Số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản đã tăng đến mức báo động

ANTĐ -Sáng nay, 12-10, tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016. Đa số các ý kiến thống nhất cho rằng, kinh tế xã hội năm 2015 trên đà phục hồi, có nhiều chuyển biến tích cực, song còn rất nhiều khó khăn. 

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đào Quang Thu nhấn mạnh, tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước, tốc độ tăng có xu hướng tăng nhanh sau từng Quý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ hàng chục năm qua.
Số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản đã tăng đến mức báo động ảnh 1Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ 

Cùng đó, tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện 9 tháng ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Tồng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tống kim ngạch nhập khấu ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Thứ trưởng Đào Quang Thu phân tích, dù 9 tháng đầu năm chúng ta nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (dưới 5%).

Sự hồi phục của nền kinh tế cũng được thể hiện rõ nét qua hoạt động phát triển doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm, cả nước có 68.347 doanh nghiệp thành lập mới, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 28,5%. Đáng chú ý, có 12.848 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, cũng có đến 47.604 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 8- 2015 mới cổ phần hóa được 95/289 doanh nghiệp nhà nước, đạt 32,8% kế hoạch...

Thẩm tra về báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 của Chính phủ, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp trong khi chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.

Ngoài ra, năm 2015 đã nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Nhiều ý kiến lo ngại nếu không thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước thỉ cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp. Hay việc kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức giá quá thấp và tiếp tục giảm sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Về vấn đề này, báo cáo của Chính phủ cho biết, việc phá giá đồng Nhân dân tệ vừa qua cùng với việc giảm giá dầu thô và các mặt hàng nông sản xuất khấu có ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, nhưng tác động không lớn. Thực tế là nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi.