“Sổ đỏ” giả “hạ gục” cả ngân hàng

ANTĐ - Hôm qua (14-8), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Lê Bá Quỳ (SN 1969, trú ở thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội), theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Lê Bá Quỳ (hàng trên, bên phải) cùng các bị cáo tại tòa

“Sổ đỏ” giả từ... phôi thật

Đồng phạm giúp sức cho “siêu lừa” này là Phùng Văn Thúy (SN 1979, trú ở thôn Chu Xá, cùng xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm) - cựu cán bộ địa chính xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Quỳ cùng đồng phạm còn có hàng loạt nhân viên, cán bộ của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể là Phạm Văn Sơn (SN 1977) - cán bộ tín dụng Ngân hàng N., chi nhánh Gia Lâm; Bùi Văn Hải (SN 1985) - cán bộ tín dụng, Nguyễn Phú Cường (SN 1984) - cán bộ hỗ trợ tín dụng cùng thuộc Ngân hàng TMCP X.P; Nguyễn Thị Hồng Tú (SN 1981) - Phó giám đốc Phòng Giao dịch Giảng Võ, chi nhánh Đông Đô (Ngân hàng TMCP K.) và Nguyễn Văn Tiệp (SN 1985) - cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Đ.N.A., chi nhánh Láng Hạ. 

Theo tài liệu truy tố, do có mối quan hệ từ trước, cuối năm 2008, Quỳ bàn với Thuý lấy cắp phôi của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm mang về để làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), rồi mang đến các ngân hàng thế chấp vay vốn, hòng chiếm đoạt. Sẵn có 27 bộ phôi “dư thừa” do việc chuyển công tác từ UBND huyện về làm cán bộ địa chính xã Yên Thường nên Thuý đồng ý ngay. Ngay khi nhận toàn bộ số phôi đó, Quỳ, Thuý và đối tượng tên Thiện (chưa rõ lai lịch) đã tiến hành kẻ vẽ sơ đồ, ghi các số liệu trên máy vi tính, rồi cho ra đời hàng chục “sổ đỏ” giả bằng phương pháp in lưới và in phun. Tiếp đến, Quỳ thuê người khắc con dấu giả, giả mạo chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và lãnh đạo các phòng, ban liên quan, rồi “cộp” dấu vào các “sổ đỏ” giả mạo ấy. 

Bằng “quy trình” sản xuất như trên, Quỳ và Thuý đã lần lượt cho “ra lò” tổng cộng 21 “sổ đỏ” giả với các số hiệu: AI038880, K527640, Q692408… Hành vi này chỉ bị phát hiện vào đầu tháng 2-2010 khi một người dân trú ở quận Đống Đa đem 3 “sổ đỏ” mang các số hiệu AI038874, AI038878 và AI038880 đều mang tên người sử dụng là vợ chồng Quỳ đến Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm đề nghị xác minh. Trớ trêu thay, trước khi bị bại lộ, Lê Bá Quỳ cũng đã kịp dùng hàng loạt “sổ đỏ” giả để chiếm đoạt tiền của 6 ngân hàng hương mại.

Cán bộ ngân hàng “tiếp tay”

Nhằm “qua mặt” các tổ chức tín dụng, ngay trong thời gian sản xuất “sổ đỏ” giả, Lê Bá Quỳ cũng lần lượt cho ra đời 4 công ty khác nhau và đều “mượn” tên người khác làm đại diện pháp nhân. Mục đích là thông qua đó tạo ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp đồng kinh tế “ảo” để hợp thức hoá hồ sơ vay vốn.

Ngân hàng đầu tiên mà Quỳ nhằm vào là Ngân hàng N. - chi nhánh Gia Lâm. Trong 11 tài sản đảm bảo để vay tổng cộng hơn 24 tỷ đồng, đối tượng đã “khéo léo” cài 2 “sổ đỏ” giả cho khoản vay hơn 14 tỷ đồng. Chịu trách nhiệm thẩm định, trình lãnh đạo duyệt vốn vay cho Quỳ, Phạm Văn Sơn đã “mắt nhắm mắt mở” để “sổ đỏ” giả của đối tượng lọt qua.

Với thủ đoạn tương tự và bằng quan hệ, Quỳ tiếp tục chỉ đạo giám đốc Công ty Thuỷ’S Ceramics ký 2 hợp đồng vay hơn 13 tỷ đồng của Ngân hàng K., chi nhánh Đông Đô dựa trên 4 “sổ đỏ” giả. Nguyễn Thị Hồng Tú với chức vụ Phó Trưởng phòng Giao dịch Giảng Võ là người thẩm định hồ sơ, xem xét tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đề nghị vay vốn, nhưng đã phớt lờ các quy định. Cao thủ hơn, trong một số “sổ đỏ” giả, Quỳ còn in các dữ liệu trùng khớp với “sổ đỏ” thật của vợ chồng đối tượng, rồi mang đến Ngân hàng TMCP C, chi nhánh Đông Anh vay 6,7 tỷ đồng. Thế nên khi cán bộ ngân hàng này kiểm tra thực tế tài sản thế chấp đã không thể phát hiện sự gian dối. 

Tại phiên toà hôm qua, Lê Bá Quỳ và cựu cán bộ địa chính xã Yên Thường thành khẩn khai nhận lại toàn bộ quá trình phạm tội. Phùng Văn Thuý còn nại ra rằng khi giao 27 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho kẻ chủ mưu, anh ta không lường trước được hậu quả lại nặng nề đến vậy. Hòng gỡ tội cho bản thân, Thuý còn trình bày đối tượng đã tự thú và khai báo rõ hành vi phạm tội nhằm giảm thiểu hậu quả. Tuy nhiên, xem xét hồ sơ vụ án, đại diện VKSND TP Hà Nội đã bác bỏ ngay, bởi thời điểm bị cáo cho rằng tự thú, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra. Đối với 5 cán bộ, nhân viên ngân hàng nêu trên được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, thực trạng tài sản và tình hình sản xuất, kinh doanh của các công ty do Quỳ đứng đằng sau, nhưng đã không làm hết trách nhiệm. Lời khai các cán bộ, nhân viên ngân hàng tại phiên toà cho thấy, tất cả các bị cáo đều vô tình “tiếp tay” cho Quỳ khi quá tin tưởng vào hồ sơ vay vốn nên không hề xác minh rõ tài sản đảm bảo. Ngay tại phiên toà, Quỳ còn khai sở dĩ đối tượng “qua mặt” được các ngân hàng là vì đã “chung chi” một khoản tiền lớn cho một số cán bộ, nhân viên. Thế nhưng do chỉ là lời khai một phía, không có thêm tài liệu chứng minh nên không được toà án chấp nhận.

Sau 1 ngày xét xử, cuối giờ chiều qua, TAND TP Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt Lê Bá Quỳ 5 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt, “siêu lừa” này phải chấp hành án tù chung thân. Do không được ăn chia nên Phùng Văn Thuý chỉ phải nhận 21 năm tù cho cả 2 tội bị truy tố. Các bị cáo là cán bộ, nhân viên ngân hàng thì lần lượt nhận từ 30 tháng tù (hưởng án treo) đến 3 năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.