công việc đồ sộ này?

- Di sản văn hóa có rất nhiều, nhưng nó không giống các lĩnh vực khác. Có thể hình dung thế này, nếu muốn số hóa một văn bản giấy, số đông đều cho rằng chỉ cần scan nó là xong. Nhưng khi văn bản giấy trở thành di sản văn hóa thì đòi hỏi phải có câu chuyện xung quanh nó. Câu chuyện chính là yếu tố phi vật thể tồn tại song hành cùng văn bản giấy. Nói như thế để hiểu khái niệm một cách sâu sắc rằng, việc scan văn bản giấy chỉ đơn thuần là công tác tư liệu hóa chứ không phải số hóa. Hay như việc số hóa một chiếc trống đồng, nếu chỉ chụp ảnh, quét đồ họa 3D thì đó đơn thuần là làm công tác lưu trữ.

Nhưng nếu chúng ta xây dựng câu chuyện về quá trình hình thành, đường nét hoa văn của trống giá trị ra sao, dấu mốc về sự tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của trống quan trọng thế nào… đòi hỏi phải có rất nhiều các chuyên gia lịch sử, nhà khảo cổ học vào cuộc. Hội tụ tất cả lại, số hóa di sản mới có ý nghĩa bảo tồn và phát huy được giá trị. Số hóa di sản một cách hoàn chỉnh ngoài việc tư liệu hóa nó bằng kỹ thuật số, công nghệ, thì cần phải kết hợp với rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, bảo tàng… để xây dựng câu chuyện và sau đó khai thác về mặt kinh tế - xã hội, đó cũng chính là công nghiệp văn hóa.

Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ số hóa di sản văn hóa là một công việc rất đơn giản, đó là do họ chưa hiểu về bản chất của số hóa. Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam của Chính phủ có tầm nhìn đến năm 2030, nhưng tôi nghĩ, dấu mốc đó chỉ là đơn thuần là việc chia giai đoạn để triển khai. Nếu bắt tay vào ngay, hiểu đúng, làm đúng, đồng bộ, đồng tốc công tác số hóa di sản thì đến năm 2050 chưa chắc đã xong.

Kiến trúc cung điện thời Lý (bản vẽ phục dựng của Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Kiến trúc cung điện thời Lý (bản vẽ phục dựng của Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Công nghệ là bước sau cùng

- Có nghĩa là chúng ta sẽ phải làm lâu hơn nữa, bởi có thể còn những di sản văn hóa chưa được phát hiện. Sau này, khi tìm được, công việc lại tiếp tục, thậm chí đến cả đời con cháu chúng ta sẽ tiếp tục làm. Đó là một câu chuyện dài, rất dài, cho hôm nay và cả mai sau nữa phải không, thưa ông?

- Đúng vậy! Đời chúng ta làm và đời con cháu chúng ta sẽ tiếp tục kế thừa và tiếp nối. Nhưng vấn đề lúc này cần phải có sự thay đổi nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ số hóa di sản, chứ tôi thấy nhiều cơ quan, đơn vị được giao thực hiện vẫn còn hiểu việc này một cách rất mơ hồ, giản đơn. Họ cho rằng, câu chuyện số hóa sẽ do các công ty công nghệ thực hiện. Thật ra không phải, công nghệ chỉ là bước sau cùng. Trước tiên, chúng ta cần phải làm công tác thống kê, nghiên cứu di sản, chứ cứ cho công nghệ đi trước là sai lầm, công nghệ đơn thuần chỉ là phương tiện. Ở đây, các nhà khoa học phải làm việc trước, xây dựng xong, trong quá trình đó dùng công nghệ như một công cụ để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng cũng phải khẳng định, để phối hợp nhịp nhàng việc số hóa di sản buộc người làm công nghệ phải hiểu về văn hóa, ngược lại các chuyên gia văn hóa cũng phải cập nhật các kỹ năng công nghệ để phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng của mình.

Số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản

- Ông đánh giá thế nào về công tác số hóa của các cơ quan quản lý di sản và các địa phương hiện nay?

- Tôi thấy một thực trạng, đó là các cơ quan được giao thực hiện việc số hóa di sản chỉ đơn giản là thuê doanh nghiệp công nghệ đến làm thay. Có thể quá lời, nhưng thực tế là họ chỉ “hùng hục” mang máy ảnh đến chụp lia lịa, sử dụng máy quét thực hiện vài hình ảnh 3D rồi cho rằng thế là đã số hóa xong. Thú thực, nếu chỉ có thế thì nó chẳng mang lại giá trị. Như tôi đã khẳng định, cái chúng ta cần là phải thay đổi nhận thức một cách sâu sắc.

Đầu tiên phải đặt câu hỏi số hóa di sản để làm gì? Hậu số hóa di sản phải phát huy được hiệu quả. Mà muốn phát huy được thì chúng ta cần quay lại vấn đề phải có câu chuyện, phải có yếu tố phi vật thể, đấy mới là giá trị của di sản. Tôi biết rất nhiều “chương trình số hóa” (mà thực chất là tư liệu hóa) xong rồi lại cất vào ngăn kéo chứ chẳng khai thác hay phát huy được. Chúng ta hô hào ứng dụng công nghệ thông tin và gọi đó là chuyển đổi số, là số hóa là không đúng. Chuyển đổi số hay số hóa mang nội hàm lớn hơn, nó vượt ra ngoài cái vỏ công nghệ. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, dù ta có đầu tư số hóa hàng nghìn hiện vật, hàng trăm di sản văn hóa, bỏ ra rất nhiều tiền để thực hiện đi nữa, thì cũng sẽ không có giá trị nếu không có căn cốt là nội dung, câu chuyện. Thế thì thay vì làm tràn lan, ta làm trước những di sản tiêu biểu, di sản quốc gia, nghiên cứu, tư liệu hóa, số hóa trước, xây dựng hoàn chỉnh câu chuyện, sau đó đưa ra chia sẻ, khai thác các dữ liệu số sẽ hiệu quả lớn hơn rất nhiều. Đấy mới là chuyển đổi số đích thực - số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

(Còn nữa)